Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng bá du lịch Việt, sao không “liệu cơm gắp mắm”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng bá du lịch Việt, sao không “liệu cơm gắp mắm”?

Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – Theo số mới ra của tạp chí Forbes, hiện mức đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam vào khoảng 2 triệu đô la Mỹ/năm. Con số này chỉ bằng 2,9% kinh phí đầu tư của Thái Lan, bằng 2,5% của Singapore và bằng 1,9% của Malaysia. Đây là sự chênh lệch quá lớn trong khi tiềm năng du lịch của Việt Nam hoàn toàn không thua kém các nước trong khu vực, và điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Quảng bá du lịch Việt, sao không “liệu cơm gắp mắm”?
Du khách nước ngoài trên đường phố Nha Trang. Ảnh: B.U


Giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch Thái Lan và Singapore có tốc độ tăng trưởng trung bình lần lượt 12%/năm và 10%/năm; trong khi đó, Việt Nam chỉ đạt 7%/năm, thấp hơn cả Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%). Sự thua kém về tăng trưởng này khó có thể nói là không chịu ảnh hưởng từ ngân sách quảng bá du lịch ít ỏi.

Forbes nhận định, mức kinh phí 2 triệu đô la Mỹ/năm đối với việc quảng bá du lịch trên phương diện quốc tế là không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như CNN.

Còn nhớ, cách đây ba năm, khi một công ty lữ hành Hàn Quốc làm clip quảng bá Nha Trang, rất nhiều người Việt đã phải ngỡ ngàng với vẻ đẹp của chính đất nước mình. Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không làm được những clip quảng bá du lịch thành công như vậy? Câu trả lời của ngành du lịch khi ấy vẫn là do “thiếu tiền”.

Trả lời trên báo điện tử VnExpress vào thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã nhận định rằng, việc quảng bá của du lịch Việt Nam còn hạn chế do thiếu kinh phí. Làm clip hay có thể phải tốn tới cả triệu đô la Mỹ song cả năm ngành du lịch được đầu tư chỉ khoảng 2,5 triệu đô la Mỹ.

Với mức đầu tư như hiện tại, hình ảnh Việt Nam được quảng bá ra nước ngoài chủ yếu là qua những lần tham gia hội chợ du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng; hoặc là tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo du lịch ở nước ngoài. Con số 2 triệu đô la Mỹ không đủ để quảng bá thường xuyên trên Star Movies, HBO, AXN… như cách người Malaysia đang làm (chương trình Truly Asia), quảng cáo dài kỳ trên YouTube, Facebook như người Singapore (chương trình Your Singapore), hay làm clip quảng cáo cuốn hút người xem như một công ty du lịch Hàn Quốc đã làm năm nọ. Kinh phí ít ỏi, du lịch Việt Nam cần có những hình thức quảng bá linh hoạt và “liệu cơm gắp mắm” hơn.

Người viết xin kể hai câu chuyện về hai cách quảng bá du lịch được cho là ít tốn kém, không phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Tổng cục Du lịch Singapore mới đây đã phát hành sổ tay du lịch dành riêng cho du khách Việt Nam. Nội dung cuốn sổ giới thiệu địa chỉ các điểm tham quan, nhà hàng, những câu nói phổ thông trong "tiếng Singlish", các thông tin về văn hóa, múi giờ, trung tâm hỗ trợ du khách ở Singapore… Tất cả đều được minh họa bằng những hình ảnh ngộ nghĩnh, vui mắt. Không ít du khách Việt khi xem cuốn sổ đã nhận xét rằng chỉ cần nhìn vào sổ là đã cảm thấy đây là một đất nước luôn tràn ngập những niềm vui, mới lạ và rất muốn quay lại đây lần nữa.

Trong một cuộc gặp gỡ, người viết đặt câu hỏi với ông Glenn Koh, Giám đốc Tổng cục Du lịch Singapore (STB) phụ trách khu vực ba nước Đông Dương, về kinh phí và cách thức làm một cuốn sổ tay như thế. Không cho biết số tiền cụ thể nhưng vị này cho hay, khá dễ dàng và không tốn nhiều chi phí, chỉ đơn giản là liệt kê những thông tin hữu ích, điểm đến tin cậy rồi trình bày sao cho du khách cảm thấy vui vẻ khi xem. Rõ ràng, thành công của cuốn sổ tay du lịch này không nằm ở tiền bạc, mà là ý tưởng và thể hiện bằng cách trình bày thú vị.

Sổ tay du lịch dành cho người Việt của Tổng cục Du lịch Singapore. Ảnh: B.U

Trong khi đó, ở TPHCM hay Đà Nẵng, vẫn có những cuốn sổ tay du lịch giới thiệu thắng cảnh Viêt Nam đặt ở sân bay. Nhưng đó luôn là những tờ giấy chi chit chữ, hình ảnh minh họa nghiêm túc đến mức khô khan. Các cuốn sổ tay du lịch ở Việt Nam hiện nay đều chỉ đơn giản là đóng vai trò thông tin. Người biên soạn hẳn đã quên mất một vai trò rất quan trọng khác của cuốn sổ: chiếc cầu nối đầu tiên với du khách, ấn tượng đầu tiên về địa điểm du lịch mà du khách sắp đến.

Sự thiếu ý tưởng trong cách định nghĩa và tiếp cận này cho thấy, chuyện quảng bá du lịch nhiều khi chưa được hiểu đúng bản chất. Nếu được đầu tư thêm về ý tưởng và thiết kế, sổ tay du lịch hẳn sẽ là một công cụ quan trọng cho việc quảng bá du lịch.

Một câu chuyện khác: Sihanoukville – một thành phố biển của Campuchia đang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế, trong đó có du khách Việt Nam. Bãi biển Sihanoukville có bãi cát trắng sạch, nước biển trong xanh nhưng đó không phải là cách để phân biệt Sihanoukville với một bãi biển sạch đẹp nào đó ở Thái Lan hay Việt Nam. Khác biệt là ở chỗ các quán ăn dọc bãi biển Serendipity ở Sihanoukville đều giống nhau với dãy ghế mây lót nệm và bàn ăn thắp nến. Trên Facebook, Instagram, chỉ cần nhìn bức ảnh một người đang ngồi trên chiếc ghế mây hình tròn to xụ phía trên có lót nệm, dân chuyên đi du lịch gần như đều đoán được đây chính là Sihanoukville. Chiếc ghế mây lúc này đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của vùng biển Campuchia. Không cần tốn kém nhiều, đây rõ ràng là cách xây dựng hình ảnh thông minh và phù hợp với nguồn lực ở địa phương này.

Cuốn sổ tay của Singapore hay chiếc ghế mây của Campuchia cho thấy có những cách xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch dựa nhiều vào trí tuệ hơn là tài chính. Điều quan trọng là chất xám được đầu tư đúng chỗ, ý tưởng tốt và phù hợp sẽ tạo ra một hình ảnh thương hiệu đặc trưng, khơi gợi niềm hứng thú cho du khách. Một sự vận dụng phù hợp khi tiền không có nhiều là điều cần thiết cho du lịch Việt lúc này, hơn là ngồi chờ kinh phí. Tiền thì đang thiếu, vậy chúng ta liệu đã tận dụng hết chất xám chưa?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới