Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý nhà nước không phải là hiệp thương

LS. Nguyễn Tiến Lập (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đối với chính quyền, đại dịch Covid -19 là câu chuyện về quản trị khẩn cấp, theo ý nghĩa đó sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn ở phương diện thể chế sau khi tình hình khẩn cấp này tạm lắng xuống.

Hà Nội chấp nhận cho mở cửa sân bay Nội Bài nhưng vẫn hạn chế các chuyến bay và gắn với điều kiện rất khắt khe.

Đương nhiên, đã là chuyện khẩn cấp thì công việc chỉ đạo, điều hành tập trung và thống nhất của chính quyền trung ương rất quan trọng, thậm chí là điều kiện tiên quyết trong các quyết định về chính sách. Vậy mà vấn đề trao đổi, tương tác qua lại giữa Cục Hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông Vận tải với các địa phương để mở cửa lại sân bay vừa qua lại làm cho người dân băn khoăn, lo lắng với nhiều câu hỏi.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công khai về hai việc quan trọng. Đó là thứ nhất, công tác chống dịch không còn theo đuổi mục tiêu “zero Covid” và thứ hai, phải mở cửa lại cho nền kinh tế hoạt động càng nhanh càng tốt song hành với bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Vậy thì các biện pháp chống dịch đương nhiên phải thay đổi về chất, không thể duy trì “ngăn sông cấm chợ” theo phương thức cát cứ địa phương được nữa. Muốn thế, một giải pháp không thể trì hoãn là mở lại hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là hàng không. Bởi nếu không thì chưa nói tới đời sống dân sự mà kinh tế sẽ hoạt động kiểu gì?

Trong khi đó, để tái hoạt động hàng không, Cục Hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, là nhà chức trách quản lý hàng không, cho bay và cấm bay, theo luật pháp đã phải hỏi 19 địa phương cấp tỉnh, nơi có sân bay, để ra quyết định. Trớ trêu thay, trong khi đa số các tỉnh đồng ý thì một số ít đã kiên quyết nói “không”, trong đó thậm chí thủ đô Hà Nội không cho mở cửa sân bay Nội Bài, một sân bay quốc tế và nội địa quan trọng nhất của cả nước.

Chỉ sau khi vụ việc đưa lên Phó thủ tướng Chính phủ, vấn đề này mới được giải quyết theo hướng Hà Nội chấp nhận cho mở cửa sân bay nhưng vẫn hạn chế các chuyến bay và gắn với điều kiện rất khắt khe, đó là hành khách đến từ TPHCM buộc phải cách ly bảy ngày (tới 11-10, điều kiện này đã được dỡ bỏ).

Mối quan hệ về địa chính trị và quyền lực, về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giữa trung ương và địa phương ở đây là gì? Ai có quyền được làm gì và không làm gì?

Người dân nói chung, không chỉ là các khách bay, và các doanh nghiệp về dịch vụ bay, có quyền đặt ra các câu hỏi như sau:

Câu hỏi thứ nhất: Các sân bay nói chung và sân bay Nội Bài nói riêng thuộc sở hữu của ai? Ai có quyền cho nó hoạt động hay đóng cửa? Chẳng hạn với sân bay Nội Bài, rõ ràng chính quyền thành phố Hà Nội không sở hữu sân bay này mà là quốc gia và thực hành quyền sở hữu thông qua các doanh nghiệp nhà nước.

Câu hỏi thứ hai: Quyền kinh doanh của cả dịch vụ sân bay và các hãng dịch vụ bay thuộc về ai? Ai có quyền cho phép, đình chỉ hay cấm các quyền này? Rõ ràng theo Luật Hàng không dân dụng, quyền này thuộc về Cục hàng không dân dụng của Bộ Giao thông Vận tải.

Câu hỏi thứ ba: Quyền tự do đi lại của người dân (vốn là quyền cơ bản) thuộc về ai và do ai bảo đảm? Quyền này đương nhiên thuộc về chính người dân và được cả Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Câu hỏi thứ tư: Giữa việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và việc đảm bảo thực hiện các quyền nói trên có mối liên hệ nào không? Cụ thể, liệu một chính quyền địa phương trong khi thực thi nghĩa vụ phòng chống dịch của mình thì có thể đương nhiên hạn chế hay cấm tất cả các quyền của các chủ thể khác hay không? Chính phủ đã trao trách nhiệm phòng, chống dịch cho các chính quyền địa phương, tuy nhiên điều đó không thể có nghĩa rằng phân cấp và trao quyền quản lý toàn bộ đất nước và nền kinh tế cho các địa phương. Bởi nếu vậy thì cái gọi là quốc gia sẽ còn gì?

Hơn nữa, theo lẽ tự nhiên, mọi hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội đâu chỉ có việc phòng và chống dịch, cho dù nó có vị trí quan trọng và ưu tiên. Trong khía cạnh này, xin được nói thêm rằng, thừa nhận và tôn trọng các quyền không phải là hình thức mà cần thực chất. Theo đó, ví dụ, để thực hiện mục tiêu tái mở cửa nền kinh tế nhưng lại yêu cầu các khách bay là doanh nhân qua lại giữa hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TPHCM phải cách ly 7 hay 14 ngày sẽ là một hình thức cản trở các hoạt động kinh tế và thực thi quyền kinh doanh.

Tại sao Cục Hàng không dân dụng và Bộ Giao thông Vận tải vốn đại diện cho quốc gia để thực thi luật pháp không làm nhiệm vụ của mình theo chức năng mà lại hiệp thương với các địa phương khi ra quyết định?

Câu hỏi thứ năm: Mối quan hệ về địa chính trị và quyền lực, về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giữa trung ương và địa phương ở đây là gì? Ai có quyền được làm gì và không làm gì? Chính trị và quyền lực không có ý nghĩa nhất thời và mang tính biểu tượng mà đó là các quyền hành xử gắn với các quyết định hàng ngày. Thẩm quyền của chính quyền trung ương được quyết định các vấn đề thuộc quốc gia sau khi tham khảo ý kiến địa phương không đồng nghĩa với việc trao đổi và thương lượng bình đẳng với địa phương, để rồi nếu có tranh chấp thì đẩy lên cấp cao hơn giải quyết.

Câu hỏi thứ sáu: Nếu việc hạn chế hay cấm thực hiện các quyền của các chủ thể có liên quan (doanh nghiệp, người dân) bằng biện pháp hành chính mà làm phát sinh thiệt hại thì họ có quyền khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường hay không? Và ai sẽ kiện ai, ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý và vật chất?

Rồi đây, cả vấn đề và câu hỏi này sẽ được làm rõ khi đại dịch đi qua và đời sống kinh tế, dân sinh tái bình thường trở lại. Chỉ biết rằng, đã có những doanh nghiệp Việt Nam bị các đối tác nước ngoài khiếu nại và xử phạt do các vi phạm hợp đồng không thuộc trường hợp bất khả kháng theo đúng chuẩn mực của thương mại quốc tế. Bởi hiểu biết trước điều này, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã vẫn trả lương cho người lao động dù họ phải cách ly ở nhà do yêu cầu của chính quyền, trong khi các doanh nghiệp khác lại không làm thế.

Câu hỏi cuối cùng: Tại sao Cục Hàng không dân dụng và Bộ Giao thông Vận tải vốn đại diện cho quốc gia để thực thi luật pháp không làm nhiệm vụ của mình theo chức năng mà lại hiệp thương với các địa phương khi ra quyết định? Có một thực tế ở nước ta trong thời gian vừa qua, đó là khi có các nhiệm vụ lớn cần giải quyết, cả “hệ thống chính trị” được kêu gọi vào cuộc. Điều này, tuy nhiên, không thể dẫn đến tình trạng phổ biến là từ nay các nguyên lý chính trị, vốn được thể hiện bằng hiệp thương để đồng thuận, sẽ chi phối hay thay thế các nguyên lý pháp luật.

Nếu trong đời sống quản trị hàng ngày mà pháp luật được thay thế bởi chính trị và theo đó, cái tâm thế của các cán bộ thực thi công vụ không còn phân minh và vững vàng nữa thì hệ quả gì sẽ xảy ra? Chắc chắn đó sẽ không phải là những gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong đợi.

Có thể còn các câu hỏi khác được đặt ra xung quanh sự vụ quyết định mở của hàng không của Bộ Giao thông Vận tải, cho nên thiết nghĩ các cấp liên quan cần coi đó là một bài học tình huống cho quản trị trong cuộc chiến chống dịch này và sau đó.

(*) Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

3 BÌNH LUẬN

  1. Không nên đổ hết trách nhiệm cho địa phương, trong khi mọi thứ xảy ra trên địa bàn họ quản lý thì buộc họ phải chịu trách nhiệm. Mặt khác cơ chế hiện hành khiến cán bộ tìm cách làm mọi thứ cho… chắc ăn, còn hơn bị kỷ luật, mất chức, bay ghế… Rốt cuộc cái chính là LÒNG TIN từ trên xuống dưới chưa xác lập được. Như vậy không tránh khỏi dẫn đến chia cắt/ đứt gãy.

    • Trả lời tới Dương Tường: Nếu việc hỏi ý kiến về mở cửa đường bay diễn ra vào thời kỳ mới bùng phát dịch thì có thể biện minh cho địa phương như ý của bạn. Tuy nhiên việc này diễn ra khi dịch đã cơ bản được kiểm soát và cả nước xác định phải chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới, kinh tế đã quá suy kiệt rồi, thì sự đóng cửa cát cứ của các địa phương là không thể chấp nhận được.

  2. Chúng ta hay thấy nói người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan tới phòng chống dịch, đổi lại thì các địa phương cũng có quyền tự quyết rất lớn, đấy cũng là điều hợp lý. Nhưng khi các địa phương không hợp tác tốt với nhau, làm phát sinh các bất cập mà phạm vi ảnh hưởng là cả một vùng, tức là nằm ngoài khả năng tự quyết của từng địa phương riêng lẻ, thì dường như không có ai phải chịu trách nhiệm và cũng không có ai gánh lấy trách nhiệm giải quyết. Chỉ đưa ra các yêu cầu hay đề nghị, mà thường thấy là các địa phương cũng không hưởng ứng, không phải là giải quyết vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới