Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý giá trong suy giảm kinh tế toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý giá trong suy giảm kinh tế toàn cầu

Trong cơn suy giảm kinh tế toàn cầu, việc quản lý chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu là rất cần thiết để duy trì nhịp độ tăng trưởng. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Thế giới đang chứng kiến cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu rộng khắp và nặng nề chưa từng có trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt là những động thái mới, nhiều kịch tính về sự biến động giảm giá hàng hóa và khó khăn về thị trường tiêu thụ…

Trong bối cảnh đó, theo thiển ý của chúng tôi, việc quản lý giá trong nước không thể không có sự điều chỉnh thích ứng, với những nguyên tắc quan trọng sau:

Thứ nhất, không nên duy trì giá cả cao của mặt hàng nào đó tiêu thụ trong nước bất chấp sự giảm giá mạnh của nó ở thị trường thế giới. Sự bất cập này có thể gây những tác hại khôn lường về kinh tế, nhất là làm tăng tình trạng đình trệ sản xuất, thậm chí làm phá sản hàng loạt các doanh nghiệp do không tiêu thụ được hàng hóa.

Thứ hai, ngược với việc neo giá cố định là việc thả nổi hoàn toàn giá trong nước để thị trường chịu sự thăng trầm tự do theo các con sóng giá cả từ thị trường nước ngoài. Giảm giá trong nước theo xu hướng giảm giá thế giới không có nghĩa là không còn quản lý giá. Việc thả nổi hoàn toàn giá cả trong nước theo giá cả thị trường thế giới, trong khi cơ chế và các thể chế thị trường trong nước chưa đồng bộ và chưa phát triển đầy đủ sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và thiệt hại vì lỗ vốn.

Bởi vậy, cần gia tăng sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các hoạt động mua dự trữ để giữ giá hàng hóa (nhất là hàng nông, thủy sản xuất khẩu…), cũng như hỗ trợ về lãi suất và tạo thuận lợi trong cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng cần tránh sự lạm dụng và thất thoát ngân sách trong quá trình hỗ trợ này, nhất là ngăn chặn sự thông đồng mang tính tham nhũng và sự trở lại của cơ chế xin – cho thiếu hiệu quả giữa bên cấp và bên nhận hỗ trợ.

Thứ ba, không thể điều chỉnh giá khớp hoàn toàn với mức biến động giá thế giới một cách máy móc, song cũng không nên tăng giá theo một lộ trình kế hoạch cứng nhắc đã được lập từ lâu, bất chấp những thay đổi lớn trên thị trường trong nước và thế giới…

Với tinh thần đó, việc tăng giá tiêu thụ những mặt hàng còn kinh doanh độc quyền… mà không cân nhắc đến bối cảnh mới (có sự suy giảm rộng rãi tổng mặt bằng giá chung trên thế giới và trong nước, cũng như  các nhân tố ảnh hưởng đến việc “lập trình”giá cả trước đó đã thay đổi), sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các hàng hóa khác do chi phí đầu vào gia tăng, làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng trong khi thu nhập bị giảm sút do suy thoái kinh tế…

Cần nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh giá (nhất là giá độc quyền) chỉ theo hướng tăng, mà không hoặc chậm điều chỉnh giảm khi cơn sốt giá quốc tế đã hạ nhiệt là việc “lợi bất cập hại”. Trong trường hợp này, cái lợi thu được thì nhỏ và có tính ngắn hạn so với cái mất, vì trước hết gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm giảm sự công bằng và điều kiện cạnh tranh lành mạnh của thị trường, thậm chí còn làm suy giảm lòng tin, độ tín nhiệm của dân chúng và doanh nghiệp vào năng lực điều hành chính sách của Chính phủ. Hơn nữa, sự chậm trễ trong phản ứng chính sách quản lý giá còn nuôi dưỡng tật xấu và đặc quyền của các doanh nghiệp độc quyền ưa kêu ca, đòi nhà nước bù lỗ khi giá lên và im lặng thu lời khi giá xuống.

Nếu tăng giá chỉ vì lợi ích kinh doanh thuần túy của một ngành, tập đoàn trong bối cảnh cạnh tranh thị trường chưa đầy đủ và thiếu các thiết chế đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là tầng lớp có thu nhập thấp, thì việc tăng giá đó chưa đạt được hiệu quả xã hội cần thiết trong quản lý nhà nước về giá cả.

Bởi vậy, cần tùy theo tình hình thực tiễn, nhất là căn cứ vào đánh giá và dự báo xu hướng biến động giá và tác động của tăng giá đến đời sống kinh tế – xã hội mà lựa chọn các phương án tăng giá tối ưu, thậm chí nếu cần vẫn không nên loại trừ sự hỗ trợ nhất thời của Nhà nước để duy trì giá ở mức ít gây hại lớn đến đời sống của đa số người tiêu dùng hoặc để duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cần thiết cho đất nước theo những ưu tiên được lựa chọn.

TS. NGUYỄN MINH PHONG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới