Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý chất thải y tế: nhiều mối lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý chất thải y tế: nhiều mối lo

Hoàng Nhung

Quản lý chất thải y tế: nhiều mối lo
Rác thải y tế tại huyện Yên Phong – Bắc Ninh. Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Sự việc núi rác thải rắn y tế đắp đống giữa một ngôi làng ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) bị phát hiện tuần qua khiến dư luận lo lắng về ô nhiễm môi trường và mầm mống đe dọa bệnh tật với người dân. Thực tế hiện nay, vấn đề bảo quản, phân loại và tiêu hủy rác thải y tế vẫn còn nhiều bất cập ở các địa phương.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh cao

Vào đầu năm 2016, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), lãnh đạo bệnh viện đã kỷ luật cả khoa nhiễm khuẩn vì đã không xử lý chất thải nghiêm ngặt đúng theo quy trình thu gom, phân loại và xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Hàng chục tấn rác thải y tế độc hại được âm thầm "sơ chế" ngay tại bệnh viện, sau đó tuồn ra các cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội để tái chế thành những vật dụng mà người dân sử dụng hằng ngày.

Thực tế, không chỉ tại một cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Bạch Mai, mà hàng loạt các bệnh viện trên cả nước từ bắc đến nam vẫn chưa thể xử lý chất thải rắn y tế, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

Chẳng hạn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có gần 1.200 giường bệnh, trung bình mỗi ngày thải ra gần 1.300 kg rác thải rắn, trong đó có khoảng 300 kg là rác thải y tế nguy hại, nhưng nơi đây không có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, và thậm chí trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị thu gom, xử lý các chất thải này…

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, việc tiếp xúc với các rác thải y tế độc hại dễ gây bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể. Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như virus HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, qua niêm mạc, qua đường hô hấp do hít phải, qua đường tiêu hóa do nuốt hoặc ăn phải.

Cần thu gom và đốt tập trung

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (CITENCO), cho biết hiện nay TPHCM có hai nhà máy đốt chất thải rắn y tế, một tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Bình Tân) với hai lò đốt, và một tại nhà máy tại Đông Thạnh (Hóc Môn). Công ty CITENCO là đơn vị thực hiện thu gom và xứ lý phân loại tại nguồn duy nhất.

PGS.TS. Phạm Hồng Nhật, Trưởng phòng quan trắc thuộc Viện Nhiệt đới môi trường, cho biết hiện nay TPHCM là địa phương hiếm hoi thực hiện chặt chẽ vấn đề xử lý rác thải y tế. Bởi, tất cả rác thải y tế đều tập trung vào một đầu mối xử lý là công ty CITENCO. Các bệnh viện có nhiệm vụ phân loại rác thải, bảo quản chất thải từ ngay bệnh viện. Khi đơn vị đến thu gom sẽ có biên bản giao nhận, ghi cụ thể khối lượng mang đi đốt.

Còn ở các bệnh viện đa khoa tại một số tỉnh như Nghệ An, Nam Định, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận,… mỗi nơi đều có một lò đốt nhỏ.

Tuy nhiên, việc vận hành lò đốt theo quy chuẩn rất quan trọng. Ví dụ, một lò đốt rác thải với chế độ vận hành một ký chất thải tốn khoảng một lít dầu, nhưng để tiết kiệm được dầu, giảm chi phí đốt, người vận hành có thể tự điều chỉnh để giảm nhiên liệu cung cấp, có thể dẫn đến thay đổi chế độ đốt (giảm nhiệt độ trong lò).

Việc đốt không đủ nhiệt và thời gian lưu sẽ không đạt mức độ an toàn, có thể đốt không hoàn toàn và phát thải ra một số chất độc (ví dụ dioxin), và gây độc hại cho môi trường. Do vậy, phương án xử lý chất thải y tế bằng các lo đốt nhỏ và phân tán rất khó quản lý.

Mô hình xử lý chất thải y tế tại TPHCM được xem là tốt hơn, qua việc tập trung chất thải y tế về quản lý một mối để đốt, đảm bảo nhiệt độ, và thời gian lưu, được cơ quan chức năng định kỳ kiểm tra, giám sát khí thải… nếu đạt quy chuẩn mới cho vận hành. Nếu ở TPHCM mỗi bệnh viện có một lò đốt, thì vận hành sẽ có rủi ro rất cao.

Bệnh viện với gánh nặng phí xử lý môi trường

Theo ông Nhật, khi phân loại, bảo quản và lưu giữ tại các cơ sở y tế, phòng chứa rác phải được khóa cửa cẩn thận. Các bộ phận của cơ thể sau phẫu thuật phải được bảo quản đông lạnh trước khi mang đi tiêu hủy. Nếu nhân viên phân loại bị lẫn lộn dù chỉ một ký chất thải nguy hại vào một tấn chất thải không nguy hại thì toàn bộ cả tấn chất thải này phải được coi là chất thải nguy hại, khi đó số tiền bỏ ra để xử lý sẽ tốn kém hơn nhiều.

Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), hiện cả nước có khoảng 1.300 bệnh viện, mỗi ngày phát thải khoảng 450 tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 47 tấn chất thải rắn y tế nguy hại. Để thu gom và xử lý số chất thải cho gần 1.300 bệnh viện trên cả nước, các bệnh viện đã và đang phải chi ra hơn 500 tỉ đồng mỗi năm (tính cả tiền xử lý nước thải).

Theo số liệu báo cáo của các bệnh viện, để xử lý 1 kg chất thải rắn nguy hại cần ít nhất là 15.000 đồng, chưa tính đến kinh phí đầu tư các thiết bị, dụng cụ và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.

Trong khi đó, các bệnh viện không được cấp nguồn kinh phí riêng để chi trả cho việc xử lý chất thải. Cũng theo các quy định hiện hành, các bệnh viện cũng chưa được thu phí xử lý chất thải y tế theo giường bệnh hoặc theo các dịch vụ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, các bệnh viện công lập trong những năm gần đây đều phải tự chủ một phần (và tiến tới sẽ tự chủ hoàn toàn), nguồn ngân sách nhà nước cấp theo giường bệnh cho các bệnh viện để chi trả tiền lương cho cán bộ nhân viên y tế, chi phí vận hành toàn bộ các hoạt động của bệnh viện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, phần lớn kinh phí để vận hành các hoạt động của bệnh viện đều phải lấy từ nguồn thu viện phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới