Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý rủi ro và dùng công cụ phái sinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý rủi ro và dùng công cụ phái sinh

Giáo sư Robert Shiller là người duy nhất tiên đoán chính xác nguyên nhân khủng hoảng: nạn đầu cơ quá mức liên quan đến các khoản vay thế chấp mua nhà.

(TBKTSG) – Nhà kinh tế Robert Shiller từng dự báo giá nhà sẽ rớt nhanh và hậu quả là các thị trường tài chính sẽ bị tàn phá. Ông nhận thấy bong bóng bất động sản tại Mỹ, trước hết, là do chính phủ và doanh nghiệp đã thất bại trong việc quản lý rủi ro.

Robert Shiller, Giáo sư Đại học Yale, là chuyên gia về quản lý rủi ro. Ông đã tạo dựng thanh danh nhờ tiên đoán chính xác việc thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 2001.

Ông cũng là một trong số ít nhà kinh tế dự báo được cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và người duy nhất tiên đoán chính xác nguyên nhân khủng hoảng: nạn đầu cơ quá mức liên quan đến các khoản vay thế chấp mua nhà. Nay ông lại một mình “kê đơn thuốc” bình ổn các thị trường tín dụng tương lai.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama cần hành động nhanh chóng để khống chế thị trường chứng khoán phái sinh cao giá (biến hóa từ các món thế chấp có chất lượng thấp) có giá trị hàng ngàn tỉ đô la. Đây là một sáng tạo của Phố Wall – nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng.

Shiller nói ngược lại. Ông lý luận: trừ phi vấn đề cốt lõi của rủi ro được giải quyết, mọi khoản cứu trợ của các chính phủ sẽ không ngăn ngừa được một cuộc khủng hoảng tài chính tương lai, nhiều khả năng tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Ông theo trường phái của những chuyên gia như John Kenneth Galbraith, cho rằng giá cả thị trường phản ánh “tinh thần thú vật” và đam mê của công chúng, chứ không phản ánh thông tin hoàn hảo. Điều đó lý giải cho việc hình thành bong bóng tài chính. Cũng chính vì thế, theo Shiller, các cách tân tài chính và việc chính phủ phải kiểm soát thị trường là hết sức cần thiết.

Đối với Shiller, các chứng khoán phái sinh “là công cụ quản lý rủi ro rất giống cách thức của bảo hiểm. Bạn trả một khoản phí ban đầu, khi xảy ra chuyện, bạn được thanh toán tiền”.

Câu trả lời triệt để của ông là cứ để cho Phố Wall cách tân tài chính và nên tiến vào một thế giới mới, trong đó các công cụ phái sinh trở nên phổ biến như tiền mặt vậy. Trong cuốn “Giải pháp cho nợ dưới chuẩn,” xuất bản ngay trước khi hệ thống tài chính Mỹ bị nổ tung, ông cho rằng điều cần thiết là phải có thêm các sáng tạo tài chính, chứ không phải co mình lại. Ông viết: “Quản lý rủi ro không phải là ngăn cản các hành vi táo bạo, mà dẫn dắt chúng đi theo trình tự logic để đạt hiệu quả thực sự”.

Theo ông, sự can thiệp của chính quyền là điều sống còn để định hướng “tinh thần thú vật” và sự đổi mới. Và lĩnh vực cần có sự đổi mới nhất hiện nay chính là thị trường nhà đất, trong đó đối tượng chính là các cá nhân sở hữu nhà.

Barney Frank, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện, từng nói đến việc phải có biện pháp bắt buộc các công ty tài chính quan tâm nhiều hơn nữa đến các rủi ro. Các quan chức châu Âu và châu Á đang cân nhắc những biện pháp tương tự. Tuy ủng hộ việc có thêm các quy định, nhưng Shiller nói rằng các động thái nhằm hạn chế các công cụ phái sinh và rủi ro có thể đã bị định hướng một cách sai lệch.

Thị trường chứng khoán phái sinh trị giá lên đến hàng ngàn tỉ. Tuy vậy, thị trường này lại có rất ít nhà môi giới. Hầu hết các khoản thế chấp dưới chuẩn đều được cấu trúc lại thành chứng khoán phái sinh và do một số ít công ty ở Phố Wall bán ra cho một lượng nhỏ khách hàng là các tổ chức lớn và các quỹ tài chính quốc gia. Các chứng khoán phái sinh giống như những hộp đen; cả người bán lẫn người mua đều không biết bên trong có gì.

Đó là một thị trường khổng lồ, nhưng không minh bạch và không có tính thanh khoản. Trong khi đó, hệ thống tài chính lại được xây dựng trên vô số các quyết định của cá nhân sở hữu nhà và công ty cho vay ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, không ai trong số họ có thể bảo hộ tiền của mình giống như các tổ chức lớn được.

Những người mua nhà tại Miami hay Marbella đành phải nhắm mắt tin rằng thị trường đang đi lên; và họ hoàn toàn không thể tự bảo vệ mình khi thị trường đi xuống. Khi thị trường đổ dốc, hàng triệu người không thể bán được nhà, cho dù với giá thấp hơn giá đã mua.

Theo Shiller, giải pháp là sử dụng các công cụ phái sinh nhằm giúp các chủ nhà – và, cả người cho vay – tự bảo hiểm mình trước việc giá cả rớt xuống. Chỉ tính riêng tại Mỹ, thị trường nhà đã trị giá đến 20.000 tỉ đô la. Tại đây, khi thị trường sụp đổ thì không có cách chi để kiếm tiền. Nhưng nếu sử dụng các công cụ phái sinh và quyền lựa chọn, người ta có thể kiếm được tiền ngay cả khi thị trường xuống dốc. Điều này sẽ gia tăng đáng kể số lượng tiềm tàng người mua kẻ bán tại bất cứ thời điểm nào của thị trường. Khi có càng nhiều người mua kẻ bán, thị trường sẽ duy trì khả năng sinh sôi tiền mặt và hoạt động được ngay cả khi phải chịu nhiều áp lực.

Gần 20 năm nay, Shiller luôn đi tìm các biện pháp tạo sự đảm bảo cho các chủ nhà chống lại việc nhà đất rớt giá. Tuy nhiên, hầu hết các bài viết của ông về chủ đề này chỉ được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. “Thị trường công cụ phái sinh dành cho giá nhà đất”, một bài viết của ông, do Đại học Yale xuất bản hồi tháng 3-2008,  chứa đầy những thuật ngữ hầu hết người thường không thể hiểu được. Ông đã đề xuất sử dụng công cụ phái sinh làm chứng chỉ bảo hiểm cho các cá nhân sở hữu nhà nhưng đề xuất này không được mấy người quan tâm. 

Shiller cho rằng có quá nhiều của cải tiềm tàng vẫn đang bị chôn trong đất đai và nhà ở. Nhưng chủ nhân một bất động sản chỉ có thể đem bán tài sản đó một cách dễ dàng khi điều kiện thị trường là thật tốt. Vì thế, tài sản đó trở nên rủi ro, không có tính thanh khoản khi thị trường đi xuống, và sở hữu chủ không có cách gì để vượt qua khó khăn này.

Việc phát triển các công cụ phái sinh cũng tạo cho các chủ nhà khả năng “bán khống” tài sản. Điều đó có thể khiến cho nhà đất trở nên dễ mua, bán và được bảo hộ giống như chứng khoán, trái phiếu và một số loại hàng hóa khác. Theo Shiller, làm như thế, nhờ đó của cải có thể được bung ra đồng thời các rủi ro mang tính hệ thống cũng giảm bớt.

Nhiều nhà môi giới không đồng ý với giả thiết cơ bản của Shiller. Giả thiết đó là càng có nhiều công cụ phái sinh, thị trường nhà đất càng có tính thanh khoản cao và bình ổn hơn. Các nhà môi giới cho rằng các hợp đồng tương lai sẽ không giúp cho thị trường vốn và thị trường hàng hóa miễn dịch với các biến động lên hoặc xuống, và còn có thể khiến các biến động xuống đổ dốc nhanh hơn.  

Bởi vì ý kiến của Shiller và của các nhà môi giới trên chưa được kiểm chứng trong thực tế nên thật khó biết ai đúng ai sai. Liệu Shiller đang đặt nền móng học thuật cho một cuộc cách mạng tài chính tương lai hay cũng chỉ là một trong những lý thuyết gia sẽ bị trôi vào quên lãng?

NGỌC TRUNG (Theo Newsweek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới