Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quí 1-2015: Lượng căn hộ chào bán tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quí 1-2015: Lượng căn hộ chào bán tăng mạnh

Mạnh Tùng – Nguyên Thanh

Quí 1-2015: Lượng căn hộ chào bán tăng mạnh
Khách hàng đặt chỗ tại dự án chung cư Jamona  Apartment, tại quận 7, TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: Mạnh Tùng

(TBKTSG Online) –  Tại hai thị trường bất động sản trọng điểm là Hà Nội và TPHCM, số căn hộ ở tất cả các phân khúc được chào bán trong quí 1-2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, và điều này được xem là tín hiệu khởi đầu mạnh mẽ của năm 2015, theo công ty CBRE Việt Nam.

Cụ thể, trong quí 1-2015, tại Hà Nội, số căn hộ được chào bán là  là 4.880 căn, gấp 1,8 lần so với quí 1-2014; trong khi đó, tại TPHCM, con số này là 5.150 căn hộ được, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước, CBRE Việt Nam cho biết tại buổi họp báo về thị trường bất động sản diễn ra chiều nay, 2-4, tại TPHCM.

Theo đó, 5.150 căn hộ được tung ra thị trường TPHCM đến từ 17 dự án ở tất cả các phân khúc hạng sang, cao cấp, trung cấp và bình dân. Trong đó, sôi động nhất vẫn là phân khúc cao cấp, chủ yếu do các dự án lớn liên tiếp bung hàng như Vinhomes Central Park của Vingroup, Masteri Thảo Điền của Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền, và Scenic Valley của Công ty Phú Mỹ Hưng…

Tập đoàn Novaland, sau khi mua được 8 dự án trong năm 2014, cũng tham gia cuộc đua với việc chào bán ra thị trường lô A của dự án River Gate, chào bán đợt hai dự án The Tresor; lô TB1 của dự án Botanica và ba tháp đầu tiên của The Sun Avenue, cung cấp tổng cộng 756 căn hộ ra thị trường.

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận xét, sau nhiều năm trầm lắng, thị trường bất động sản cả nước đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ từ các dự án, không những lớn về quy mô, tầm vóc mà còn định vị ở phân khúc cao cấp hơn và quy hoạch phức tạp hơn.

Cũng theo ông Marc Townsend, ngay trong phân khúc cao cấp cũng có mối tương quan thú vị giữa mức giá chào bán trên thị trường sơ cấp với quy mô chào bán trung bình của các dự án.

Theo đó, trong giai đoạn 2007-20008, khi giá bán đạt mức kỷ lục, quy mô chào bán trung bình của các dự án dao động trong khoảng 364-572 căn hộ cho mỗi đợt chào bán. Con số này có xu hướng giảm cùng với giá, khi giá xuống mức thấp nhất vào năm 2012, quy mô chào bán trung bình chỉ đạt 165 căn hộ cho mỗi đợt chào bán.

Tuy nhiên, ngay sau khi giá bất động sản bắt đầu tăng trở lại vào năm 2013, quy mô chào bán trung bình cũng rục rịch tăng theo; đặc biệt, kể từ cuối năm 2014, một lần nữa quy mô chào bán trung bình đạt ngưỡng gần 500 căn hộ cho mỗi đợt chào bán.

Cũng theo báo cáo từ CBRE Việt Nam, hoạt động bán hàng tại các sàn giao dịch bất động sản vẫn tích cực cho đến cận Tết nguyên đán cũng như ngay sau Tết.

Do đó, riêng tại TPHCM, một nửa số căn hộ chào bán kể trên đã được bán hết, trong đó, phân khúc bình dân có tỉ lệ tiêu thụ cao nhất trong quí 1-2015, tăng 17% so với quí trước đó.

Trong khi đó, tốc độ bán hàng trong phân khúc cao cấp có phần chậm hơn khi lượng tiêu thụ giảm 30-40% so với quí trước. Đồng thời, giá chào bán tại nhiều dự án cao cấp, có vị trí tốt đã tăng 3-5% so với quí 4-2014, theo quan sát của CBRE Việt Nam.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng trầm lắng

Cũng theo một khảo sát của CBRE Việt Nam được công bố đầu tuần này, thị trường bất động sản tại TP Đà Nẵng, trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, thậm chí là trầm lắng. Điều này thể hiện ở hầu hết các lĩnh vực từ văn phòng cho thuê đến khách sạn, biệt thự, căn hộ…

Cụ thể thị trường văn phòng tại Đà Nẵng từ đầu quý 1-2014 đến nay chỉ có duy nhất một tòa nhà văn phòng hạng B, đó là tòa nhà Bưu Điện Đà Nẵng, ra đời. Do nguồn cung hạn chế nên tỷ lệ thực thuê văn phòng hạng C tăng 2,7% so với quí trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước do có một số khách thuê mới. Giá chào thuê bình quân giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

So sánh với giá thuê cùng kỳ năm trước, giá thuê tại văn phòng hạng B có mức giá chào thuê giảm nhiều nhất so với các phân khúc khác với 7,1% trong khi hạng A và hạng C giảm lần lượt là 5,6% và 3,5%.

Bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, cho biết “đối với nguồn cung tương lai, chỉ có tòa nhà Vietinbank trong phân khúc hạng B sẽ ra đời vào năm 2015 và tòa nhà Hilton Bạch Đằng Complex sẽ ra đời vào năm sau. Các dự án tương lai khác đều tạm dừng hoặc trì hoãn mà chưa có thông báo gì về việc khởi công lại.”

Về thị trường bán lẻ, tại Đà Nẵng có thêm một dự án mới ra đời là Parkson tại Vĩnh Trung Plaza với tổng diện tích sàn là 10.000 mét vuông, bao gồm bốn tầng cho thuê, gần như đã cho thuê hết.

Về nguồn cung khách sạn, gần đây, Đà Nẵng có thêm 323 phòng khách sạn mới từ phân khúc khách sạn 3 sao, tăng tổng nguồn cung phòng khách sạn 3-5 sao lên 8.300 phòng. Trong đó phân khúc khách sạn 5 sao chiếm tỷ lệ cao nhất là 32%. Nguồn cung của khách sạn trong thành phố và ven biển tương đương nhau do các dự án mới mở phát triển ra hướng biển.

Thị trường căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng hiện nay khá trầm lặng. Trong quí rồi, ngoài việc đưa ra chương trình giảm giá, ưu đãi, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận hàng năm cho khách hàng trả trước, một vài chủ đầu tư còn chấp nhận giảm mức giá chào bán từ 3% đến 5% so với quý trước để thúc đẩy doanh số. Do đó, giá bán thực tế ước tính thấp hơn 10- 24% so với giá chào bán. 

Mời đọc thêm:

>> Thị trường BĐS 2015 tăng nhiệt “đột biến”?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới