Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quảng Nam tìm hướng phát triển dựa trên chuyển đổi số

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp được đưa ra tại hội thảo về chuyển đổi số diễn ra chiều nay, 10-10, tại tỉnh Quảng Nam nhằm tìm ra định hướng về phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở để tỉnh miền Trung này lập kế hoạch phát triển sau này.

Hội thảo về chuyển đổi số tại Quảng Nam chiều nay 10-10 thu hút nhiều ý kiến. ẢNh: Nhân Tâm

Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam”, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho hay, thế kỷ 21 là thế kỷ của hai cuộc chuyển đổi quan trọng nhất. Đó là “chuyển đổi xanh” và “chuyển đổi số”.

“Muốn xanh thì phải số”, ông Phúc ví von. “Chuyển đồi số sẽ là động lực chính của sự phát triển. Chúng tôi đề xuất Quảng Nam xem xét quan điểm chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh Quảng Nam”.

Ông đưa ra gợi ý Quảng Nam có thể phát triển kinh tế số trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, du lịch và nông nghiệp bên cạnh phát triển chính quyền số để làm bệ đỡ cho kinh tế số.

Về vấn đề chuyển đổi số trong du lịch, theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, đến nay hệ thống phần mềm du lịch thông minh đã cơ bản hoàn thành việc cập nhật hệ thống quản lý dữ liệu của Du lịch Quảng Nam. Hệ thống này được sử dụng tại Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Nam, có khả năng chia sẻ, dùng chung cho các ứng dụng, dịch vụ du lịch của tỉnh và cả nước. Đến nay, hệ thống du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam đã cập nhật 956 dữ liệu tiện ích, 600 dữ liệu cơ sở lưu trú, 283 dữ liệu về lữ hành, gần 41 dữ liệu về 3D, video clip. Lĩnh vực quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch đã cập nhật thông tin thường xuyên.

“Mặc dù vậy, không phải điểm du lịch nào cũng tiếp cận được những công nghệ hiện đại để phục vụ nhu cầu của du khách. Một số khu di tích, điểm du lịch vẫn chưa có những ứng dụng hiện đại để phục vụ và tiếp cận du khách”, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nói và cho biết thêm ngành du lịch rất cần những ứng dụng công nghệ phát triển theo hướng du lịch thông minh để giải quyết vấn đề này.

Cũng tại hội thảo, đại diện các đơn vị Công ty TNHH dịch vụ công nghiệp The One, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT đã chia sẻ nhiều thông tin, giải pháp thực tế về chuyển đổi số gắn với các lĩnh vực quan trọng như phát triển đô thị thông minh, y tế tại Quảng Nam. Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND huyện Bắc Trà My, UBND xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An) cũng thông tin về một số mô hình, kết quả bước đầu trong công tác chuyển đổi số của đơn vị.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chuyển đổi số (CĐS) là cả quá trình, luôn biến động nên phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Chuyển đổi số khác với một sự việc cụ thể vì vậy việc triển khai chuyển đổi số đã và đang gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức đến hạn chế về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng, an toàn thông tin… Định mức trong thực hiện một số nhiệm vụ chuyển đối số, quy định như thế nào là thành phố thông minh, số cơ chế, chính sách, quy định về giải quyết thủ tục hành chính hiện nay còn chưa phù hợp việc triển khai thực hiện trên môi trường điện tử là những vướng mắc khác.

Du khách quốc tế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Việc thúc đẩy kinh tế số được cho là sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế tại Quảng Nam, bao gồm du lịch. Ảnh: Nhân Tâm

Vì vậy ông Bửu cũng đề xuất Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về chuyển đổi số; triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn trực tuyến về CĐS; đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu CĐS; thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh…

Được biết, Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình thiết thực như mô hình “Công dân không viết” hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, niêm yết bộ thủ tục hành chính và hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến bằng mã QR, việc đăng ký hẹn giờ giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp, đăng ký lịch khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, CĐS bằng Bản đồ thực thi thể chế…

Năm 2021, theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ TT-TT công bố, Quảng Nam xếp vị thứ 25/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 khu vực miền Trung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới