Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

PV Gas: Nguồn khí đang bị khai thác quá mức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

PV Gas: Nguồn khí đang bị khai thác quá mức

Văn Nam

PV Gas: Nguồn khí đang bị khai thác quá mức
Nhà máy điện Nhơn Trạch nơi đang sử dụng khí làm nguồn nhiên liệu sản xuất điện – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) lo ngại rằng nguồn khí tại các mỏ khí của Việt Nam, đặc biệt tại vùng biển khu vực Đông Nam bộ có khả năng sẽ bị cạn kiệt trong vòng 10 năm tới do đang bị khai thác quá mức để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất điện, đạm ngày càng tăng.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 6-12, Tổng giám đốc PV Gas Đỗ Khang Ninh cho biết, hiện Việt Nam chỉ có 2 nguồn khí chính là mỏ PM3 Cà Mau với sản lượng khai thác khoảng 4 triệu m3/ngày và các mỏ Nam Côn Sơn, Bạch Hổ khu vực Đông Nam Bộ bới tổng sản lượng khai thác khoảng 20 triệu m3/ngày.

Theo ông Ninh, nguồn khí ở khu vực Đông Nam bộ đang được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) huy động tối đa để phát điện với công suất gấp đôi công suất cung cấp khí được PV Gas cam kết. “Nếu huy động nguồn khí tốc độ cao như hiện nay thì chúng tôi lo sợ về mặt kỹ thuật sẽ dẫn đến tình trạng phá mỏ, tức là sẽ bị ngập nước, hỏng mỏ nếu khai thác không đúng”, ông nói.

Trong khi đó, PV Gas lại đang cam kết cung cấp khí cho các nhà máy điện đạm ở khu vực Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo dạng hợp đồng bao tiêu, cung cấp khí lâu dài.

Trường hợp khai thác quá nhiều ở giai đoạn này thì cuối đời mỏ sẽ bị cạn kiệt khí, và nếu điều này xảy ra thì PV Gas sẽ bị phạt vì giao thiếu. Theo tính toán sơ bộ, nếu bị phạt giao thiếu thì PV Gas sẽ thiệt hại hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho một hợp đồng sản xuất điện và đạm.

Ông Ninh cho biết thêm mặc dù thời gian khai thác các mỏ có khác nhau nhưng nhìn chung các mỏ sẽ dần cạn kiệt trong vòng 10 năm tới. Về lâu dài, PV Gas đang xúc tiến đẩy mạnh các hợp đồng nhập khẩu khí từ Qatar, Úc… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc nhập khẩu khí chính là giá khí nhập khẩu thường cao gấp 3 lần giá khí trong nước.

Theo ông Ninh, hiện giá khí trong nước đang dao động 5-7 đô la Mỹ/một triệu BTU, trong khi giá khí nhập khẩu hiện khoảng 16 đô la Mỹ/một triệu BTU. 

Ông Ninh cho biết dự kiến tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức ngày mai (7-12) liên quan đến việc giải quyết nguồn cung khí cho sản xuất điện, lãnh đạo PetroVietnam cũng sẽ chính thức giải trình những vấn đề này. 

Thời gian gần đây, EVN luôn than phiền việc thiếu hụt nguồn khí cho sản xuất điện tại các nhà máy điện phía Nam. Hiện sản lượng điện từ khí chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện cả nước.

Đầu tuần này, Bộ Công Thương cũng vừa đưa nhận định khả năng cung cấp khí trong năm 2012 cho sản xuất điện chỉ ở mức 5,7 tỉ m3, lượng khí thiếu hụt khoảng 1 tỉ m3. Như vậy, EVN sẽ phải chạy dầu phát điện và tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2012 sẽ khoảng 18.000 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới