Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng cáo thời khó khăn: 2008 – chưa giảm; 2009 – chưa biết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng cáo thời khó khăn: 2008 – chưa giảm; 2009 – chưa biết

Năm 2008, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng mức chi tiêu cho quảng cáo của các doanh nghiệp vẫn khá cao – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Để đối phó với khó khăn, khủng hoảng, một trong những biện pháp thường được các doanh nghiệp nhắc đến là thắt chặt chi tiêu. Theo logic, chi tiêu cho quảng cáo ắt cũng sẽ phải giảm mạnh, thế nhưng thực tế của năm 2008, ít nhất cho đến hết quí 3-2008, lại chưa phải như vậy.

>> Internet: phương tiện quảng cáo của “nhà nghèo”?

Các ngành tiêu dùng dẫn đầu

Công ty TNS Media qua cuộc khảo sát thường niên của mình đã đi đến kết luận: năm 2008, chi phí đầu tư vào quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Tại cuộc tọa đàm do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 27-11 vừa qua, bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Công ty TNS Media Việt Nam, cho biết tổng chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông (truyền hình, báo giấy, radio) trong năm nay đạt khoảng trên 500 triệu đô la Mỹ, tăng 17% so với năm 2007. “Về tổng quan, tuy mức độ tăng trưởng có giảm chút ít so với những năm trước nhưng tình hình không đến nỗi tệ như nhiều người vẫn nghĩ” – bà Mai phát biểu.

Mức độ tăng trưởng (về chi phí quảng cáo) của năm 2007, theo TNS Media, là 18% và những năm trước đó nữa là khá cao (năm 2006: 40%, 2005: 24%, 2004: 23%). Khảo sát của TNS Media cho thấy tại Việt Nam hầu hết các ngành nghề, ví dụ như sản phẩm vệ sinh – chăm sóc vẻ đẹp, bán lẻ, điện gia dụng… mức chi phí quảng cáo đều tăng, đặc biệt tăng cao ở một số ngành tiêu dùng hàng ngày như: viễn thông, dược phẩm, thực phẩm, thức uống…

Điều này cũng rất phù hợp với đặc điểm phần lớn các công ty nằm trong tốp 10 nhà quảng cáo lớn nhất (dựa trên chi phí quảng cáo đến quí 3-2008) đều là những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề nói trên, chẳng hạn: Unilever Việt Nam, P&G Việt Nam, Thiên Khánh Pharma (dược phẩm), Vinamilk, Dutch Lady Việt Nam, VMS-MobiFone, Tân Hiệp Phát (bia, nước giải khát), Nestle Việt Nam, Vinaphone.

Đáng lưu ý là trong số các doanh nghiệp có chi phí quảng cáo lớn nhất, một số công ty như Thiên Khánh Pharma, Vinamilk, VTC (phát thanh, truyền hình trực tuyến), VMS-MobiFone đã đầu tư vào quảng cáo với mức chi phí tăng vọt so với năm 2007.

Tăng trưởng chi phí quảng cáo

  

Chi phí quảng cáo theo ngành hàng

Chỉ riêng chi phí quảng cáo trên truyền hình, khảo sát còn cho thấy đường biểu diễn đồ thị tăng cao vào tháng 1-2008, giảm khá mạnh vào tháng 2-2008 nhưng từ đó lại quay đầu tăng cao một mạch suốt tám tháng tiếp theo và chỉ giảm bắt đầu bước sang giữa tháng 10.

Tuy nhiên, đường biểu diễn suốt gần cả năm bao giờ cũng ở mức cao hơn so với năm 2007. Giải thích điều này bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Công ty Quảng cáo Golden, cho rằng do những nhu cầu tiêu dùng thiết thực, hàng ngày của người dân vẫn tiếp tục tăng cao nên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này không thể cắt giảm, trái lại vẫn phải đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ.

Mặt khác, kế hoạch về quảng cáo, trong đó có chi phí đã được các doanh nghiệp sắp xếp, chuẩn bị từ năm 2007, khi khó khăn của nền kinh tế chưa xảy ra, vì vậy việc thực hiện kế hoạch vẫn được đảm bảo duy trì trong năm 2008.

Tuy nhiên, nguyên nhân có lẽ còn phải tính đến một thực tế nữa, đó là làn sóng đầu tư ồ ạt vào Việt Nam (chỉ trong 11 tháng đầu năm2008, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 60 tỉ đô la Mỹ, gấp ba lần so với cả năm 2007), đặc biệt là đối với các ngành bán lẻ, phân phối kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO và mở cửa theo lộ trình cam kết với tổ chức này. Với những doanh nghiệp mới thành lập, ngân sách dành cho quảng cáo, tiếp thị bao giờ cũng chiếm tỷ lệ đáng kể trong chi phí đầu tư.

Kết quả khảo sát cũng cho hay chỉ có tài chính – ngân hàng và du lịch – phương tiện vận chuyển, hai ngành bị tác động nhiều bởi suy thoái kinh tế là có sự suy giảm về quảng cáo.

Năm 2009: tăng hay giảm?

Theo dự báo của bà Trần Thị Thanh Mai, năm 2009 sẽ là một năm khó khăn của ngành quảng cáo nhưng khó khăn ở mức độ nào thì chưa thể đưa ra nhận định. “Mỹ, châu Âu suy thoái đã bộc lộ rõ. Nhưng riêng châu Á – Thái Bình Dương, ngay cả các chuyên gia cũng chưa biết sẽ ra sao. Tất cả còn đang chờ đợi vào các động thái, quyết định của thị trường Trung Quốc”.

Theo bà Mai, nếu trong trường hợp kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương được cứu vãn và không rơi vào suy thoái nghiêm trọng thì mức tăng trưởng về chi phí quảng cáo của Việt Nam vào năm tới được dự báo là sẽ đạt khoảng 8% (so với 2008).

Trong khi đó, ông Nguyễn Quý Cáp, Giám đốc Công ty Quảng cáo Trẻ, lại cho rằng nền kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành quảng cáo nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi tăng trưởng chậm lại thì chi phí đầu tư cho quảng cáo chắc chắn cũng phải bị thu hẹp. “Chẳng hạn như Unilever, tôi nghe nói, có khả năng sắp tới họ sẽ cắt giảm 40% chi phí quảng cáo” – ông Cáp dẫn chứng.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác ông Cáp cho rằng đây chính là thời cơ cho các doanh nghiệp tận dụng để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Bà Nguyễn Hoàng Anh cũng có ý kiến tương tự: “Với những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh thì điều này càng tạo cơ hội cho họ tranh thủ thu hút khách hàng, khuyếch trương thương hiệu. Họ sẽ giành được thị phần đáng kể khi kinh tế trở lại hồi phục”.

Điều quan trọng, theo các ý kiến, là các doanh nghiệp phải cân nhắc, lựa chọn cách quảng cáo, loại phương tiện quảng cáo sao cho hiệu quả. “Các doanh nghiệp nước ngoài khi chi tiêu, họ kiểm soát và dựa trên các dữ liệu đánh giá rất khoa học. Trong khi các doanh nghiệp trong nước phần nhiều vẫn dựa trên cảm tính, thấy kênh truyền hình nào hay hay thì đưa lên chứ không dựa vào số liệu, khảo sát gì cả”- bà Mai nhận xét.

Theo TNS Media, trong số các phương tiện truyền thông thì truyền hình vẫn dẫn đầu, chiếm 76,9% chi phí quảng cáo, kế đến là báo in: 22,8% và phần còn lại 0,3% thuộc về phát thanh.

Tuy nhiên, bà Mai cũng nhấn mạnh là đang có sự chuyển dịch trong cơ cấu quảng cáo. Thay vì quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo truyền thống thì gần đây các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng những loại hình, dịch vụ quảng cáo mới, chẳng hạn các kênh truyền hình mới trong nước, kể cả truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số hay các kênh truyền hình nước ngoài, các ấn phẩm báo chí mới, các phương tiện quảng cáo mới như điện thoại di động, OOH LCD, Internet…

Ví dụ, theo bà Mai, trong năm 2008, một phần chi phí quảng cáo của P&G Việt Nam đã được phân bổ vào truyền hình cáp.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình, bà Nguyễn Vũ Thanh Thảo, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông Công ty cổ phần Ô tô Âu Châu, cho rằng do tình hình khó khăn, kế hoạch quảng cáo có thể sáu tháng được xem xét lại chứ không nhất thiết phải thực hiện nguyên xi như kế hoạch cả năm dự kiến lúc đầu. Công ty cũng đã chuyển sang sử dụng những hình thức quảng cáo ít tốn kém hơn nhưng không kém phần hiệu quả như PR trên các báo, quảng cáo trực tiếp tới khách hàng bằng e-mail, tờ rơi…

NGUYÊN TẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới