Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý bệnh viện còn nhiều yếu kém

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý bệnh viện còn nhiều yếu kém

Ông Trần Quý Tường, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh phát biểu tại hội thảo về quản lý bệnh viện cuối tuần qua – Ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) – Trình độ nhân lực trong bệnh viện không đồng đều, nhân sự quản lý là các nhà khoa học thuần túy làm việc theo một thói quen có sẵn từ trước khiến công tác quản lý bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

Đó là nhận định của ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế, tại hội thảo về quản lý bệnh viện được tổ chức ở TPHCM cuối tuần qua.

Theo ông Tường, đội ngũ giám đốc bệnh viện hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu và có hệ thống về quản lý bệnh viện. Hầu hết, họ là các bác sĩ giỏi chuyên môn hơn là quản lý. Do công tác quản lý bệnh viện còn yếu kém đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho người dân.

Ông Tường cho biết hiện Việt Nam chưa có một trường đại học y, dược nào có mã ngành đào tạo quản lý bệnh viện. Chỉ có trường Đại học Y tế cộng đồng là có môn học này, nhưng chưa chuyên sâu và có hệ thống.

ISO cho bệnh viện gặp khó

Để quản lý bệnh viện có hiệu quả và bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ của người dân tốt hơn, các giám đốc bệnh viện và đại diện của Bô Y tế cho rằng đã đến lúc cần phải chú trọng đào tạo giám đốc bệnh viện và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO9001:2000 tại các bệnh viện.

Theo một khảo sát của Bộ Y tế về chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công từ năm 2004 – 2007 thì chỉ có 60 – 70% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cảm thấy hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh, độ chính xác của công tác khám chữa bệnh chỉ đạt 60 – 70% và chỉ có 50% trình độ cán bộ y tế đạt yêu cầu chuyên môn.

Ở Việt Nam hiện nay có 1.500 tổ chức được ấp giấy chứng nhận ISO9001:2000, trong đó ngành y tế có 60 đơn vị gồm: bệnh viện, công ty dược và các cơ sở khám chữa bệnh. Chứng chỉ ISO9001:2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện tại các cơ quan nhà nước từ ngày 20-6-2006.

Khảo sát cũng nêu ra những tồn tại trong quản lý bệnh viện hiện nay là việc thực hiện khám chữa bệnh không tuân theo quy trình, thủ tục thống nhất dẫn đến lập hồ sơ bệnh án sai sót, nhầm lẫn bệnh nhân, hồ sơ, thuốc men. Mâu thuẫn giữa chẩn đoán ban đầu và tình trạng thực của bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm không chính xác…

Tiến sĩ Đoàn Hùng Dũng, đại diện của Công ty PSD Consultant, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý chất lượng trong bệnh viện, cho rằng đây thực sự là những con số và thông tin đáng báo động và cần thiết phải áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng nhằm nâng cao công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện.

Bà Trần Thị Mỹ Diện, đại diện của Bệnh viện Bà Rịa, nơi đã áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý, cho biết từ khi bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn này thì hoạt động khám chữa bệnh hiệu quả hơn, bệnh nhân cảm thấy yên tâm và tin tưởng hơn vào chất lượng của bệnh viện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ISO bệnh viện gặp khá nhiều khó khăn. Theo bác sĩ Diện, một trong những khó khăn đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kinh phí, nhân sự và các nguồn lực khác hoạt động không đồng đều. Cho nên, để xây dựng tiêu chuẩn quản lý phù hợp là không dễ.

Bác sĩ Dương Trọng Hoạt, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nghệ An cho rằng, bệnh viện không thể tự triển khai chuẩn ISO9001:2000 mà cần phải có sự tư vấn. Hiện tư vấn về quản lý chất lượng bệnh viện còn quá ít về số lượng. Còn theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Quý Tường thì khó khăn lớn nhất của việc triển khai ISO trong bệnh viện đó là khó khăn về tài chính. Nhiều bệnh viện muốn áp dụng tiêu chuẩn quản lý tiên tiến nhưng năng lực tài chính lại không đáp ứng nổi vì chi phí khá cao.

Theo ông Tường, mức thu phí khám bệnh từ 15.000  đến 30.000 đồng mới chỉ đủ cho chi phí thuốc men, trang thiết bị y tế và trả lương cho cán bộ. Với mức thu như trên thì nhiều bệnh viện không dôi dư kinh phí cho việc đầu tư vào hệ thống quản lý.

Để cải thiện chất lượng quản lý bệnh viện, ông Tường cho biết, Bộ Y tế sẽ tổ chức các khóa huấn luyện về quản lý cho các giám đốc bệnh viện cuối tháng 7 và khóa học này có sự phối hợp cùng chuyên gia y tế đến từ Singapore. Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp cùng một số trường đại học y, dược trên cả nước để mở ngành đào tạo về quản lý bệnh viện một cách có hệ thống và chuyên sâu hơn.

Bác sĩ Hoạt đề nghị Bộ Y tế nên có cơ chế khuyến khích các bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn ISO và nên xây dựng quỹ hỗ trợ kinh phí cho một số bệnh viện; đồng thời, nên hình thành một nhóm tư vấn về quản lý chất lượng y tế trên cả nước.

Ông Hoạt cho rằng: áp dụng ISO trong quản lý bệnh viện là cần thiết. Tuy nhiên, để việc áp dụng có hiệu quả thiết thực thì tự thân mỗi bệnh viện phải nỗ lực duy trì, vận hành đúng theo hệ thống ISO mà họ đã xây dựng nên.

 

Một số kết quả sau khi áp dụng ISO9001:2000 tại các cơ sở y tế

Các loại lỗi phổ biến

Trước khi áp dụng

Sau khi áp dụng

Ghi sai hồ sơ bệnh án, hồ sơ quản lý

0,05%

0,02%

Sai sót chuyên môn

0,24%

0,16%

Phàn nàn của bệnh nhân, thân nhân

0,03%

0,02%

Thời gian chờ đợi

40 phút

15 phút

 Nguồn: Công ty tư vấn PSD Consultant, chuyên cung cấp giải pháp tư vấn quản lý bệnh viện.

THU HIỀN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới