Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quan hệ Trung – Mỹ khó có đột phá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quan hệ Trung – Mỹ khó có đột phá

Ngô Minh Trí

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại sân bay St. Andrew, thủ đô Washington DC sáng sớm hôm nay. Ảnh AP

(TBKTSG Online) – Trước khi Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chính thức viếng thăm chính thức Hoa Kỳ trong tuần này, giới phân tích đã đồn đoán khá nhiều về những thỏa thuận có thể có giữa Washington và Bắc Kinh, trong bối cảnh hai bên có vô số bất đồng đồng thời mối quan hệ Mỹ – Trung lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình cục diện thế giới.

>> Ông Hồ Cẩm Đào: “Đô la Mỹ đã là quá khứ”

>> Ông Hồ Cẩm Đào đến Mỹ

Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào được người ta gợi nhớ đến chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình đến Hoa Kỳ năm 1979 – chuyến đi đã tạo ra nhiều thay đổi trên vũ đài chính trị thế giới. Nhưng trong thực tế, chuyến thăm lần này sẽ khó mang lại một thay đổi lớn như vậy.

Hiện tại Mỹ – Trung đang có nhiều bất đồng hơn so với thời điểm 1979. Khi xưa, bất đồng lớn nhất giữa Washington và Bắc Kinh chỉ là vấn đề ý thức hệ, Trung Quốc chưa đủ mạnh để tạo thành một nguy cơ cho Hoa Kỳ. Cản trở lớn nhất còn lại trong quan hệ hai nước chính là vấn đề đảo Đài Loan, nhưng vào thời kỳ ấy Hoa Kỳ đã không còn cảm thấy nên ủng hộ Đài Loan trở thành một quốc gia riêng biệt. Ngược lại, lúc bấy giờ, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều có chung một đối trọng là Liên Xô. Thế nên, hai bên dễ dàng tìm kiếm được tiếng nói chung.

Tình hình hiện nay lại khác, Trung Quốc là một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ, là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, là đối tác thương mại hàng đầu và hai bên liên tục bất đồng về chính sách tiền tệ. Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự và muốn trở thành một lực lượng quân sự đối trọng với Hoa Kỳ, nhất là tại khu vực châu Á. Vì thế, những bất đồng của Hoa Kỳ và Trung Quốc là những bất đồng sâu sắc và liên quan trực diện đến lợi ích cốt lõi của cả hai. Năm 2010 vừa qua có thể coi là thời điểm bộc lộ đầy đủ nhất những bất đồng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trên nhiều lĩnh vực, và là lúc quan hệ giữa hai bên xuống tới mức lạnh giá nhất.

Giải quyết triệt để bất đồng hai bên thì thực sự là một thử thách lớn. Ngoài ra, một vấn đề nhạy cảm mà báo chí Mỹ đã nhắc đến, đó là ông Hồ Cẩm Đào không có nhiều ảnh hưởng trong nội bộ Trung Quốc như cố Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình. Điều đó cũng làm hạn chế khả năng tạo ra sự đồng thuận trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc khi giải quyết các chính sách lớn.

Vì vậy, chuyến thăm lần này của ông Hồ Cẩm Đào khó có thể tạo ra dấu ấn bước ngoặc trong quan hệ Mỹ – Trung. Thực tế đã chứng minh nhận xét trên. Trong chuyến thăm đến Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã thực hiện cuộc trao đổi hiếm hoi với giới truyền thông quốc tế, ông cũng thừa nhận rằng tồn tại “một số khác biệt và các vấn đề nhạy cảm giữa chúng tôi” khi nói về mối quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng ông Hồ Cẩm Đào đã tránh đề cập đến các bất đồng đang đeo đẳng trong quan hệ Mỹ – Trung, như các tranh luận về việc Hoa Kỳ bán vũ khi cho Đài Loan, hay quan hệ quân sự hai bên cũng như các vấn đề liên quan đến khu vực Đông Á.

Vấn đề được ông Hồ Cẩm Đào đề cập đến nhiều nhất trong quan hệ Mỹ – Trung chỉ là quan hệ kinh tế, trọng tâm là các chính sách tiền tệ. Cách đề cập của ông Hồ Cẩm Đào cũng không dễ chịu cho Washington. Ông Hồ Cẩm Đào cũng không cho rằng việc tăng giá đồng nhân dân tệ là cần thiết để chống lạm phát, dù ông có nói chung chung với hai tờ Wall Street JournalWashington Post rằng Trung Quốc sẽ thực hiện tỷ giá linh hoạt hơn trong thời gian tới. Ông Hồ Cẩm Đào đã tự tin cho rằng lạm phát của Trung Quốc “về mặt tổng thể vẫn còn vừa phải và trong tầm kiểm soát”, ông cũng nói thêm: “Chúng tôi có sự tự tin, điều kiện và khả năng ổn định trên tất cả các mức giá”. Không chỉ không tán thành quan điểm của Hoa Kỳ về chính sách tỷ giá nhân dân tệ, ông Hồ Cẩm Đào còn tuyên bố cần thay đổi hệ thống tiền tệ hiện tại và cho rằng: “hệ thống tiền tệ thế giới hiện hành chỉ là sản phẩm của quá khứ”. Đó là một trong những dấu hiệu mới nhất trong nỗ lực muốn thay đổi vai trò của đồng đô la Mỹ mà Trung Quốc đang ra sức thực hiện.

Ngược lại, Hoa Kỳ tỏ rõ sự bất mãn về chính sách tỷ giá của Trung Quốc, đặc biệt là từ phía lập pháp. Nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi gia tăng áp lực và cần thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer, nói trong cuộc thảo luận với hai thượng nghị sĩ khác, rằng: “(Thông điệp cho ông Hồ Cẩm Đào là) Chúng tôi đang chán ngấy việc chính phủ các vị không từ bỏ việc thao túng tiền tệ. Nếu các vị từ thối làm theo các nguyên tắc tương tự, chúng tôi sẽ buộc các vị làm như vậy”. Những áp lực này từ phía lập pháp sẽ gây cản trở nhiều trong quá trình thương thuyết giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Với những bất đồng hiện hữu cùng bối cảnh thực tế, khó hy vọng quan hệ Mỹ – Trung sẽ có được sự thay đổi đột phá theo hướng có lợi cho thế giới, ít ra là từ chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới