Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quản lý thị trường vàng thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý thị trường vàng thế nào?

(TBKTSG) – LTS: Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Dựa trên những thông tin ban đầu từ NHNN, dư luận đang rất phân tán về các biện pháp được đưa ra. TBKTSG giới thiệu hai bài viết đưa ra hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.

________________

Bài 1: Từ độc quyền nhóm đến độc quyền hoàn toàn

Lê Duy Khánh

Quản lý thị trường vàng thế nào?
Ảnh: Thanh Tao

Xem vàng như ngoại tệ

Ngày 20-10, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thị trường dễ dàng nhận thấy các vi phạm trong giao dịch vàng phần lớn đều giống với các vi phạm trong giao dịch ngoại tệ. Đến khi NHNN trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chủ trương đồng nhất cách quản lý vàng và ngoại tệ (hay chính xác hơn là đô la Mỹ) xem ra đã rõ ràng.

Sản xuất vàng miếng là hoạt động có điều kiện và NHNN đã soạn dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng siết chặt các điều kiện này. Nếu như hiện nay có tám đơn vị được phép sản xuất vàng miếng thì theo dự thảo nói trên chỉ có SJC là nhà sản xuất vàng miếng duy nhất tại thị trường Việt Nam. NHNN thừa nhận là vàng miếng SJC hiện đang chiếm trên 90% thị phần, trong khi dự thảo lại qui định đơn vị phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong ba năm liên tiếp thì mới được thực hiện hoạt động này. Vậy là từ độc quyền nhóm sẽ trở thành độc quyền hoàn toàn.

Còn với kinh doanh vàng miếng, những điều kiện của dự thảo cũng sẽ loại khỏi cuộc chơi đa số doanh nghiệp, bởi không nhiều đơn vị đáp ứng được các yêu cầu có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng, có mạng lưới chi nhánh ít nhất ở ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Kèm với đó, việc mua bán vàng miếng sẽ chỉ được thực hiện ở các đơn vị được NHNN cấp phép.

Đối với sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, điều kiện có dễ dãi hơn nhưng cũng là những hoạt động kinh doanh có điều kiện. Và để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.

Như vậy, cung vàng sẽ vào khuôn khổ, đặc biệt sản xuất vàng miếng sẽ được quản lý tập trung theo một đầu mối duy nhất. Trong khi đó, ở khía cạnh nhu cầu, việc mua và nắm giữ vàng miếng của mọi đối tượng vẫn không bị hạn chế, chỉ cần mua bán ở các đơn vị được phép mà thôi.

Nhưng vàng không giống ngoại tệ

Không thể đồng nhất vàng và ngoại tệ, bởi đây là hai đối tượng rất khác nhau về nguồn gốc, luân chuyển và mục đích sử dụng.

Ở Việt Nam, nếu loại bỏ yếu tố đầu cơ thì cung cầu về vàng và ngoại tệ cũng rất khác nhau. Cầu ngoại tệ có thể do nhập khẩu, trả nợ nước ngoài, đi du lịch hay nhu cầu nắm giữ của người dân, trong khi cầu vàng chỉ đơn giản là để sở hữu một tài sản có tính an toàn cao trước những bất ổn. Trong khi đó, cung vàng ở Việt Nam chỉ có nguồn nhập khẩu (khai thác trong nước không đáng kể) và phải trả bằng một lượng ngoại tệ tương ứng, còn cung ngoại tệ có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như xuất khẩu, vay nước ngoài, đầu tư nước ngoài, kiều hối…

Vàng ở Việt Nam phổ biến hơn nhiều so với ngoại tệ nói chung và đô la Mỹ nói riêng. 70% dân số ở nông thôn có thể không cần đô la nhưng vàng là tài sản mà ai cũng muốn nắm giữ. Ngoại tệ trên thị trường tự do có thể chỉ giao dịch ở một vài thành phố lớn, thậm chí chỉ vài con đường ở các thành phố đó trong khi vàng thì không chợ nào không có.

Từ trước đến nay, người dân và Chính phủ vẫn xem vàng là một loại hàng hóa hơn là ngoại hối. Bằng chứng là chúng ta quản lý xuất nhập khẩu vàng như là hàng hóa thông thường, cũng có hạn ngạch, cũng tính giá trị vào trong kim ngạch xuất nhập khẩu, còn trong nước thì người dân được tự do mua bán mà không cần phải chứng minh mục đích sử dụng như ngoại tệ.

Mặc dù phổ biến hơn nhưng mức độ sử dụng vàng trong thanh toán ở Việt Nam ít hơn nhiều so với đô la Mỹ. Nếu có, thì vàng chỉ có thể dùng trong thanh toán tiền mua nhà, trong khi thị trường tràn ngập các loại hàng hóa được niêm yết và thanh toán bằng đô la Mỹ (chỉ mới có vài chuyển biến trong thời gian gần đây).

Với những phân tích trên, rõ ràng vàng và ngoại tệ có cơ chế luân chuyển trong nền kinh tế rất khác nhau và không có lý do gì để áp dụng cùng một cách quản lý. Phân tích cũng cho thấy rằng, ở Việt Nam cung vàng rất hạn chế song cầu vàng thì vô cùng. Trong khi đó, dự thảo Nghị định lại đi siết chặt nguồn cung mà không đả động gì tới nhu cầu. Đó có thể là căn nguyên của bất ổn.

Hạn chế nhu cầu bằng cách tiết giảm nguồn cung?

NHNN khi soạn dự thảo Nghị định cũng đã nhận định thị trường vàng biến động bất thường có nguyên nhân trước hết từ hoạt động đầu cơ. Nhưng đầu cơ có đất để hoạt động là xuất phát từ sự chậm trễ và/hoặc thiếu minh bạch thông tin, từ nguồn cung bị hạn chế hay từ những bất ổn của thị trường. Cũng theo NHNN, vàng miếng SJC đang tạo ra thế độc quyền tự nhiên do thị phần quá lớn. Vậy chỉ định SJC là đơn vị cung ứng duy nhất có phải là cách để hạn chế đầu cơ, để xóa bỏ độc quyền tự nhiên (bằng cách tạo ra độc quyền hoàn toàn)?

Hiện nay, ngoài SJC, các thương hiệu vàng miếng khác chưa tạo được niềm tin trên thị trường, nhưng đó không phải là lý do để xóa bỏ chúng.

NHNN cũng cho rằng: “Khi vàng miếng được mua bán tự do thì vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán nên khó quản lý”. Việc vàng được mua bán tự do và việc trở thành phương tiện thanh toán là không tương quan, hay chính xác là tương quan rất thấp, chưa nói vàng hiện được dùng trong thanh toán khá ít (như đã đề cập ở trên) thì không thể nói vàng đang là phương tiện thanh toán ở Việt Nam.

SJC được chỉ định để sản xuất vàng miếng, song sản xuất bao nhiêu phải theo hạn mức của NHNN. Không thể giải thích được NHNN sẽ dựa vào đâu để ấn định hạn mức này. Trong khi nhu cầu không bị hạn chế thì nguồn cung lại phụ thuộc vào ý chí của cơ quan quản lý. NHNN định hạn chế nhu cầu bằng cách tiết giảm nguồn cung?

______________________

Bài 2: Quản lý vàng như quản lý ngoại tệ

Thành Nam

NHNN cho biết hiện nay vàng miếng thương hiệu SJC chiếm lĩnh 90% thị trường vàng. Con số ước tính này có thể còn chênh lệch theo hướng cao hơn so với thực tế. Trong nhiều năm qua các thương hiệu vàng miếng khác Phượng Hoàng, Rồng Vàng, AAA, Bông Lúa… tuy vẫn tồn tại nhưng không giao dịch bao nhiêu.

Không quá khó khăn để NHNN nắm được một cách chính xác và công bố công khai số liệu sản xuất, tiêu thụ của mỗi loại vàng miếng. Số liệu đó là cơ sở thuyết phục tốt nhất với những ai còn nghi ngờ về độ phổ biến của các nhãn hiệu vàng. Các đơn vị sản xuất đều có số liệu về số lượng vàng miếng họ đã chế tác từng tháng, từng năm. Các nhãn hiệu vàng này đều được giao dịch chủ yếu giữa nhà sản xuất và người sở hữu, chứ không phải giữa các công ty, tiệm vàng và khách hàng với nhau. Nếu bạn vào một cửa hàng vàng của Công ty vàng bạc đá quí Sacombank để hỏi mua hoặc bán vàng miếng Bông Lúa (thương hiệu vàng miếng cũ của ACB), bạn có thể sẽ không mua hoặc bán được.

Vì sao như vậy? Trước hết là vì các loại vàng miếng nói trên không phổ biến. Chúng không phổ biến vì không được nhiều người biết đến. So với SJC, thâm niên của những loại vàng miếng kia thấp hơn nhiều. Quan trọng hơn, người tiêu dùng không nắm rõ chất lượng của những thương hiệu vàng miếng còn lại ngoài SJC dù tất cả đều được ghi trên bao bì bốn số chín. SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất, lâu đời nhất và nhà nước 100%. Những yếu tố đó đủ nặng ký để đảm bảo cho sự được chấp nhận của vàng miếng SJC nơi người dân vốn vẫn còn mang nặng tâm lý nhà nước hay quốc doanh. Đúng ra, từ xưa đến nay chưa có một tổ chức thanh tra, kiểm tra nào chất lượng các nhãn hiệu vàng miếng. Người mua vàng không thể tự nhận biết chất lượng vàng. Họ chỉ biết nhìn vào nhãn hiệu để mua và loại họ đang mua, đang bán là SJC.

Đã từng có ngân hàng có ý tưởng liên kết với một thương hiệu vàng nổi tiếng của Thụy Sĩ để sản xuất vàng miếng ở Việt Nam nhưng không thành công. Một phần bởi người nước ngoài không được tham gia kinh doanh vàng miếng. Phần khác mỗi nhãn hiệu đều cần thời gian để chinh phục người tiêu dùng. Không giống như các loại hàng ngoại, nhãn hiệu vàng miếng nước ngoài chưa thể được tin dùng ở Việt Nam.

Điều đáng nói thứ hai là đa số các nhà sản xuất vàng miếng đều có doanh số giao dịch vàng miếng SJC nhiều hơn vàng miếng nhãn hiệu của chính họ. Trên các bảng niêm yết giá hàng ngày phát đi từ trụ sở của những công ty này, bao giờ cũng có giá vàng miếng của họ và giá vàng SJC. Khi các tiệm vàng hay đầu mối, đại lý vàng giao dịch với nhau, vàng SJC là duy nhất. Trong kho các ngân hàng nơi đang trữ khoảng 100 tấn vàng, cũng là vàng SJC. Trừ một số ít ngân hàng có liên quan đến nhà sản xuất vàng miếng các loại khác, còn hầu hết các tổ chức tín dụng huy động, cho vay, nhận thế chấp, cầm cố một loại vàng SJC.

Trên thực tế, sản xuất và tiêu thụ các loại vàng miếng khác không giúp các đơn vị chế tác có đủ lợi nhuận bù đắp chi phí đầu tư máy móc, dây chuyển thiết bị, xây dựng hệ thống phân phối bán sỉ và bán lẻ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ thương hiệu vàng đó cho công tác tiếp thị, quảng bá tên tuổi doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động thương mại.

Với chủ trương lâu dài đã được xác định tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng, và vàng phải được quản lý như ngoại tệ, có thể đưa vào cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia, mục tiêu giữ lại một đầu mối sản xuất vàng miếng SJC là điều phải đi đến. Từ một đầu mối này Nhà nước có thể kiểm soát vàng nhập lậu bằng cách chỉ cho chế tác thành vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu nhập chính thức. Đồng thời Nhà nước có thể điều tiết ở mức hợp lý lượng vàng chế tác theo cung cầu thị trường từng giai đoạn. Chẳng hạn nếu lượng vàng Nhà nước huy động được từ dân lớn, đủ sức can thiệp thị trường khi nóng – lạnh, thì không nhất thiết phải sản xuất thêm vàng miếng hoặc ngược lại.

Sâu xa hơn, vàng đang là phương tiện thanh toán, tích lũy, cạnh tranh trực tiếp với các chức năng của tiền đồng. Nó không phải là thứ hàng hóa thông thường, có thể kinh doanh tự do với bất cứ điều kiện nào. Để bảo vệ đồng nội tệ như một phương tiện thanh toán duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, ý nghĩa thanh toán, tích trữ của vàng phải thu hẹp. Điều này cần thời gian bởi nó đụng chạm đến thói quen tích trữ vàng của người dân. Đó có phải là thói quen thích hợp hay chỉ là sự tự vệ về tài sản của người tiêu dùng trong thời buổi kinh tế khó khăn? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi một loạt giải pháp nâng cao giá trị đồng tiền Việt.

Sẽ không ngạc nhiên khi tới đây vàng miếng sẽ chỉ được mua bán ở những doanh nghiệp, ngân hàng đáp ứng điều kiện về vốn liếng, hệ thống phân phối, quản trị rủi ro…Quản lý thị trường vàng, như vậy, không thể chỉ nhìn từ lợi ích của người dân (nói đúng hơn là một bộ phận người dân vì không phải 90 triệu dân Việt Nam đều có nhu cầu mua bán, nắm giữ vàng), mà còn phải xuất phát từ lợi ích và thể diện quốc gia, lợi ích kinh tế và thể diện chủ quyền thông qua đồng tiền Việt!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới