Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

PVFC: trả giá để trở nên minh bạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

PVFC: trả giá để trở nên minh bạch

Hải Lý

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – “Năm 2008 chúng tôi chỉ dám nghĩ đến hai từ “tồn tại”, bây giờ cũng chỉ dám mon men đến hai từ “chuyển biến”. Điều mà chúng tôi rút ra được trong thời gian khó khăn vừa qua là minh bạch”, ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC), nói với TBKTSG.

Có thể PVFC chưa minh bạch đến mức như nhà đầu tư mong đợi, nhưng không thể không ghi nhận sự nhận thức được tầm quan trọng của tính minh bạch trong hoạt động, đặc biệt hoạt động đầu tư tài chính của tổng công ty và những bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu minh bạch đó.

Bài học ủy thác đầu tư

PVFC là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư và đẩy doanh số mảng nghiệp vụ này lên rất nhanh trong hai năm 2006-2007. Lúc đầu, theo thừa nhận của ông Trường, tổng công ty chỉ định tạo nguồn vốn đầu tư đa dạng, hỗ trợ khách hàng nhằm thu phí. Nhưng đơn vị đã nhanh chóng bị “cơn lốc” chứng khoán khi đó cuốn đi.

PVFC đã hỗ trợ ủy thác đầu tư không chỉ cho 25.000 cán bộ công nhân viên ngành dầu khí mua cổ phần của những doanh nghiệp trong ngành phát hành cổ phiếu lần đầu như PVI, PVT, PVC, PVD, PVS… mà mở rộng ra mọi đối tượng nhà đầu tư.

“Vào thời cao điểm chúng tôi có tới 20.000 khách hàng ủy thác đầu tư một lúc, chỉ nguyên in sổ cũng mất hai tháng” – ông Trường nhớ lại.

Tất nhiên khi việc quản lý nghiệp vụ không theo kịp số lượng, PVFC đuối sức. Để bao được toàn bộ hoạt động ủy thác đầu tư, mà ông Trường gọi là “phát triển bán lẻ” ấy, tổng công ty phải có được một phần mềm quản trị tốt, giống như đầu tư cho ngân hàng lõi (core banking) của các ngân hàng thương mại. Hiện giờ PVFC mới làm điều ấy.

Năm ngoái thị trường chứng khoán suy thoái, nhiều cá nhân ký hợp đồng ủy thác đầu tư với PVFC đã “bỏ của chạy lấy người”, để lại cho tổng công ty “đống” cổ phiếu mua với giá cao. PVFC trở thành nhà đầu tư lớn một cách bất đắc dĩ. Gánh hậu quả của ủy thác đầu tư, cộng với một danh mục tự doanh vội vàng trong thời gian thị trường tăng “nóng”, năm 2008 PVFC phải trích dự phòng rủi ro chứng khoán 1.570 tỉ đồng. Căn cứ vào báo cáo tài chính có kiểm toán kết thúc vào ngày 31-12-2008, lẽ ra PVFC có thể phải trích dự phòng nhiều hơn thế. Một mức trích lập dự phòng đầy đủ có khả năng làm hao hụt phần lợi nhuận 49 tỉ đồng còn lại của tổng công ty, thậm chí có thể âm.

Thay đổi tư duy

Mô hình công ty tài chính của PVFC lúc đầu cũng tương tự như các công ty tài chính khác, đơn thuần là công cụ quản lý vốn cho các tập đoàn có đặc thù ngành nghề. Nhưng với sự hỗ trợ của PetroVietnam, tập đoàn kinh tế mạnh nhất nước, PVFC đã mang trong nó sự pha trộn hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Thế mạnh trong mảng ngân hàng thương mại của tổng công ty hầu như không có gì phải phàn nàn.

Đến cuối năm 2008, PVFC nhận ủy thác quản lý vốn 22.207 tỉ đồng, trong đó gần 90% là từ PetroVietnam (theo báo cáo tài chính). Chỉ riêng trong mười tháng, từ tháng 3 đến tháng 12 -2008, PVFC nhận ủy thác với mục đích đầu tư sinh lời (trả lãi suất cố định theo năm, gần như là vốn huy động dài hạn) từ PetroVietnam bốn khoản trị giá lần lượt 5.864 tỉ – 2.000 tỉ – 2.300 tỉ và 1.000 tỉ đồng. Với lượng tiền dồi dào này, tổng công ty dư sức thu xếp và cung ứng vốn cho các dự án dầu khí.

Trong khi “cái chân” ngân hàng thương mại tỏ ra khá vững, “cái chân” ngân hàng đầu tư của PVFC luôn ở trong tình trạng sắp sửa phải chống nạng. Chính từ thực trạng “cái chân” này mà tổng công ty đã bắt đầu thay đổi tư duy đầu tư. Chiến lược đầu tư từ phát triển nhanh chuyển sang chậm, chắc để xây dựng một nền móng bền. Nguồn lực, nhân sự đầu tư được thay đổi đi đôi với chiến lược. PVFC nhạy cảm hơn trước các thời điểm đầu tư.

Trong quí 1-2009 tổng công ty tích cực cơ cấu lại danh mục, tăng phần chứng khoán sẵn sàng để bán từ 281 lên 310 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính quí 1-2009). Từ tháng 4-2009, theo ông Trường, tổng công ty tiến hành thu hồi vốn đầu tư trên hai hướng: chuyển nhượng các dự án đầu tư, kể cả dự án dài hạn và thanh lý một số chứng khoán niêm yết.

Đến cuối tháng 4, PVFC thu được 261 tỉ đồng từ chuyển nhượng phần góp vốn ở một số dự án thủy điện và dự án khu tổ hợp văn phòng tại Đà Nẵng. Hơn 200 tỉ đồng trị giá cổ phiếu niêm yết cũng đã được bán ra. “Chúng tôi tiếp tục hiện thực hóa lợi nhuận khi VN-Index tiến gần đến 400 điểm” – ông Trường khẳng định – “Việc xử lý các chứng khoán niêm yết có thể mang lại khoản hoàn nhập dự phòng 800 tỉ đồng nếu VN-Index đạt 400 điểm”.

Có thể hiểu là PVFC đang tận dụng cơ hội tăng điểm của chứng khoán để “giải phóng” các hợp đồng repo với tổng trị giá 205 tỉ đồng vốn không được trích dự phòng rủi ro. Kỳ hạn thực hiện các hợp đồng này là ngày 19-10-2008, lúc VN-Index 370 điểm. Hiện tại, tùy giá giao dịch trên sàn của từng cổ phiếu, việc thanh lý chúng giúp PVFC thu hồi vốn và tránh được lỗ.

Thị trường đã phản ứng tích cực với những thông tin trong hoạt động đầu tư của PVFC. Tuần trước cổ phiếu PVFC đã tăng trần năm phiên liên tiếp bất chấp sự trồi sụt của VN-Index. Tổng công ty đang hướng tới sự minh bạch trong đầu tư, song sự minh bạch bước đầu ấy lại chưa đi liền với sự công khai.

Trong khi cổ phiếu của các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp có đầu tư tài chính như REE, SAM, GMD… biến động sớm và theo sát sự chuyển động của VN-Index, cổ phiếu của PVFC, nơi có hoạt động đầu tư tài chính lớn, lại “lạc lõng” trên thị trường. Nó chỉ hòa nhịp muộn màng với VN-Index từ tuần trước.

Sự chuyển động muộn của cổ phiếu PVFC cho thấy sự nghi ngại của nhà đầu tư đối với hoạt động của tổng công ty chưa phải đã hết. Minh bạch là cả quá trình, nó cần thêm sự công khai và cần thời gian để ngấm. Sự minh bạch không phải ngày một, ngày hai có ngay được, song quan trọng là tiến trình ấy đã bắt đầu ở PVFC.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới