Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quan trọng là minh bạch về mục đích

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quan trọng là minh bạch về mục đích

Phan Minh Ngọc

Quan trọng là minh bạch về mục đích
Có một điều chung giữa các ngân hàng trên thế giới là nhân viên phải báo cáo trước và xin phép ngân hàng khi có ý định làm việc bên ngoài. Ảnh: NGUYỄN NAM

(TBKTSG) – Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có bổ sung điều khoản mới, theo đó quy định các lãnh đạo cấp cao ban quản trị hoặc ban điều hành của tổ chức tín dụng (TCTD) không được kiêm nhiệm, không đồng thời là lãnh đạo của các doanh nghiệp khác bên ngoài TCTD. Mục đích của việc cấm này được cho là nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD.

Quy định của các nước thoáng hơn

Đối chiếu quy định trên với thông lệ thế giới có thể thấy một số khác biệt. Ví dụ, ở Singapore, nhiều ngân hàng cũng quy định rõ trong bộ quy tắc ứng xử của mình là cấm nhân viên ngân hàng được làm thêm việc bên ngoài (outside employment), dù công việc này có được trả lương hoặc thù lao hay không. Nhưng việc cấm đoán này chỉ áp dụng cho một số loại hình công việc bên ngoài cụ thể như tư vấn, giám đốc (kể cả công ty riêng) hoặc các công việc mang tính thương mại bán thời gian hay toàn thời gian.

Ngoài danh sách cấm này, ngân hàng có thể cho phép nhân viên làm thêm một số công việc bên ngoài như là thành viên các hiệp hội, tổ chức phi lợi nhuận, không có hoạt động tạo ra xung đột quyền lợi với ngân hàng…

Ở nhiều nước, nhiều ngân hàng trên thế giới khác, ví dụ như Bank of New York Mellon Corporation hay JPMorgan Chase & Co, lại quy định thoáng hơn về chuyện này. Cụ thể, nhân viên của các ngân hàng này không bị cấm làm việc bên ngoài, miễn là công việc đó không liên quan gì đến, tạo tác động xấu, hoặc gây xung đột quyền lợi với ngân hàng và/hoặc với công việc của người này tại ngân hàng. Đồng thời, công việc bên ngoài này cũng không được ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, làm giảm khả năng làm việc hàng ngày của nhân viên này tại ngân hàng.

Chừng nào còn sở hữu chéo thì chừng đó việc cấm kiêm nhiệm cũng không đảm bảo được tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Có một điều chung giữa các ngân hàng trên thế giới là nhân viên phải báo cáo trước và xin phép ngân hàng khi có ý định làm việc bên ngoài. Nếu không làm như vậy và khi ngân hàng phát hiện ra thì thường là nhân viên sẽ bị sa thải lập tức. Dẫu vậy, kể cả khi đã báo cáo, xin phép, vẫn có những trường hợp đơn xin phép của nhân viên bị từ chối vì ngân hàng nhận định rằng công việc sẽ làm của nhân viên này có khả năng gây tác động bất lợi cho ngân hàng và/hoặc cho công việc của nhân viên tại ngân hàng.

Như vậy, có thể nói rằng quy định cấm kiêm nhiệm trong Luật các TCTD sửa đổi nói trên ở Việt Nam là quá chặt, cấm tuyệt đối mọi hình thức làm việc của lãnh đạo cấp cao ngân hàng (cũng là một nhân viên ngân hàng) cho một tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài mà không có bất cứ một trường hợp ngoại lệ, loại trừ nào mà như ở nước khác thì là được phép.

Quan trọng là minh bạch về mục đích

Có người sẽ lập luận rằng cấm như ở Việt Nam là cần thiết, còn hơn là không cấm, không làm gì. Nhưng tư duy theo lối “không quản được thì cấm” này thì cũng chẳng khác lối tư duy vì dao nhọn có thể được sử dụng thành vũ khí gây nguy hiểm nên cần cấm cầm hoặc sử dụng dao nhọn (khi ra đường).

Điều quan trọng ở đây là minh bạch về mục đích. Với trường hợp cầm hoặc sử dụng dao nhọn, sẽ là được phép nếu người cầm/sử dụng có mục đích chính đáng, chẳng hạn như đang bán hoa quả rong trên đường. Với trường hợp lãnh đạo ngân hàng làm lãnh đạo một công ty, tổ chức khác, nếu việc kiêm nhiệm này được công khai, được chứng minh là không gây phương hại gì đến ngân hàng, tạo xung đột quyền lợi giữa ngân hàng với lãnh đạo này và với công ty bên ngoài, mà ngược lại, còn có ích, đóng góp cho xã hội, thì rõ ràng việc kiêm nhiệm này là vô hại, có thể được phép, được chấp nhận.

Ngược lại, sẽ là một vi phạm nghiêm trọng, cần xử lý bởi không chỉ trong nội bộ ngân hàng mà còn bởi cơ quan thanh tra, giám sát khi sự kiêm nhiệm này bị che giấu, không khai báo hoặc khai báo không trung thực bởi lãnh đạo ngân hàng kiêm nhiệm.

Và cũng sẽ có ý kiến rằng khi lãnh đạo ngân hàng muốn kiêm nhiệm một vị trí lãnh đạo tại một công ty bên ngoài thì dù có phải xin phép ngân hàng, việc xin phép này cũng chỉ là hình thức bởi rốt cuộc người cấp phép lại chính là lãnh đạo này hoặc cấp dưới của vị này.

Đây cũng là một khả năng có thật, nhưng điều quan trọng là việc xin phép này để lại những bằng chứng để bộ phận chức năng nội bộ ngân hàng (như kiểm toán nội bộ, ban giám sát) hay cơ quan chức năng nhà nước có cơ sở để thanh tra, giám sát, ngăn ngừa, tránh phát sinh những cơ hội trục lợi và xử lý sự trục lợi từ sự kiêm nhiệm của lãnh đạo ngân hàng.

Cũng cần lưu ý rằng ở các ngân hàng nước ngoài, các bộ phận chức năng như kiểm toán nội bộ và ban giám sát có quyền lực rất lớn và không một ai kể cả ban lãnh đạo ngân hàng được phép ngoại trừ, không phải thực hiện những quy định tuân thủ mà bộ phận chức năng này đề ra và/hoặc thực thi như với những nhân viên bình thường khác.

Sau cùng, cần lưu ý thêm rằng cả hai hình thức liên quan đến chuyện kiêm nhiệm công việc bên ngoài nêu trên – cấm hoàn toàn hoặc cho phép kiêm nhiệm một cách có điều kiện – đều không giải quyết triệt để được chuyện xung đột lợi ích. Bởi xung đột lợi ích nhiều khi lại nảy sinh từ sở hữu chéo, với những ông chủ giấu mặt đại diện bởi các “hình nhân” chi phối hoạt động của ngân hàng theo hướng có lợi cho mình hoặc doanh nghiệp sân sau của mình.

Nói cách khác, chừng nào còn sở hữu chéo thì chừng đó việc cấm kiêm nhiệm cũng không đảm bảo được tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới