Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quay về thị trường trong nước: Chậm còn hơn không

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quay về thị trường trong nước: Chậm còn hơn không

Ông Trương Đình Tuyển

(TBKTSG) Trong cuộc trao đổi với TBKTSG về các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước, nguyên Bộ trưởng Thương mại TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN thừa nhận việc các doanh nghiệp phải “quay về” với thị trường nội địa trong tình hình xuất khẩu khó khăn hiện nay là muộn nhưng cần thiết.

TBKTSG: Việc quay về với thị trường nội địa không xuất phát từ nhu cầu nội tại của doanh nghiệp, mà do sức ép của suy thoái kinh tế, thưa ông?

– Ông TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN: Đúng là trước tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, (theo dự báo của IMF thương mại thế giới năm 2009 giảm 2,8%), thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, cùng với việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, các doanh nghiệp phải quay về với thị trường nội địa, và trong nhiều trường hợp thị trường này trở thành “cứu tinh” cho doanh nghiệp. Sự “trở về” như vậy là muộn.

TBKTSG: Cách đây 13 năm, Nghị quyết 12 đặt vấn đề tập trung cho thị trường trong nước. Sự chậm trễ nói trên phải chăng là do nhận thức chưa đúng và chúng ta quá ưu tiên cho xuất khẩu?

– Tiếc rằng, do nhận thức chưa đầy đủ vai trò của thị trường nội địa đối với nền thương mại nước nhà và với từng doanh nghiệp nên chúng ta (gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp) đã không quan tâm phát triển khu vực thị trường này.

Mặt khác, cũng cần thấy rằng với áp lực phải tạo ra nhiều ngoại tệ để bảo đảm nhập khẩu phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chính sách của chúng ta thường hướng về khuyến khích xuất khẩu, làm cho hoạt động của các doanh nghiệp thiếu sự “cân bằng” cần thiết.

Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn đã không xác lập được chỗ đứng trên thị trường trong nước, để cho hàng ngoại xâm nhập.

TBKTSG: Vậy theo ông, hệ quả của chính sách tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như thế nào khi xảy ra khủng hoảng?

– Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, việc quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu cũng làm giảm tính bền vững của nền kinh tế.

Cần nhận thức rằng, việc quan tâm phát triển thị trường nội địa không phải chỉ vì yêu cầu trước mắt khi kinh tế thế giới suy giảm, mà còn là chiến lược lâu dài, nhất là với một nước có quy mô dân số trên 86 triệu người như nước ta, với doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ năm 2008 đã ở mức 986.000 tỉ đồng (khoảng 58 tỉ đô la Mỹ) và tốc độ tăng luôn cao hơn tốc độ tăng GDP.

TBKTSG: Ông đánh giá thế nào về chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% mà Quốc hội đề ra cho năm nay?

– Đây là một chỉ tiêu rất cao trong bối cảnh những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta (Mỹ, EU, Nhật Bản) đều rơi vào suy thoái nặng nề. Trong khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-1999, xuất khẩu của nước ta năm 1998 chỉ tăng 0,4% và năm 1999 là 11,6%. Nhưng khủng hoảng lúc đó không nghiêm trọng như lần này, kinh tế nước ta cũng chưa hội nhập sâu rộng như bây giờ.

Xuất khẩu hai tháng đầu năm nay ước đạt chỉ 8 tỉ đô la Mỹ, xấp xỉ 95% so với cùng kỳ. Như vậy, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% không phải dễ và phải phấn đấu rất quyết liệt. Tuy nhiên, xuất khẩu khó khăn nhưng nhập khẩu cũng giảm và tỷ lệ nhập siêu sẽ không cao như năm2008.

TBKTSG: Thưa ông, có thể coi bối cảnh hiện nay là một cơ hội để sàng lọc và thử thách doanh nghiệp không?

– Không ai muốn một sự sàng lọc kiểu này cả. Đây là hậu quả của sự buông lỏng quản lý của chính phủ những nước vốn theo quan điểm thị trường tự điều tiết, trước hết là Mỹ; lòng tham của các tổ chức tài chính; và những bấp cập trong các định chế quản lý và giám sát thị trường.

Chúng ta muốn có một cuộc sàng lọc văn minh và lành mạnh hơn, là đặt toàn bộ nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nếu có sự hủy diệt mang tính sáng tạo thì cũng phải là sự hủy diệt trong cơ chế đó.

TBKTSG: Nhưng nó cũng giúp doanh nghiệp nhận thức đúng về giá trị của một thị trường 86 triệu dân với dân số đa phần là trẻ?

– Đúng. Chúng ta muốn các doanh nghiệp nhận thức rằng thị trường trong nước là cơ sở. Muốn cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài trước hết phải cạnh tranh được ở thị trường trong nước và các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển cân bằng hơn, nhất là ở một nước có thị trường nội địa nhiều tiềm năng như nước ta, nơi các nhà phân phối nước ngoài đang sẵn sàng “đổ bộ”.

TBKTSG: Đây là cuộc cạnh tranh bất lợi cho các nhà sản xuất, phân phối của Việt Nam. Theo ông đâu là “vũ khí” mà họ cần tận dụng?

– Khi đàm phán gia nhập WTO, Mỹ và các nước yêu cầu Việt Nam mở cửa nhanh hơn và sâu rộng hơn những cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ nhưng chúng ta không chấp nhận. Như vậy, nếu các doanh nghiệp nhận thức được sức ép cạnh tranh, có kế hoạch chiếm lĩnh thị trường nội địa sớm hơn thì tình hình đã khác. Saigon Co.op là một ví dụ tốt về ý thức phát triển thị trường nội địa. Rất tiếc là có quá ít doanh nghiệp làm được như Saigon Co.op. Nhưng chậm còn hơn không.

Doanh nghiệp nước ta cũng có những ưu thế mà doanh nghiệp nước ngoài không có hoặc chưa có. Đó là sự hiểu biết văn hóa tiêu dùng của người dân và có nhiều phương thức tổ chức thị trường phù hợp với nhiều đối tượng dân cư có mức thu nhập khác nhau để tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Việc thiết lập các mối liên kết giữa người sản xuất với nhà phân phối và giữa các nhà phân phối với nhau cũng dễ dàng hơn, miễn là các bên tôn trọng lợi ích của nhau.

TBKTSG: Có nhiều nghịch lý đang tồn tại. Chẳng hạn người tiêu dùng phải ăn hoa quả Trung Quốc, siêu thị thì đầy đồ uống Thái Lan, còn các hộ chăn nuôi phải mua thức ăn gia súc nhập khẩu…

– Nhiều mặt hàng có thể tiêu thụ tốt trong nước như quần áo, gốm sứ, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, hoa quả, đồ uống, thiết bị điện và điện tử… Nhu cầu thị trường trong nước ngày càng lớn nhưng các nhà sản xuất Việt Nam lại ít quan tâm khai thác và đang bị hàng nhập khẩu lấn át.

Thật là nghịch lý, ở một nước nông nghiệp có bờ biển dài trên 3.000 ki lô mét rất có điều kiện để phát triển ngành sản xuất thức ăn gia súc và cho nuôi trồng thủy sản, nhưng mỗi năm ta phải nhập khẩu hơn 2 tỉ đô la thức ăn gia súc và thủy sản, và không có nhiều nhà sản xuất trong nước đầu tư vào các lĩnh vực này. Tôi nghĩ trước tiên phải quan tâm mới có cách làm tốt nhất để từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh cho các ngành sản xuất trong nước.

TBKTSG: Theo ông, các nhà sản xuất nên làm gì để tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời giảm dần công đoạn lắp ráp và xuất khẩu thô?

– Đúng là ta còn xuất khẩu nhiều sản phẩm ở dạng thô như dầu mỏ, quặng sắt, ti tan… Vấn đề đối với nhiều sản phẩm chế biến của ta hiện nay chủ yếu là gia công, tức là làm theo mẫu mã, thậm chí cả nguyên liệu của nước ngoài và như vậy không có thương hiệu của riêng mình. Điều này chẳng những khiến ta phụ thuộc rất nhiều vào bên đặt gia công mà giá trị gia tăng (GTGT) cũng rất thấp.

Trong chuỗi giá trị của sản phẩm, GTGT giảm dần từ nghiên cứu triển khai – thiết kế và tạo mẫu – sản xuất, chế tạo linh kiện và cuối cùng là lắp ráp. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang lắp ráp cho các doanh nghiệp nước ngoài, còn khâu phân phối ở thị trường do nước ngoài thực hiện.

Vì thế, phải quay về thị trường nội địa, tổ chức các mạng phân phối không chỉ để chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn góp phần làm tăng GTGT cho doanh nghiệp, làm cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp, một yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu.

THÀNH TRUNG thực hiện

Mở ổ khóa đang bị kẹt

Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước nhằm tiếp tục mở rộng và khai thác tốt hơn nữa thị trường nội địa. Đề án này dự kiến sẽ được triển khai ngay trong quí 1 nhằm thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ và Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết hiện tại tốc độ tăng trưởng của hầu hết các ngành hàng và nhóm hàng tiêu dùng phổ thông đều chững lại. Sức tiêu thụ và quy mô tiêu dùng trong nước hai tháng đầu năm nay sụt giảm so với cùng kỳ, ước tháng 1-2009 giảm 0,3% so với tháng 12-2008, tháng 2 quy mô bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10% so với tháng 1. Đó là điều đáng suy nghĩ trong khi CPI tăng 1,17%.

Theo ông Xuân, thị trường trong nước hiện nay có vai trò rất quan trọng. Sản xuất là chiếc ổ khóa đang bị kẹt buộc chúng ta phải tra chiếc chìa khóa lưu thông – tiêu dùng vào đúng cách để mở khóa một cách trôi chảy. Nếu nhìn vào chu trình tái sản xuất xã hội trong nền kinh tế thị trường thì thị trường phân phối, lưu thông, tiêu dùng đang là chìa khóa, mắt xích của dây chuyền sản xuất, nó làm cho toàn bộ chu trình đó trở nên trôi chảy và hoạt động bình thường.

Ông Xuân cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị một hệ thống các giải pháp, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, đường sá, đặc biệt là ở nông thôn. Điều này có lợi rất lớn, trực tiếp vì nó kích thích tiêu thụ các loại vật tư nguyên liệu như xi măng, sắt thép. Thứ hai, nó tạo thêm việc làm và góp phần cải thiện cuộc sống cho một bộ phận lao động trong xã hội. Thứ ba, quan trọng hơn là nó tạo ra những tiền đề, những cơ sở kinh tế quan trọng để khởi động, duy trì và phục hồi sản xuất, đặc biệt đối với lưu thông hàng hóa ở nông thôn.

Còn về lâu dài, đề án nhắm đến việc phát triển các hệ thống phân phối mạnh, cả bán buôn lẫn bán lẻ trên cả nước để bảo đảm cho thị trường trong nước phát triển ổn định, bền vững tránh bị tổn thương, đảm bảo các ngành sản xuất liên tục phát triển.

Ông Xuân cũng khuyên các doanh nghiệp nên thực hiện hai chiến lược để phát triển thị trường nội địa. Đầu tiên là phải làm tốt phân khúc thị trường nhưng không dàn trải mà phải xác định rõ thị trường nào, đối tượng tiêu dùng cụ thể nào phù hợp với công ty để xây dựng hệ thống mẫu mã, giá cả, cơ cấu… Tiếp đến là xây dựng mạng lưới phân phối và dịch vụ bán hàng. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn yếu so với doanh nghiệp nước ngoài.

THÀNH TRUNG ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới