Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam: Doanh nghiệp chuẩn bị cho một nền kinh tế xanh sau Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng Nam: Doanh nghiệp chuẩn bị cho một nền kinh tế xanh sau Covid-19

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp du lịch tại Hội An và tỉnh Quảng Nam nói chung đang cùng nhau phát triển sản phẩm hữu cơ, gắn với thiên nhiên, không chỉ để tháo gỡ khó khăn do Covid-19 gây ra hiện nay mà còn tạo đà phát triển kinh tế xanh khi bệnh dịch qua đi.

Heal Organic Farm ra đời trong khủng hoảng Covid-19, hy vọng là một hướng đi mới trong tương lai để Hội An và Quảng Nam phát triển bền vững. Nguồn: Heal Organic Farm

Trồng rau, nuôi trùn

Anh Phan Xuân Thanh – Tổng giám đốc Emic Hospitality Hội An (tỉnh Quảng Nam), công ty chuyên kinh doanh ẩm thực sử dụng sản phẩm hữu cơ – chia sẻ doanh nghiệp của ông không trụ lâu được nữa nếu tình hình dịch bệnh này kéo dài.

Nhưng thay vì ngồi chờ bệnh dịch qua đi và hỗ trợ rõ ràng từ Chính phủ, ông cùng một số người khác lập ra Heal Organic Farm, trồng và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nhà hàng.

Được giới thiệu đến công chúng cách đây không lâu, Heal Organic Farm chọn hướng đi trồng nhiều loại rau, củ, quả, thậm chí là hoa theo phương pháp hữu cơ với sự chung tay giúp sức của những người có kinh nghiệm về nông nghiệp lẫn sinh học và kinh doanh.

Hiện nay, hằng ngày, trang trại Heal đều có thông báo về những sản phẩm hữu cơ mới kèm với giá bán cụ thể để phục vụ người tiêu dùng cũng như các đơn vị kinh doanh muốn mua số lượng lớn.

Ví dụ, vào ngày 10-4, trang trại lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường sản phẩm đậu phụng hữu cơ được chăm sóc và trồng theo phương pháp hữu cơ với giá 40.000 đồng/kg đậu phụng sống và 60.000 đồng/kg đậu phụng đã luộc.

Bên cạnh đó, Heal cũng giới thiệu danh sách gần 20 sản phẩm khác với số lượng cụ thể theo ngày, như ba bó rau muống (mỗi bó 0,35kg) được bán với giá 10.000 đồng/bó hay 2kg nha đam tươi nguyên bẹ với giá bán là 20.000 đồng/kg.

Ra đời cách đây ba năm, An Farm Hội An là một trong những trang trại “có tiếng” hiện nay tại Hội An về trồng và kinh doanh rau hữu cơ.

An Farm Hội An phát triển mọi thứ bằng phương pháp hữu cơ và tập trung vào cải thiện sức khỏe của đất, ổn định hệ sinh thái. Việc làm khô bằng máy sấy sử dụng năng lượng mặt trời trong khi việc đóng gói và bảo quản không sử dụng bất kỳ hóa chất nào.

Hiện nay, trong thời điểm khó khăn, An càng đẩy mạnh trang trại và hiện đang trồng và cho thu hoạch hơn 20 sản phẩm.

Khác một chút so với Heal, thế mạnh của An là các loại thảo mộc. Hiện nay, An đang giới thiệu bảy loại trà thảo mộc và ba loại nước trái cây mùa hè để người tiêu dùng sử dụng, tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, An đã tự pha chế nước ép atiso đỏ, siro hoa đậu biếc, siro dâu tằm cùng với đường phèn, mật ong với giá trị 70.000 đồng/chai 500ml.

Trong khi đó, ông Phạm Vũ Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho hay đã làm “bạn” với trùn quê được hơn hai tháng nay khi công việc kinh doanh chính của anh bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hằng ngày, anh cùng nhân viên của mình đi ra chợ, thu gom rác hữu cơ từ các sạp tại chợ Cẩm Châu, Hội An làm nguồn chính nuôi trùn quế để làm phân compost (hữu cơ). Bước đầu cho kết quả rất tốt tại Kybimơ Garden sau gần hai tháng triển khai. Và anh càng thấu hiểu tấm quan trọng của xử lý rác thải.

Cũng giống như Heal và An, Kymibơ Garden hằng ngày cũng đưa ra thị trường cả chục loại rau củ quả khác nhau. Như hôm 9-4, vườn anh có thu hoạch cà chua với giá 30.000 đồng/kg, cà tím 20.000 đồng/kg hay cải xanh 10.000 đồng/bó 500gram.

Kinh tế xanh: chuyện không của riêng ai

Anh Phan Xuân Thanh, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chia sẻ dịch bệnh Covid-19 làm tê liệt ngành du lịch, không chỉ đối với Hội An, Quảng Nam, Việt Nam mà còn bao phủ khắp các châu lục khác. Sau làn sóng kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, du lịch đóng băng, sốc phản vệ vì Covid-19, doanh nghiệp du lịch áp dụng ngay kịch bản ứng phó để giảm thiểu thiệt hại, tối ưu hóa các hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí vận hành.

Giờ đây doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Nam tư duy để tồn tại và thích ứng để phát triển.

Làng rau Trà Quế, Hội An, đang làm mới mình, phát triển nông nghiệp sạch để vừa phục vụ khách du lịch vừa đảm bảo nguồn thu nhập cho nông dân. Ảnh: Nhân Tâm

Vấn đề đặt ra là lựa chọn sản phẩm nào phù hợp cho sự đột phá trong khó khăn, tư duy nào cho sản phẩm truyền thống hay đổi mới hướng tới tiêu chí chất lượng và đặc sắc để có thể đón khách ngay khi kết thúc dịch Covid-19,  đó là những điều mà những doanh nhân làm du lịch tại Quảng Nam phải nỗ lực tự đặt ra cho mình để tồn tại, phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Từ hiệu ứng của cuộc hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam 2019 – Du lịch không rác thải nhựa” do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khởi xướng trong năm qua cũng như sau đó là Tọa đàm “Làm sao để Hội An tốt hơn” phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đã tạo cảm hứng và truyền tải thông điệp cho phát triển du lịch xanh trong tương lai của ngành du lịch Quảng Nam. Từ đó, thúc đẩy giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm du lịch xanh -bền vững trong phạm vi tuần hoàn vì lợi ích kinh tế.

“Du lịch nông nghiệp sạch, du lịch xanh – kinh tế tuần hoàn là hướng đi đầy thách thức  không hề giản đơn cho những doanh nghiệp tiên phong vì đòi hỏi sự bền chí và kiên định trên con đường chông gai kiến tạo hướng đi mới, tạo hấp lực đối với dòng khách du lịch chất lượng cho doanh nghiệp, cho điểm đến ngay khi dịch kết thúc”, anh Thanh nói và chia sẻ thêm doanh nghiệp phải kiên trì theo thời gian, tập trung năng lượng và cả tâm huyết trau chuốt dòng sản phẩm của mình thì mới có thể đáp ứng thị trường du lịch khó tính và chất lượng trong thời gian đến.

Được biết ngoài các mô hình kể trên, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng hỗ trợ, tư vấn cho một số mô hình khác của các thành viên như Hội An Chic Villa, The Field, Silk Sence Resort, Làng Thanh Đông với nông nghiệp hữu cơ hay An Nhiên Farm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới