Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quán ăn, nhà hàng nhỏ ‘chuyển đổi số’ để tồn tại trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quán ăn, nhà hàng nhỏ ‘chuyển đổi số’ để tồn tại trong đại dịch

Chánh Trung

(KTSG Online) – Nhiều quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… tại TPHCM đã nhanh chóng triển khai bán hàng qua điện thoại, bán hàng trực tuyến (online), trên các trang mạng xã hội hay trở thành đối tác của các ứng dụng đặt món ăn như Grab, Now, GoFood, Baemin… để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.

Quán ăn, nhà hàng nhỏ 'chuyển đổi số' để tồn tại trong đại dịch

Nhiều quán ăn, cà phê tại TPHCM cho khách đặt hàng qua Now, Baemin… và shipper sẽ giao hàng tận nơi cho khách. Ảnh: Lâm Vũ

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… tại TPHCM thêm khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, nhiều chủ quán ăn, nhà hàng, tiệm cà phê đã nhanh chóng “chuyển đổi số” để tiếp tục duy trì hoạt động và tồn tại.

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%), FPT cho hay.

Nhiều người kinh doanh đã "cấp tập" triển khai quảng cáo trên mạng internet, Facebook về việc bán hàng online của mình. Sau đó đăng ký làm đối tác của các ứng dụng như Baemin, GoFood, Grab, Now… để có thể nhận đặt hàng online của khách qua ứng dụng. Nhiều người kinh doanh cũng triển khai bán hàng qua điện thoại, Facebook, Zalo… . Tất cả mọi giải pháp kinh doanh qua online, mạng xã hội đều được “tức tốc” triển khai để duy trì kinh doanh và giữ được nhân viên của mình, nhiều nhà kinh doanh cho hay.

Chị H.T.Nhi, chủ một nhà hàng nhỏ tại quận 10 (TPHCM) cho biết trước đây không chú trọng đến việc bán hàng qua kênh trực tuyến (online). Khi TPHCM bắt đầu thực hiện các biện pháp giãn cách và tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, chị đã nhanh chóng đăng ký làm đối tác của các ứng dụng như Now, GoFood, Grab, Baemin để có thể nhận đơn hàng khách đặt qua các nền tảng này. "Bên cạnh đó tôi cũng dùng tải khoản cá nhân của mình trên Facebook để giới thiệu các món ăn của nhà hàng, cho số điện thoại để khách có thể đặt hàng ngay trên Facebook; quảng cáo tới bạn bè, người quen qua tin nhắn chat Facebook, Zalo để có thêm khách hàng”.

Còn anh Ngô Minh Trí, chủ một quán cà phê tại quận 3 trước đây chỉ bán theo kiểu truyền thống do có lợi thế là mặt bằng kinh doanh rộng. Sau khi dịch bệnh bùng phát, quán chỉ bán hàng mang đi anh Trí đã trả mặt bằng, chuyển sang thuê một chỗ mới diện tích nhỏ gọn hơn để bán hàng “mang đi” (take away).

Anh Trí chia sẻ: "Tôi vẫn giữ lại các nhân viên tuy nhiên nhiều nhân viên tôi chuyển sang cho phụ trách viết quảng cáo, chụp hình sản phẩm để đăng lên online như Facebook, Zalo chào mời khách hàng. Chúng tôi cũng liên hệ làm đối tác với các ứng dụng như Grab, Now để bán các sản phẩm như cà phê, nước ngọt, sinh tố trái cây qua các ứng dụng này. Bên cạnh đó tôi đăng thêm các quảng cáo trên các báo mạng để khách hàng đặt hàng qua điện thoại và cho nhân viên giao tận nơi”.

Nhiều chủ các quán phở, bún riêu, bún bò… tại TPHCM cho biết ngoài việc nhận đặt hàng online qua các ứng dụng như Grab, GoFood… và sử dụng các tài xế xe công nghệ, shipper để bán, giao hàng cho khách thì còn triển khai bán hàng qua Facebook. Theo đó nhiều chủ quán ăn đã mở các Fanpage riêng hay cho nhân viên vào các Group ăn uống, bán hàng online trên Facebook để quảng cáo món ăn của mình, cung cấp thông tin để khách đặt. Thậm chí, nhiều quán ăn còn liên hệ trực tiếp trao đổi với khách hàng ngay sau khi khách hỏi thăm trên Facebook, cho dù sau đó khách không mua các cửa tiệm vẫn vui vẻ làm quen, kết nối thông tin.

Một quán phở tại TPHCM chỉ bán hàng online cho khách qua ứng dụng. Ảnh: Lâm Vũ

"Ban đầu việc bán hàng qua online gặp nhiều khó khăn do bản thân tôi và nhân viên chưa nắm bắt, hiểu biết công nghệ. Tuy nhiên, sau một thời gian thì mọi người quen dần. Đến nay, dù doanh thu thấp hơn nhiều so với trước khi có dịch nhưng tôi vẫn duy trì được việc kinh doanh, có khách hàng khá đều. Sau này khi hết dịch tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì việc bán hàng qua kênh online", chị H.T.Nhi cho hay.

Theo các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ như hộ kinh doanh gia đình, nhà hàng, quán ăn nên tích cực ứng dụng giải pháp công nghệ để tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hết sức phức tạp.

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT, cho rằng ưu tiên chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong đại dịch là đảm bảo cho nhân viên được an toàn và làm sao đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Để triển khai toàn bộ quá trình chuyển đổi số cần nỗ lực, quyết tâm vô cùng lớn từ người chủ kinh doanh. Để chuyển đổi số, giúp kinh doanh không gián đoạn người chủ kinh doanh cần liên tục, linh hoạt triển khai các cách làm mới. Nắm bắt cơ hội mới từ thị trường và ứng dụng công nghệ để nhanh chóng thích ứng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh không gián đoạn cũng như thông suốt trong quản trị, vận hành.

Bà Lâm Thị Kiều Oanh, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Twitter Beans Coffee, nhận định chuyển đổi số với các nhà kinh doanh không phải là một hành trình quá khó khăn. Đầu tiên, cần phải làm rõ mục tiêu của doanh nghiệp, bài toán quản trị muốn giải là gì, tiếp đến là các yếu tố con người. Người chủ kinh doanh cần hiểu rõ mục tiêu, giá trị của chuyển đổi số để từ đó quyết tâm, bền bỉ và kiên trì triển khai. Hiện nay có rất nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp chỉ cần làm rõ bài toán của mình là có thể triển khai được chuyển đổi số.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 gây ra nhiều tác động tiêu cực khôn lường, khiến doanh nghiệp Việt “mắc kẹt” trong bài toán quản trị, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây cho thấy có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch.


Mời đọc thêm:

Doanh nghiệp Việt ‘đổi vận’ nhờ chuyển đổi số

Chuyển đổi số nơi doanh nghiệp: mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng

Chuyển đổi số: cơ hội bứt phá và rủi ro phát sinh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới