Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Qua ‘cơn’ hạn mặn, tháo dỡ đập trữ ngọt tại Tiền Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Qua ‘cơn’ hạn mặn, tháo dỡ đập trữ ngọt tại Tiền Giang

Trung Chánh

(KTSG Online) – Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) – con đập được xây dựng để trữ nước ngọt phục vụ cho 1,1 triệu dân ở Tiền Giang và Long An – được tháo dỡ trong bối cảnh hạn mặn đang sụt giảm mạnh.

Qua 'cơn' hạn mặn, tháo dỡ đập trữ ngọt tại Tiền Giang
Đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành được tháo dỡ từ ngày 4-5-2021. Ảnh: Trung Chánh

Hôm nay (4-5), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Tiền Giang (TICCO Tiền Giang) đã cho tháo dỡ đập ngăn mặn trên tuyến kênh Nguyễn Tấn Thành (hay còn gọi là kênh xáng Long Định).

Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ của TICCO Tiền Giang và là chỉ huy trưởng công trình tháo dỡ đập trên kênh này cho biết đơn vị huy động lực lương nhân công và máy móc thiết tốt nhất có thể nhằm hoàn thành việc tháo dỡ đập trong thời gian sớm. “Dự kiến, trong vòng 10 ngày sẽ hoàn thành việc tháo dỡ đập thép này”, ông Thành nói.

Trước đó, vào ngày 28-1-2021, đập thép ngăn mặn trữ ngọt trên tuyến kênh Nguyễn Tấn Thành đã được TICCO Tiền Giang triển khai xây dựng tại km 01+070 thuộc xã Song Thuận và xã Bình Đức của huyện Châu Thành. Vị trí xây dựng đập ngăn mặn này cách cầu kênh Xáng trên đường tỉnh 864 cũng như cách sông Tiền khoảng dưới 1 km.

Ông Trịnh Công Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang lúc bấy giờ cho biết, việc xây dựng đập nêu trên (và một số đập nhỏ khác- PV) nhằm mục tiêu đảm bảo nước tưới cho 128.250 héc ta đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước bổ cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu người dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Việc tháo dỡ đập thép trên tuyến kênh Nguyễn Tấn Thành được thực hiện trong bối cảnh tình hình hạn và xâm nhập mặn ở Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang “hạ nhiệt”.

Cụ thể, báo cáo của Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho thấy, trên sông Vàm Cỏ Đông từ ngày 22 đến ngày 28-4, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng 50 km, giảm 12 km so với tuần trước đó (từ 15 đến 21-4). Mức giảm xâm nhập mặn so với cùng kỳ năm 2016 và 2020 lần lượt 50 và 30 km. Đây là hai năm có đợt xâm nhập hạn mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo cũng cho thấy trên sông Vàm Cỏ Tây trong tuần từ ngày 22 đến 28-4, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng 64 km, giảm 14 km so với tuần trước đó và lần lượt giảm 56 và 68 km so với năm 2016 và 2020.

Trên các vùng cửa sông Cửu Long (cửa Tiểu, cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên và sông Hậu) hiện xâm nhập mặn sâu vào nội đồng dao động từ 31-45 km, giảm từ 3-45 km so với cùng kỳ 2016 và từ 1-41 km so với mùa khô 2020.

Trên sông Cái Lớn, hiện xâm nhập mặn sâu vào nội đồng 50 km, giảm lần lượt là 18 và 8 km so với cùng kỳ năm 2016 và 2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới