Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quan trọng nhất vẫn là chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quan trọng nhất vẫn là chính sách

Nguyên Tấn

Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” thu hút nhiều người dân ở tỉnh Bắc Giang đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Suy giảm kinh tế đã giúp cho vai trò của thị trường nội địa được nhìn nhận lại. Thế nhưng, thị trường được đánh giá là quan trọng này vẫn trong tình trạng phát triển tản mạn do thiếu một chiến lược dẫn dắt dài hơi.

>> Sẽ còn nhiều biện pháp hỗ trợ

>> Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Bên trọng, bên khinh

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong suốt một thời gian dài và cho đến cả hiện nay chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam dựa trên hai chân trụ: khuyến khích thu hút đầu tư và hướng về xuất khẩu.

Trong khi đó, thị trường nội địa – chân trụ thứ ba có vai trò không hề thua kém đối với nền kinh tế thì bị… xem nhẹ. Hệ quả là mất cân đối nghiêm trọng trong việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, thay vì hài hòa cho cả ba chân trụ thì lại chỉ tập trung cho thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Điển hình là vấn đề xúc tiến thương mại. Lâu nay, có rất ít chương trình xúc tiến thương mại cho thị trường nội địa mà chỉ có xúc tiến thương mại hỗ trợ xuất khẩu.

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu lực từ cuối năm 2005 theo Quyết định 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu đã khẳng định “được xây dựng theo định hướng về thị trường, ngành hàng xuất khẩu của chiến lược xuất khẩu thời kỳ 2006-2010”. Mỗi năm, Nhà nước đầu tư cho chương trình này từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng (ví dụ, năm 2009, kinh phí là 172 tỉ đồng) nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu.

Chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), một sáng kiến của Câu lạc bộ HVNCLC dù có ý nghĩa rất lớn trong việc khuếch trương các thương hiệu, sản phẩm trong nước nhưng, theo bà Vũ Kim Hạnh, suốt 13 năm qua không nhận được một sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước. Cũng do thị trường nội địa không được quan tâm nên trong kế hoạch phân bổ ngân sách cho hạ tầng hàng năm của quốc gia các khoản đầu tư cho hạ tầng thương mại đều bị cắt sạch.

Tương tự, quy hoạch cơ bản về hệ thống phân phối ở tầm quốc gia chỉ dừng ở mức bàn bạc, thảo luận và quy hoạch chi tiết lại càng không có. Trong khi đó, bà Hạnh cho biết, nhiều tập đoàn đa quốc gia đều chia các khu vực địa lý, có các “tướng quản lý địa bàn” để quản lý hàng trăm ngàn điểm bán hàng và chỉ đạo việc lưu chuyển, bán hàng trên toàn cõi Việt Nam. Chưa nói, hàng nhập lậu ồ ạt từ Trung Quốc đổ về đang gây khốn đốn cho sản xuất trong nước.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, cho rằng những hiện tượng méo mó nói trên xuất phát từ chính sách phát triển kinh tế lưỡng thể, vừa hướng về xuất khẩu, vừa bảo hộ sản xuất trong nước được duy trì trong nhiều năm qua.

Một mặt, vì được sự hỗ trợ tối đa để xuất khẩu từ lãi vay, tỷ giá hối đoái, vốn tín dụng đến thuế, mặt bằng… nên trong suốt một thời gian dài doanh nghiệp chỉ lo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa, đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tai hại hơn nằm ở chỗ doanh nghiệp thường chọn hình thức dễ làm nhất là gia công hàng hóa – một công đoạn ít tạo ra giá trị gia tăng nhất trong chuỗi hàng hóa toàn cầu và chính điều này đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa.

Cần một chiến lược quốc gia

Tại hội nghị tổng kết năm 2008 và triển khai kế hoạch năm 2009 của ngành công thương diễn ra cuối năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo là bên cạnh việc tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu, cần coi trọng thị trường trong nước, lấy thị trường nội địa làm điểm tựa đi lên.

Bộ Công Thương ngay sau đó đã đệ trình một đề án có tên “Kích cầu hàng tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng và khai thác thị trường nội địa” với tổng kinh phí 54 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một đề án có tính kích cầu tạm thời và cho đến nay sau hơn nửa năm đệ trình số phận của nó vẫn còn loay hoay bởi thủ tục hành chính rối rắm, chưa thể đi vào cuộc sống.

Bộ Chính trị mới đây mở cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là điều đáng mừng vì vai trò của thị trường nội địa đã được nhìn nhận.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để biến cuộc vận động này thành hiện thực, không thể chỉ bằng những hoạt động mang tính phong trào mà cần có một chiến lược bài bản ở tầm quốc gia nhằm thúc đẩy thị trường nội địa. Trong đó, vấn đề cơ bản là làm sao tạo điều kiện để tăng năng lực cạnh tranh của hàng nội, của các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trước hết cần có chính sách khuyến khích phát triển thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất trong nước. Hai, là bãi bỏ những chính sách hỗ trợ xuất khẩu có tính chất làm méo mó thị trường. Ví dụ việc hỗ trợ thông qua tỷ giá hối đoái như hiện nay thực chất chỉ khuyến khích nhập khẩu hàng hóa, hoàn toàn không có lợi gì cho xuất khẩu cũng như sản xuất trong nước. Ba, là nhà nước nên tập trung nguồn lực cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp, giáo dục, môi trường đầu tư kinh doanh, vì tất cả những yếu tố này sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao hơn lực năng cạnh tranh của mình.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, chìa khóa nằm ở hệ thống phân phối. Vì vậy, cần hỗ trợ nhanh về mặt bằng cho các nhà phân phối, hệ thống siêu thị của Việt Nam. Một biện pháp khác có thể thực hiện ngay là tăng cường hoạt động quản lý thị trường, đặc biệt kiểm tra chặt chẽ đầu vào (hóa đơn mua hàng và nhãn mác) đối với hàng nhập khẩu, nhất là hàng nhập qua đường tiểu ngạch. Nếu làm nghiêm sẽ ngăn được cơn lũ hàng nhập lậu từ nước ngoài đổ về.

Thế nào là hàng Việt Nam?

Một vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại gây tranh cãi từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, đó là khái niệm “hàng Việt Nam”, “hàng nội”.

Xét từ góc độ vốn đầu tư, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng nếu sản phẩm do doanh nghiệp có vốn đầu tư thuộc sở hữu trong nước làm ra thì đó là hàng nội. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cũng có ý kiến tương tự. Bởi theo bà, hàm ý của Bộ Chính trị là nhằm thúc đẩy sử dụng hàng nội và ủng hộ các doanh nghiệp trong nước (tức doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Việt Nam).

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nên phân biệt hàng nội trong mối tương quan với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập lậu. Nói cách khác, hàng nội là hàng sản xuất trong nước bất kể vốn đầu tư của ai và ưu tiên dùng hàng nội tức là không dùng hàng nhập lậu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới