Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam: không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70% vào 2030

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đến năm 2030, khoảng 75% dân số tại Quảng Nam tham gia mua sắm trực tuyến; trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Đến năm 2045, các con số tương ứng lần lượt là 90% và 85%.

Một siêu thị tại Hội An. Ảnh: Nhân Tâm

Đây là những mục tiêu mà tỉnh Quảng Nam đặt ra trong kế hoạch “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” vừa được công bố.

Theo kế hoạch này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Quảng Nam sẽ đạt khoảng 236 nghìn tỉ đồng vào năm 2030 và 2.833 nghìn tỉ đồng đến năm 2045.

Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra 10 giải pháp để thực hiện, trong đó tập trung vào chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu về thanh toán không dùng tiện mặt.

Cụ thể, Quảng Nam sẽ chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống và cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại trong vòng 5 năm tới theo hướng phát triển trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị, cửa hàng bán lẻ hoạt động theo mô hình hiện đại.

Tỉnh kêu gọi doanh nghiệp và tổ chức ứng dụng mô hình quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website bán hàng điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội (facebook, zalo,…); thí điểm và triển khai nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Vpostcode, các ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics.

Khu vực nông thôn sẽ được hỗ trợ và vay vốn để thực hiện thương mại điện tử, đưa hàng hóa khu vực nông thôn lên các sàn thương mại điện tử.

Các hình thức kết nối cung – cầu, liên kết giữa  các cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp bán buôn sẽ được “số hóa” bên cạnh tạo nguồn hàng sản xuất nội địa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá  cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu cung ứng cho thị trường, giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Quảng Nam cũng sẽ hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản đảm bảo tính bền vững gắn với ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn  gốc, phù hợp với điều kiện, đặc trưng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và yêu  cầu của thị trường.

Và để tạo cơ sở cho vấn đề chuyển đổi số, tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ, phần mềm, sản phẩm công nghệ vào thương mại dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho thương mại dịch vụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới