Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quay về cơ chế thỏa thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quay về cơ chế thỏa thuận

Tâm Dân

(TBKTSG) – Trước khi bàn về chủ đề dự báo lãi suất cho năm 2012, thiết nghĩ cần quay trở về với bối cảnh điều hành lãi suất của năm vừa qua. Mặc dù có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau, nhưng vẫn có thể khẳng định, năm 2011 về tổng thể, lãi suất đã được vận dụng khá thành công trong tư cách là công cụ “át chủ bài” nhằm góp phần kiềm chế lạm phát cao.

Lãi suất, trên thực tế đã đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, bao trùm lên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, trăn trở với những lo toan của doanh nghiệp, gắn với nhiều “bi kịch vỡ nợ”, trở thành phép thử quan trọng để thẩm định năng lực ứng phó, thích nghi của nền kinh tế, cũng như hiệu lực điều hành chính sách của các cơ quan hữu trách. Đặc trưng rõ nhất của cơ chế điều hành lãi suất năm 2011 chính là sự mở rộng đáng kể tầm mức ảnh hưởng của các biện pháp hành chính, áp đặt trần huy động nội và ngoại tệ, chấp nhận lãi suất thực âm ngay cả khi chỉ số giá cả năm đã vượt qua lãi suất trần (ước tính xấp xỉ 19%/14%).

Năm 2012, hai nội dung điều hành quan trọng là tiếp tục bình ổn kinh tế vĩ mô đi đôi với triển khai tái cơ cấu nền kinh tế, kết hợp với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính vì vậy, lãi suất vẫn là công cụ điều hành quan trọng nhất hướng đến phục vụ những mục tiêu này. Hiện đang có nhiều luồng ý kiến tranh luận về việc có nên giảm lãi suất ngay trong khi áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng?

Ở đây, có hai biến số cần phân tích: Lạm phát/tốc độ tăng trưởng kinh tế. Rút kinh nghiệm của năm 2011, cần lưu ý hai thời điểm quan trọng, vừa mang tính “thời vụ”, vừa có ảnh hưởng quyết định đến “chuỗi lạm phát” cả năm, đó là quí 1 và quí 2. Dữ liệu minh họa năm 2011 cho thấy:

Quay về cơ chế thỏa thuậnNhư vậy, tính riêng hai quí đầu năm 2011, chỉ số giá đã lên đến hai con số và chiếm đến 85% “dung lượng lạm phát” cả năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ bằng khoảng một phần ba tốc độ trượt giá, chứng tỏ sức ép lạm phát trong sáu tháng đầu năm là rất lớn. Đây là nguyên nhân cơ bản gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường, kích thích thêm kỳ vọng lạm phát, khiến cho lãi suất huy động và cho vay khó có thể kìm hãm như mong muốn. Để có thể giảm dần lãi suất trong năm 2012, trước hết cần tiếp tục duy trì quyết tâm, cũng như các thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát đã đề ra, thực hiện điều hành kiên quyết để tránh lập lại hiện tượng “lạm phát thời vụ” như năm 2011. Trong tình huống dữ liệu kinh tế quí 1-2012 trở nên sáng sủa hơn thì hoàn toàn có khả năng đưa ra quyết định điều chỉnh giảm dần lãi suất cho phù hợp.

Năm 2012 cần xác định phấn đấu đưa lãi suất trở về vận hành theo cơ chế thỏa thuận, dỡ bỏ các biện pháp áp đặt mang tính hành chính. Tuy nhiên, việc công bố định hướng giới hạn tổng phương tiện thanh toán cũng như kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng quy mô tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế, gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cần được duy trì nghiêm túc nhằm bảo đảm các cân bằng vĩ mô và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sớm đoạn tuyệt với vòng xoáy lẩn quẩn của mô hình cũ: Tăng trưởng nóng > Đầu cơ nóng > Lạm phát cao > Lãi suất cao > Hiệu quả thấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới