Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quan trọng là nâng cao chất lượng dân số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quan trọng là nâng cao chất lượng dân số

Thành Trung thực hiện

TS. Giang Thanh Long.

(TBKTSG) – Làn sóng bùng nổ dân số (gọi chính xác là đà tăng dân số) không thực sự đáng lo nếu Việt Nam có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng dân số. Đó là quan điểm của TS. GIANG THANH LONG, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), xung quanh những lo ngại gần đây về đà tăng dân số tại Việt Nam.

TBKTSG: Trong Ngày Dân số thế giới vừa qua, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã bày tỏ lo ngại về đà tăng dân số lần thứ hai tại nước ta do số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) đang tăng nhanh. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. GIANG THANH LONG: Trước hết, cần phải khẳng định rằng đà tăng dân số là kết quả tất yếu của quá trình phát triển dân số ở Việt Nam. Số lượng người bước vào độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) hiện nay tăng lên là do dân số trẻ em tăng mạnh cách đây khoảng 2-3 thập kỷ (do tổng tỷ suất sinh – là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – thời gian đó còn ở mức cao). Thống kê từ các cuộc Tổng điều tra dân số cho thấy tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tăng lên trong ba thập kỷ qua nhưng tốc độ tăng trung bình không cao (chiếm 45,1% tổng dân số nữ năm 1979; 48,4% năm 1989; 53,5% năm 1999 và 57,3% năm 2009).

Tuy nhiên, có một vài yếu tố quan trọng thể hiện mức tác động của đà tăng dân số. Trước hết, do tổng tỷ suất sinh giảm nhanh trong ba thập kỷ vừa qua nhờ những chính sách về dân số-kế hoạch hóa gia đình nên thực tế số trẻ em sinh ra lại đang có xu hướng giảm xuống. Ngoài ra, số liệu từ các cuộc Tổng điều tra dân số đã cho thấy xu hướng có con muộn hơn của phụ nữ Việt Nam, đây là điều rất quan trọng đối với đà tăng dân số.

Quan điểm của tôi là nếu chúng ta tiếp tục phát huy tốt kết quả thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình thì đà tăng dân số không phải là vấn đề nghiêm trọng. Điều quan trọng nhất trong xu hướng phát triển dân số như hiện nay là chúng ta cần có những chính sách cụ thể hơn để nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt ngay từ giai đoạn đầu đời.

TBKTSG: Theo thống kê, năm 1989 cả nước có 17 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2009 đã tăng lên 26 triệu. Theo ông chính sách dân số của Việt Nam đã được quan tâm đúng mức hay chưa và chúng ta cần hành động như thế nào để đối phó với đà tăng dân số?

– Như tôi đã nói ở trên, chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định và đáng khích lệ, đặc biệt là mục tiêu giảm tỷ suất sinh từ mức rất cao (gần 4,6 vào đầu những năm 1980 xuống mức sinh thay thế (*) vào năm 2006). Chính tỷ suất sinh giảm như vậy nên tỷ lệ tăng dân số Việt Nam giảm xuống và sẽ ổn định dù rằng chúng ta đang có đà tăng dân số. Dự báo gần đây của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ so với tổng dân số nữ sẽ bắt đầu giảm xuống từ năm 2010 (xuống 57,2%) và sẽ liên tục giảm trong những thập kỷ tới (xuống 48,6% vào năm 2034 và 41,6% vào năm 2059). Bên cạnh đó, theo Tổng điều tra dân số năm 2009 thì tổng tỷ suất sinh cả nước đạt 2,03 là mức thấp hơn so với mức sinh thay thế, thậm chí một số vùng còn có tỷ suất sinh thấp hơn nhiều (như Đông Nam bộ chỉ là 1,69; ĐBSCL là 1,84). Do đó, nếu tỷ suất sinh tiếp tục giảm thì Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ giảm dân số chứ không phải tăng dân số. Bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thức mức sinh quá thấp (chỉ khoảng 1,2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) trong khi dân số già nhanh là những bài học không thể bỏ qua. Vì lý do đó, theo tôi, chiến lược, chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình cần tập trung vào việc ổn định dân số và hơn hết là nâng cao chất lượng dân số. Chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời gian tới.

TBKTSG: Các chuyên gia dân số cũng quan ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính đang tăng nhanh trong năm năm qua. Cần những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này, đặc biệt tại các vùng nông thôn?

– Đây cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi trong thời gian gần đây vì những hệ lụy xã hội có thể có của mất cân bằng giới tính. Nhiều tính toán cho thấy Việt Nam có thể thiếu hàng triệu phụ nữ nếu mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng hơn. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 là 110,6 trẻ em nam so với 100 trẻ em nữ, nhưng khi phân tách số liệu thì thấy rằng hiện tượng mất cân bằng giới tính chỉ xảy ra ở một vài vùng hoặc một số tỉnh với những điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống khác nhau. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính thì tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều nhóm dân số. Từ kinh nghiệm một số nước khu vực, có thể thấy đời sống được cải thiện và an sinh xã hội tốt hơn sẽ làm giảm bớt tư tưởng này – tư tưởng vốn dĩ xuất phát từ việc cần con trai để có sức lao động cho nông nghiệp cũng như là chỗ dựa khi về già.

TBKTSG: Ông vừa giới thiệu một nghiên cứu về chủ đề “Biến đổi cơ cấu tuổi dân số và lợi tức dân số “vàng” ở Việt Nam”. Ông có thể tóm tắt những nét chính trong báo cáo của mình cũng như đưa ra những khuyến cáo chính sách?

– Báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ dân số Liên hợp quốc và Tổng cục Dân số và đang trong quá trình hoàn thiện. Nội dung chính của báo cáo là phân tích tình hình biến đổi cơ cấu tuổi của dân số trong ba thập kỷ vừa qua và xu hướng thay đổi trong những thập kỷ tới bằng việc sử dụng số liệu thống kê và dự báo dân số. Có thể thấy, cánh cửa cơ hội dân số “vàng” đã mở ra đối với Việt Nam từ năm 2008 và sẽ kéo dài trong gần 30 năm nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để tận dụng cơ hội có một không hai này cho tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Kinh nghiệm các nước trải qua thời kỳ này (như Nhật Bản, Hàn Quốc) cho thấy cơ hội dân số “vàng” không tự đến, mà “vàng” cần phải được khai thác bằng các chiến lược, chính sách phù hợp. Nguồn nhân lực có chất lượng (có kỹ năng, chuyên môn và năng suất cao) và tỷ lệ lao động có việc làm cao là một vài nhân tố thành công của những nước này.

Không khai thác được cơ hội này đồng nghĩa với việc chúng ta tạo ra gánh nặng cho chính bản thân mình trong thời điểm hiện tại và trong tương lai, thậm chí mắc bẫy thu nhập thấp hoặc trung bình như nhiều nước đang trải qua. Dân số hoạt động kinh tế ít, dân số già và yếu với những chi phí khổng lồ về y tế hoặc trẻ em suy dinh dưỡng… là những thách thức hiện hữu khi không thể tận dụng cơ hội này.

Báo cáo này tập trung vào phân tích bốn nhóm chính sách quan trọng cho cơ hội “vàng” ở Việt Nam, đó là 1) giáo dục và đào tạo; 2) lao động, việc làm và nguồn nhân lực; 3) dân số và y tế; và 4) an sinh xã hội hướng đến một dân số già trong tương lai.

___________________________________

(*) Là mức sinh mà một phụ nữ sinh con ra để đảm bảo ổn định dân số. Ví dụ: tuổi sinh con của một phụ nữ là 27 thì đến khi người đó hết tuổi lao động, đứa con sẽ bước vào tuổi lao động, thay thế cho người mẹ và đảm bảo ổn định dân số.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới