Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Quan trọng là Nhà nước cam kết rõ ràng”  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Quan trọng là Nhà nước cam kết rõ ràng”  

Dù tính lại CPI thấp hơn, thì thực tế giá cả ngoài thị trường vẫn đang leo thang – Ảnh: HỮU THẮNG

(TBKTSG Online) – Hai con số chênh lệch về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 9,34% và 7,92% mới được công bố khiến gây thắc mắc cho nhiều người. TBKTSG Online đã trao đổi với Tiến sĩ Võ Trí Thành – Trưởng ban Chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Ông Thành nói: “Thật ra cách tính lạm phát thông thường để ra con số 9,34% (so sánh tháng 11 năm nay với tháng 12 năm trước) và cách tính thứ hai ra con số 7,92% (bình quân 11 tháng năm nay so với bình quân 11 tháng năm trước), cách tính nào cũng còn có vấn đề phải bàn. Tuy nhiên, hai cách tính này phải dựa trên 3 tiêu chí: 1/ “Rổ” hàng hoá có đủ tin cậy không? 2/ Khảo sát thực tế như thế nào? 3/ Phương pháp điều tra tốt không? Những con số ấy phải đều là điều tra xác thực chứ không võ đoán”.  

Thưa ông,  thay đổi cách tính một cách đột ngột có thể dẫn đến những tác động khác nhau rất lớn , từ mức độ so sánh CPI với GDP, mức độ lạm phát…  

Thực tế tỷ lệ lạm phát hàng tháng muốn tính toán hay công bố đều có nhiều cách. Mỗi cách tính sẽ cho ra một con số khác nhau. Điều tra và tính toán dù chỉ có giá trị về mặt kỹ thuật nhưng quan trọng như là cái nền, dựa trên đó để hoạch định những chính sách vĩ mô phù hợp.

Với người tiêu dùng, CPI còn quan trọng hơn nữa. Họ nhìn thấy đồng tiền của họ mất từng này, sức tiêu dùng suy giảm từng này. Nó tác động rất lớn đến tâm lý và đời sống của người dân. Bởi vậy, cách công bố con số này rồi con số kia, lấy cách này phủ nhận cách kia là không hay. Tốt nhất là phải tránh gây lầm tưởng. Tức là phải chỉ ra được chỉ số giá trung bình.  

Vậy theo ông, trong cả hai cách tính CPI vừa được nhắc đến, còn thiếu những gì để cho ra một con số xác thực, tin cậy hơn?  

Thực ra còn nhiều điểm phải cải thiện. Chúng ta chưa tính chỉ số giá bán buôn và chỉ số giá sản xuất. Những chỉ số này tác động đến sản xuất kinh doanh, tác động đến thiệt hại của người têu dùng.  

Có ý kiến cho rằng, trong cách tính cũ, lương thực, thực phẩm chiếm 42,85% cơ cấu tiêu dùng là không phù hợp. Nhưng với điều kiện tình hình kinh tế-xã hội ở Việt Nam hiện tại, các ý kiến khác lại cho rằng vẫn phải áp dụng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?  

Ở Việt Nam, tiền chủ yếu “ném” vào nhu cầu cơ bản của cuộc sống, đó là miếng ăn hàng ngày và tác động trực tiếp đến người nghèo (khó khăn vì thu nhập thấp). Trong khi ở những người giàu, tỷ trọng dành cho nhu cầu cơ bản như lương thực, thực phẩm thì nhỏ thôi. Nhưng cách gì cũng có tác động xã hội nhất định và suy giảm tiêu dùng đã nhìn rất rõ.  

Số liệu giá cả thực tế chưa làm riêng ở nông thôn và thành thị. Nếu dùng số liệu thành thị để đưa ra những chính sách về nông thôn có thể dẫn đến những quyết sách không phù hợp, thưa ông?  

Quan trọng nhất là phải xem xét lại mục tiêu ổn định chính sách vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng, chưa nói đến tăng trưởng quyết định sự phát triển như thế nào. Tăng trưởng quá cao chưa phải đã là hay. Năng lực quản trị sự phát triển không kịp tốc độ quản lý cũng có thể gây ra những lúng túng. Lạm phát và tăng trưởng đôi khi có sự đánh đổi nhất định. Vai trò điều hành kinh tế vĩ mô mới có tính quyết định, những lo ngại ở trên chỉ là biểu hiện cụ thể thôi.

Nên nghĩ rằng AI là người tốt nhất đặt ra mục tiêu? Ở các nước (ví dụ như Trung Quốc), mục tiêu do Ngân hàng trung ương quy định. Ở nước ta, Quốc hội có thể đặt ra. Và nói gì chăng nữa, ổn định kinh tế vĩ mô mới là quan trọng hàng đầu. Từ đó mới ổn định tài khoá, cách thức can thiệp thị trường…  

Nhưng hiện tại, lạm phát ở Việt Nam vẫn dẫn đầu các nước trong khu vực. Vậy chúng ta sẽ phải làm gì để không rơi vào vị trí không mong muốn đó?  

Các nước trong khu vực tất nhiên lạm phát vẫn “ngóc đầu” dậy. Điều này tùy thuộc vào mức độ hội nhập khác nhau thì tỷ lệ lạm phát cũng khác nhau, tác động đến xã hội khác nhau. Nhưng các nước thành công hơn trong việc kiềm chế tốc độ lạm phát. Không thể đổ vấy cho giá thế giới tăng thì lạm phát tăng. Việt Nam đã hội nhập WTO rồi. Vai trò của Chính phủ là phải ổn định bằng những biện pháp can thiệp hợp lý. Chống lạm phát chỉ có cách tốt nhất là cam kết của nhà nước phải rõ ràng, đảm bảo tác động xã hội ít bất lợi. Các chính sách liên quan trực tiếp đến vĩ mô: tiền tệ (liên quan đến chính sách tài khoá), chính sách can thiệp vào một số thị trường nhất định (kiểm soát giá xăng dầu, kiểm soát liên minh giá cả ở những mặt hàng có thể gây tác động xã hội..) hiện còn chưa tốt. Nếu chỉ chú ý can thiệp thị trường, nhất định không đủ cho biện pháp chống lạm phát.  

Xin cảm ơn ông!  

NGỌC LAN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới