Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quân đội không làm kinh tế là hợp với quy luật  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quân đội không làm kinh tế là hợp với quy luật  

Bốc xếp container hàng hoá dân sự tại Tân Cảng, TPHCM. Hiện nay Tân Cảng là nơi tiếp nhận hàng hoá vận chuyển bằng container lớn ở phía nam nhưng cảng này đang trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân – Ảnh Tư liệu

(TBKTSG Online) – Quân đội không nên làm kinh tế là hợp với quy luật hiện nay khi đất nước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là nhận định của Đại tá Lê Duy Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TPHCM và từng giữ chức Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Z 751 của Bộ Quốc phòng.  

Theo ông Minh, việc nên tách bạch hẳn giữa các doanh nghiệp làm kinh tế của quân đội sang các cơ quan nhà nước quản lý và các doanh nghiệp quốc phòng vẫn thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng đã từng được đề cập vào đầu thập niên 1990, lúc ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ tướng Chính phủ.  

“Tôi nghĩ lúc đó làm chưa đủ là vì chưa có điều kiện chín muồi, còn bây giờ, điều kiện đã chín muồi là kinh tế phát triển, luật pháp được hoàn thiện dần và Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì vấn đề này nên tách bạch rõ ràng”. Ông Minh nói với TBKTSG Online bên lề buổi toạ đàm “Giao lưu hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp cựu chiến binh” tổ chức vào sáng 21-12, tại Saigon Times Club.  

Ông ủng hộ dự thảo Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng mà Chính phủ trình và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến hôm 18-12, là chuyển các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đơn thuần sang Chính phủ và các bộ ngành quản lý; còn Bộ Quốc phòng chỉ quản lý các doanh nghiệp quân đội sản xuất vũ khí, khí tài quân sự.

Đồng thời, theo ý kiến cá nhân ông, các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế ở vùng biên giới, hải đảo theo kiểu “khi yên bình thì cầm cày cuốc, khi có biến thì cầm súng” như Tổng công ty 15 ở Tây Nguyên (người dân quen gọi là Binh đoàn 15), vừa làm kinh tế, vừa đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, thì không thể chuyển đổi sang dân sự thuần tuý.  

Thực tế hiện nay, theo ông Minh, đa phần các doanh nghiệp quân đội ở đô thị làm kinh tế theo kiểu cho thuê mặt bằng tương tự như các doanh nghiệp nhà nước yếu kém mà báo chí thường lên tiếng. Đó là tình trạng cho thuê mặt bằng cho các thành phần kinh tế khác dưới hình thức “hợp tác kinh doanh hay liên doanh, liên kết”. Điển hình là trường hợp toà nhà hội nghị, nhà hàng tiệc cưới của White Palace của Công ty Tây Nam thuộc Quân khu 7.  

“Trước đây do kinh tế khó khăn nên nhà nước cho anh em quân đội làm thêm để cải thiện đời sống, do vậy mà đôi lúc nhà nước và người dân thấy doanh nghiệp quân đội làm không đúng cũng du di cho qua. Nay thì không thể như vậy ”, ông nói.  

Hiện Bộ Quốc phòng có ít nhất 244 doanh nghiệp làm kinh tế thuộc nhiều ngành nghề. Ngoài các doanh nghiệp trực thuộc bộ, còn có các doanh nghiệp trực thuộc các quân binh chủng như Công ty Tây Nam của Quân khu 7, một số Bộ Tư lệnh các binh chủng cũng có các doanh nghiệp trực thuộc như Công ty Tân Cảng Sài Gòn thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Ông Lê Duy Minh hiện nay là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về trang trại trồng rừng, cây nông nghiệp. Trước khi rời quân ngũ, ông giữ chức Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Z 751 của Bộ Quốc phòng.

HỒNG VĂN    

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới