Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý thị trường tiền tệ: Trước mắt và lâu dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý thị trường tiền tệ: Trước mắt và lâu dài

Hoàng Bách

Minh bạch hoạt động là cách tốt nhất để quản lý hệ thống ngân hàng. Ảnh: Mai Anh.

(TBKTSG) – Cách tốt nhất để quản lý hệ thống ngân hàng, đó là minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng, không chỉ là những thông tin trên bảng cân đối kế toán, đó còn phải là thông tin về khả năng chi trả, thanh khoản, là tỷ lệ an toàn vốn, các khoản phải thu, phải trả… để khách hàng có cơ sở cho lựa chọn của mình.

Lúng túng chuyện câu chữ

Năm 2007, Chính phủ có Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó yêu cầu từ ngày 15-9-2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên các quốc lộ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Cho đến hôm nay, khi mà đội mũ bảo hiểm là bắt buộc trên mọi tuyến đường đối với người đi mô tô, xe gắn máy thì vẫn tồn tại câu hỏi là các loại xe khác như xe máy điện, xe đạp điện hay các loại xe tương tự xe gắn máy khác thì người đi có phải đội mũ bảo hiểm hay không, đặc biệt là với công nghệ ngày nay, có loại xe đạp điện đã đạt tới vận tốc 100km/h (BlackTrail do PG-Bikes và UBC của Đức sản xuất năm 2010).

Đáng lẽ, trong quy định về đội mũ bảo hiểm, điều đáng quan tâm không phải là tên gọi của chiếc xe, mà quan trọng là vận tốc tối đa mà mỗi loại xe có thể đạt được. Quy định sẽ hợp lý nếu một người đi một loại xe (tất nhiên không tính ô tô và các loại xe tương tự) có vận tốc thiết kế lớn nhất đạt một ngưỡng nào đấy (ví dụ 30 km/h trở lên) thì phải đội nón bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua cũng chạy theo những câu chữ như vậy, kết quả cuối cùng của việc kiểm soát tưởng như chặt chẽ, là những con số không mang lại nhiều ý nghĩa.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20% thì sau đó phải điều chỉnh lại thành duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% suốt năm 2011, lý do là các TCTD nại ra rằng các thời điểm trong năm họ có thể tăng trưởng cao hơn, miễn sao cuối năm về dưới 20% là không sai quy định. Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu đến ngày 30-6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31-12-2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Các TCTD không biết so với tổng dư nợ ở đây là tổng dư nợ cho vay hay tổng dư nợ tín dụng, mỗi cách so sánh thì sẽ có một tỷ lệ khác nhau. NHNN một thời gian sau phải có văn bản ghi rõ đó là tổng dư nợ cho vay. Khi còn vài ngày nữa là đến 30-6 thì Thống đốc cho biết sắp tới NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để có nghiên cứu tổng thể về thị trường bất động sản nhằm giải quyết các vướng mắc về cách phân loại bất động sản vào ngành phi sản xuất.

Hạn chế tăng trưởng tín dụng, vốn đã luồn đi cửa khác. Ngày 10-5, NHNN có công văn yêu cầu báo cáo tình hình ủy thác và nhận ủy thác cho vay, kết quả là các TCTD có doanh số của hoạt động này không đáng kể. Nửa tháng sau, ngày 25-5, NHNN lại có tiếp một công văn yêu cầu báo cáo số dư ủy thác, ứng trước (sửa chữ ủy thác cho vay thành ủy thác nói chung) thì lộ ra con số 88.635 tỉ đồng đầu tư tài chính của 19 ngân hàng nhỏ và vừa, trong đó có 42.700 tỉ đồng đầu tư vào chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp). Thống kê cả 42 ngân hàng trong nước thì con số này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.

Quản lý hệ thống các TCTD mà chỉ xét đến hoạt động tín dụng hay hạn hẹp hơn là cho vay thì cái nhìn còn phiến diện, vấn đề là “đầu ra” nói chung chứ không phải chỉ tín dụng hay cho vay. Cơ quan quản lý cứ lúng túng chuyện câu chữ như vậy, thì con số tăng trưởng tín dụng đến 10-6 chỉ có 7,05% (dư địa còn khá lớn) liệu có ý nghĩa gì, nhất là trong mục tiêu chống lạm phát!

Trước mắt, vẫn cần những quy định hành chính Cách quản lý thị trường tiền tệ thời gian qua, những quy định hành chính vẫn có đất sống, các TCTD cũng phản ứng nhiều song có lẽ NHNN đã không có cách nào khác. Khi hoạt động của các TCTD bị méo mó, mang tính đối phó nhiều hơn là những chiến lược kinh doanh dài hạn thì khó có thể sử dụng các biện pháp kinh tế để quản lý, đặc biệt khi tình trạng này đã kéo dài khá lâu, ít nhất là từ cơn sốt nhà đất 2007-2008.

Trở lại với vấn đề lãi suất, vấn đề nóng nhất trong thời gian trước mắt. Lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng tuần qua có dấu hiệu hạ nhiệt. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn đều thấp hơn trần huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân. Các phiên đấu giá trái phiếu chính phủ mấy tuần qua liên tiếp thành công, phiên sau lãi suất thấp hơn phiên trước, hiện đã thấp hơn mức 12,5%/năm. Đây rõ ràng là những tín hiệu tích cực của việc giảm lãi suất.

Mức lạm phát tháng 6 này được dự báo ở mức 1%, các tháng cuối năm sẽ tiếp tục hãm phanh khi chính sách tiền tệ thắt chặt thời gian qua phát huy đầy đủ tác dụng và nền kinh tế cũng chưa có những cú sốc giá đáng kể. Với người gửi tiền hôm nay thì mức lãi suất từ 12%/năm là đã có thể bảo đảm lãi suất thực dương.

Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động đô la Mỹ đang ở mức trần cao nhất 2%, chênh lệch so với lãi suất trần huy động tiền đồng lên đến 12%. Dù những vấn đề của kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn, nhu cầu ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, nhập khẩu vẫn cao nhưng như Thống đốc Nguyễn Văn Giàu mới khẳng định hôm 17-6, dự kiến năm nay cán cân thanh toán tổng thể sẽ thặng dư 1 tỉ đô la Mỹ thì khả năng tiền đồng mất giá lên đến 12% trong thời gian tới là khó xảy ra. Một quyết định hành chính để hạ trần lãi suất huy động là việc làm cần thiết lúc này.

Có thể tình trạng thỏa thuận lãi suất vẫn tiếp diễn nhưng việc này chỉ áp dụng đối với những khách hàng có số tiền gửi lớn, do đó việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có tác dụng làm giảm lãi suất huy động bình quân của hệ thống, qua đó tác động đến lãi suất cho vay. Tính đến nay, đã hơn nửa năm các doanh nghiệp gánh chịu lãi suất cho vay trên 20%/năm. Duy trì thêm có thể đưa nền kinh tế đi vào con đường sản xuất đình đốn, khi đó lại tạo cơ hội cho nhập khẩu, bất ổn càng gia tăng. “Tôi sẽ bán công ty để gửi tiết kiệm, chẳng cần làm gì mà gửi 5 tỉ đồng, một năm có thêm 1 tỉ”, chủ một doanh nghiệp gay gắt khi nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tăng lãi suất của hợp đồng vay. Hy vọng đó chỉ là lời nói bộc phát! Về lâu dài, minh bạch hệ thống: muộn còn hơn không Tuần qua trên báo chí có một thông tin đáng chú ý, đó là thông tin về việc NHNN đang xem xét việc công bố thông tin của các TCTD ra công chúng. Phải chăng NHNN không thể mãi “nuông chiều những đứa con hư” mà lâu nay NHNN cứ phải ở trong tình trạng “con dại, cái mang”?

Các cuộc đua lãi suất cứ liên tục, tình trạng cho vay chứng khoán, bất động sản bất chấp rủi ro, hệ thống ngân hàng luôn tìm cách lách luật, đối phó thay vì có chiến lược bài bản. Vậy nhưng NHNN đã “ngó lơ” cho cách làm ăn này quá lâu. Chỉ cách đây bốn năm (2007), khi nhiều ngân hàng còn có mức huy động dưới 1.000 tỉ đồng, thì ngân hàng có mức huy động thấp nhất hiện nay cũng đã gấp 4 lần con số ấy, còn số dư huy động trên 20.000 tỉ đồng cũng đã hơn một nửa hệ thống; lúc mà các ngân hàng được xem là tốp trên nếu lọt vào câu lạc bộ 1.000 tỉ (câu lạc bộ các ngân hàng có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng) thì nay đã có ngân hàng có vốn điều lệ gấp 20 lần con số đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lớn lên nhiều, nhưng song hành suốt thời gian đó là những bất ổn triền miên, đó là cách lớn mà không mạnh.

NHNN biết rõ điều này, nhưng không dễ để quản lý. Không dễ quản lý bởi ở tính đặc thù của ngành ngân hàng, khi mà chỉ cần một động tác đảo nợ, nợ nhóm 5 với mức trích dự phòng rủi ro 100% dư nợ sẽ về nợ nhóm 1, toàn bộ dự phòng sẽ “đổi tên” thành lợi nhuận. Hay khi một khoản nợ đáo hạn, có thể lấy của người này trả cho người kia một cách dễ dàng…

Những đặc thù này là một tất yếu khách quan, không thể thay đổi; những quy định, những văn bản với câu chữ rào trước đón sau sẽ khó theo kịp thực tế đa dạng. Cách tốt nhất để quản lý hệ thống, đó là minh bạch hoạt động của các TCTD, không chỉ là những thông tin trên bảng cân đối kế toán, đó còn phải là thông tin về khả năng chi trả, thanh khoản, là tỷ lệ an toàn vốn, các khoản phải thu, phải trả… để khách hàng có cơ sở cho lựa chọn của mình. Đó không chỉ là cách bảo vệ người gửi tiền, mà là cách để thanh lọc hệ thống, loại bỏ các TCTD hoạt động theo cách đối phó, chạy theo các giá trị nhất thời mà xem thường rủi ro, bất chấp sự an toàn hệ thống, phục vụ cho những lợi ích của một nhóm các cổ đông.

Làm được như vậy, hệ thống các TCTD Việt Nam sẽ thật sự lớn mạnh, cũng là cách xóa dần những quyết định hành chính của NHNN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới