Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quanh con số tăng trưởng GDP 6,23%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quanh con số tăng trưởng GDP 6,23%

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty An Lạc. Năm 2008 xuất khẩu suy giảm đã ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Khi con số tăng trưởng GDP 6,23% được công bố, cảm nhận của nhiều người là “sốc” và ngỡ ngàng. Một vị lãnh đạo cấp cục của Tổng cục Thống kê cho biết bản thân Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng bất ngờ với con số này.

Đã “quen” với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7,5% trong nhiều năm liền, từ đỉnh cao 8,48%, cỗ xe kinh tế năm 2008 đã tuột dốc mạnh tới mức xóa sạch những “hồ hởi” của nhiều năm trước đó.

So với năm 2007, GDP năm 2008 kém hơn tới 2,25 điểm phần trăm.  Nhưng dù đã “chuẩn bị” trước cho một con số tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu điều chỉnh 7% (mục tiêu tăng trưởng GDP hồi đầu năm đặt ra là từ 8,5-9%), diễn biến GDP năm 2008 có hiện tượng nằm ngoài quy luật, khiến cho việc dự báo trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ở những năm nền kinh tế tăng trưởng đi lên trước đây, GDP thường tăng dần từ quí 1 đến quí 3 và tăng mạnh trong quí 4. Riêng năm 2008, GDP thay đổi tốc độ liên tục. Với quí 1 tăng 7,4% đã báo hiệu sự đi xuống của con số tăng trưởng, quí 2 đã chứng kiến một bước “lùi” mạnh mẽ của GDP, kéo con số của sáu tháng đầu năm xuống còn 6,5%.

Tuy nhiên, trong quí 3, GDP bất ngờ có sự phục hồi và nhiều nhận định đã tỏ ra lạc quan hơn vì cho rằng có thể tăng trưởng sẽ theo quy luật tăng trở lại vào ba tháng cuối năm. Nhưng thành quả tăng trưởng 6,52% của chín tháng đầu năm đã không được “phát huy” trong những tháng còn lại, và con số 6,23% cả năm là do sự giảm tốc của quí 4.

Tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP của bốn quí trong năm qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đối với quí 1, nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là bước chuyển tiếp, kế thừa của năm 2007. Khi đó, tốc độ đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng… đều có sự “bứt phá” mạnh mẽ sau một năm tăng trưởng tới 8,48%.

Tuy nhiên, đến quí 2, nền kinh tế đã bắt đầu suy giảm khi giá cả leo thang, tiêu dùng đã có dấu hiệu giảm sút và đầu tư bị thắt chặt. Đến quí 3, có nguyên nhân từ hiệu quả điều chỉnh các chính sách vĩ mô, có nguyên nhân lạm phát bắt đầu suy giảm, nguyên nhân tâm lý đã bắt đầu ổn định nên tăng trưởng được “hỗ trợ” đã bứt phá đi lên. Nhưmg đến quí 4, tác động mạnh từ suy giảm kinh tế thế giới khiến xuất khẩu và tiêu dùng cuối cùng giảm mạnh, báo hiệu thời kỳ nền kinh tế đi vào đình trệ.

Trong cả thời kỳ, chính sách tiền tệ đi từ thắt chặt sang nới lỏng; chính sách lãi suất cũng theo đó đi từ duy trì mức cao để hạn chế tiền trong lưu thông sang giảm mạnh để kích thích chi tiêu; chính sách vĩ mô từ kiềm chế lạm phát và ngăn ngừa tiêu dùng xa xỉ sang kích cầu đầu tư và tiêu dùng… Nhưng với độ trễ của chính sách, tác động đến tốc độ tăng trưởng được nhận định sẽ chưa nhiều trong năm nay.

Trở lại với con số tăng trưởng GDP 6,23% của năm 2008, đóng góp vào mức tăng trưởng này, ba trụ cột là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng cuối cùng, đều tăng mạnh về giá trị. Tuy nhiên, đầu tư và tiêu dùng, dù đều tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn thể hiện sự kém hiệu quả trên một số khía cạnh.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện/GDP năm 2008 tăng 43,1%, giảm chút ít so với con số thống kê tương ứng của năm 2007 là 45,6%, nhưng về giá trị theo giá hiện hành, con số của năm nay đã tăng 22,2% so với năm trước đó. Nếu loại trừ yếu tố giá, tỷ lệ tăng của năm nay là 7,67%, tức là vẫn cao hơn tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, hệ số ICOR năm 2008 lại lên rất cao, trên 7 nếu theo con số không chính thức phát đi từ Tổng cục Thống kê (một số nơi cho rằng khoảng 6,9). Con số này cao hơn nhiều so với 5,4 của giai đoạn 2006-2007.Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù vốn đầu tư năm 2008 tăng mạnh về giá trị, khoảng 637.300 tỉ đồng, nhưng đóng góp vào tăng trưởng GDP giảm nhiều so với giai đoạn trước đó, thể hiện ở hiệu quả vốn đầu tư.

Cũng liên quan đến đầu tư, lượng hàng tồn kho năm nay chiếm tới trên 5% GDP, tương đương 4-5 tỉ đô la (trong khi các năm trước chỉ khoảng 2-3% GDP). Có nghĩa là hàng hóa không bán được và sản xuất đi vào đình đốn. Về xuất khẩu, mức tăng 29,5% của năm 2008 đã cao hơn rất nhiều con số 21,5% của năm 2007. Tuy đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhưng năm 2008 có sự “đóng góp” rất lớn của giá hàng xuất khẩu tăng cao.

Nếu loại trừ yếu tố giá thì xuất khẩu năm 2008 chỉ tăng 5,6%, thấp hơn mức tăng trưởng GDP. Mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là dầu thô, sản lượng đã giảm trên 1 triệu tấn so với năm 2007, chỉ đạt khoảng 13,9 triệu tấn. Nhưng xét về giá trị, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng 23,1% so với năm trước đó. Các mặt hàng chủ lực khác như dệt may, giày dép, thủy sản… liên tục phải điều chỉnh giảm kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Nhập siêu mặc dù đã giảm mạnh vào nửa cuối năm nhưng tổng kết lại vẫn đạt khoảng 17,5 tỉ đô la, bằng 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cao hơn rất nhiều so với kỷ lục của năm 2007 là 14,2 tỉ đô la. Nếu tính cả dịch vụ, nhập siêu năm 2008 ước đạt 18,3 tỉ đô la.

Với trụ cột còn lại, tiêu dùng, năm 2008 tốc độ tăng trưởng cũng đạt 31%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng tiêu dùng vẫn còn 6,5%, cao hơn tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, tiêu dùng tăng cao hơn GDP thể hiện tích lũy và để dành kém. Điều này không có lợi cho tăng trưởng bền vững.Nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2008, con số tăng trưởng 6,23% là bất thường, nhưng có thể hiểu được.

TƯỜNG LAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới