Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý sữa nhập khẩu: nhiều qui định nhưng chưa chặt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý sữa nhập khẩu: nhiều qui định nhưng chưa chặt

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một phòng thí nghiệm thuộc Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm- Ảnh: moh.gov.vn

(TBKTSG Online) – Vụ sữa bột của Trung Quốc có chứa hóa chất melamine được nhập khẩu và bày bán ở thị trường TPHCM mới được phát hiện một lần nữa như hồi chuông cảnh báo hàng rào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu có vấn đề.

>> Hơn 10 doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sữa từ Trung Quốc

>> Sữa chứa melamine có ở Việt Nam từ lâu!

>> Nhiều địa phương kiểm tra nguồn gốc sữa

Theo Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì tất cả mọi lô hàng thực phẩm nhập khẩu đều không được miễn kiểm tra VSATTP nhưng thực tế thì các hàng rào kỹ thuật được dựng lên nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước lại không đủ năng lực kiểm soát.

Thanh tra Bộ Y tế bị hớ

Khi vụ sữa bột có chứa chất độc hại không được phép có trong thực phẩm là melamine nổ ra ở Trung Quốc, thì hồi đầu tháng 9 Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã cho rằng các sản phẩm sữa có nhãn hiệu, xuất xứ thì theo nguyên tắc đã phải qua cơ quan Hải quan rồi mới vào Việt Nam.

“Những mặt hàng như vậy là chính thống và bảo đảm chất lượng vì đã được cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định”, ông nói với báo chí không khác gì hàng rào kiểm tra VSATTP của các cơ quan chức năng ở các cửa khẩu đủ sức tìm ra hóa chất độc hại trong thực phẩm.

Ông Trung nói như vậy vì trước đó, ngày 29-3 năm ngoái, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 23/2007/QĐ-BYT, ban hành “Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu”. Theo đó, chủ hàng phải đăng ký kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với cơ quan kiểm tra trong thời gian ít nhất 5 ngày trước khi hàng về đến cảng (cửa khẩu), một thời gian đủ để các cơ quan chức năng trong nước sắp xếp và tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng.  

Vì sao Melamine được cho vào thực phẩm?

Melamine là một hợp chất hữu cơ, thường được kết hợp với formaldehyde để sản xuất nhựa melamine, có khả năng chống lửa. Trước đây, melamine được thêm vào thức ăn trâu, bò như một loại nitrogen không đạm (non-protein nitrogen – NPN) để bổ sung đạm vì loài vật này có thể hấp thu đạm từ NPN.

Vì đạm có chứa nitrogen nên trong ngành thực phẩm, người ta xác định lượng đạm thô trong thực phẩm bằng cách tính lượng nitrogen. Chính vì vậy mà trong nhiều thập niên, đã có những nhà sản xuất cố ý cho thêm melamine vào thực phẩm để “thổi phồng” kết quả định lượng đạm nhằm “đảm bảo chất lượng” với khách hàng.

Vào đầu năm 2007, melamine trở thành một đề tài thảo luận lớn khi các nhà khoa học xác định chất này là nguyên nhân khiến hàng trăm chó, mèo bị chết vì ngộ độc thực phẩm nhập từ Trung Quốc. Sau khi dùng thực phẩm có chứa melamine, những con vật này có triệu chứng bị suy thận.

NGỌC THU tổng hợp

Thế nhưng hôm 22-9, Công ty TNHH Kim Ấn ở TPHCM đã đưa mẫu sữa tươi hiệu Yili nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc xét nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học- Công nghệ TPHCM để kiểm tra độc lập và quả là có chứa chất melamine.

Như vậy, hàng rào kiểm tra VSATTP có điều gì đó không ổn. Cả nước có gần 100 cửa khẩu đường bộ với hàng trăm ngàn tấn thực phẩm nhập khẩu qua đường bộ từ các nước láng giềng nhưng theo quan sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại một trạm kiểm soát liên hợp ở một tỉnh biên giới phía Bắc vào giữa năm ngoái thì công tác kiểm tra rất sơ sài. Nhân viên trạm kiểm soát yêu cầu dừng xe, rồi nhân viên kiểm tra chỉ xem chủ hàng có các giấy tờ hợp lệ hay không như hợp đồng thương mại, chứng nhận xuất xứ, hóa đơn tính thuế, giấy chứng nhận kiểm dịch của phía nước xuất khẩu…

Một cán bộ của trạm cho biết việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chủ yếu bằng cảm quan như nhìn xem cách thức đóng gói thế nào, xem qua hạn dùng trên bao bì thực phẩm (kiểm tra ngẫu nhiên), màu sắc, mùi vị và trong trường hợp cần thiết thì lấy mẫu xét nghiệm xem có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố vi nấm aflatoxin.

Danh mục các chất phụ gia được phép có trong thực phẩm ban hành theo một quyết định của Bộ Y tế có tới hàng trăm chất, với các mức độ và liều lượng khá phức tạp, dài tới 99 trang giấy A4, do vậy, cán bộ kiểm tra thực phẩm nhập khẩu trong trường hợp hy hữu mới kiểm tra một vài hóa chất cấm bằng phương pháp ách hàng lại để test (thử) nhanh bằng phương pháp định tính.

Đó là hàng nhập khẩu chính ngạch, còn thực phẩm nhập khẩu tiểu ngạch và hàng nhập lậu mang vác qua biên giới thì càng không thể kiểm tra. Nhưng khổ nỗi hàng thực phẩm như rau quả, thịt cá, trứng, sữa bột lại đi đường tiểu ngạch và đường nhập lậu lại nhiều hơn là đường chính ngạch.

Chỉ tại một cửa khẩu đường bộ là Xà Xía của Kiên Giang, theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh này thì thịt bò, heo nhập qua cửa  khẩu Xà Xía là 2.400 kg/tháng, nhưng không qua cửa khẩu là gần 4.000 kg/tháng; đường, sữa, xirô Thái Lan qua cửa khẩu khoảng 35.000 kg/tháng thì qua đường nhập lậu hơn 40.000 kg/tháng.  

Hàng rào nhưng không “rào” được  

Cả nước có 50 cửa khẩu quốc tế, 43 cửa khẩu chính và phụ, bốn cửa khẩu hàng không, ba cửa khẩu đường sắt nhưng mới chỉ có 8 trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế ở các vùng, miền và 32 trung tâm y tế dự phòng thuộc các tỉnh, thành phố có phân công người làm kiểm tra y tế tại các cửa khẩu biên giới.  

Theo một báo cáo của Bộ Y tế vào năm ngoái thì trang thiết bị, phương tiện thiết yếu như máy phun khử trùng động cơ cần 26 cái nhưng chưa nơi nào có, các bộ dụng cụ dùng để thu thập xét nghiệm mẫu thực phẩm, mẫu nước, máy xét nghiệm sinh hóa, bộ dụng cụ test nhanh thực phẩm và kiểm tra dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật…  đều thiếu trầm trọng.  

Hàng thực phẩm nhập khẩu hiện nay gần như chỉ thực hiện kiểm tra đầy đủ về kiểm dịch động, thực vật, tức chỉ kiểm tra các mầm bệnh, vi khuẩn, nấm hay độc tố gây bệnh có đi theo thực phẩm vào Việt Nam hay không. Thường việc kiểm dịch động, thực vật do Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y đảm trách.  

Giám đốc một công ty nhập khẩu thực phẩm cho biết, thông thường khi lô hàng thực phẩm của công ty ông về đến cảng, trước khi làm thủ tục thông quan, Hải quan yêu cầu công ty phải có Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế và từng lô hàng phải có giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 đóng tại TPHCM (gọi là trung tâm 3).  

Giấy xác nhận của trung tâm 3 xem như là một quy định mang tính bắt buộc đối với hàng thực phẩm vì đây là loại hàng cần phải có kiểm tra nhà nước về chất lượng, VSATTP.

Tuy nhiên, chuyện lô hàng sữa Yili của Công ty Kim Ấn có chứa melamine như đã nói ở phần đầu vẫn có được giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu quả là điều cần suy nghĩ.  

Không chỉ trường hợp nói trên, mà lâu nay cơ quan quản lý thị trường đã từng nhiều lần phát hiện hàng thực phẩm nhập khẩu quá hạn sử dụng hoặc hôi thối vẫn ngang nhiên đi vào Việt Nam bằng con đường chính ngạch, chui lọt qua hàng rào kiểm tra dễ dàng. Do vậy nên mới có chuyện chân gà nhập khẩu bị u nần, bị hôi thối vẫn vào được thị trường Việt Nam. 

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới