Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quí 4-2020: Tỷ lệ lao động nữ mất việc làm cao gấp đôi lao động nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quí 4-2020: Tỷ lệ lao động nữ mất việc làm cao gấp đôi lao động nam

Tâm An

(TBKTSG Online) – Chưa bao giờ, tỉ lệ thất nghiệp giữa lao động nam và nữ lại chênh lệch như vừa qua. Do đại dịch Covid-19, số lao động nữ bị mất việc làm nhiều hơn lao động nam. Trong quí 4-2020, tỉ lệ thất nghiệp ở lao động nữ trong độ tuổi từ 15 đến 24 là 9,2%, cao gần gấp đôi so với lao động nam (5,2%).

Quí 4-2020: Tỷ lệ lao động nữ mất việc làm cao gấp đôi lao động nam
Lao động nữ chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhiều hơn nam. Ảnh minh họa: MT

Trong báo cáo mới nhất mang tên “Giới và Thị trường Lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm” vừa công bố hôm nay, 4-3, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) Việt Nam nhận định, đại dịch Covid đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng về việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong đó, lao động nữ là người chịu tổn thất nhất.

Theo đó, trong giai đoạn việc làm bị sụt giảm nhiều nhất là quí 2-2020, tổng số giờ làm việc của lao động nữ chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong qúi 4-2019. Trong khi đó, con số này ở lao động nam là 91,2%.

Không chỉ vậy, tỉ lệ thất nghiệp của lao động nữ khi đại dịch tấn công cũng cao hơn nam giới, điều chưa từng xảy ra trước đây. Trong quí 4-2020, tỉ lệ thất nghiệp ở lao động nữ trong độ tuổi từ 15 đến 24 là 9,2% và cao gần gấp đôi so với con số ở lao động nam (5,2%). Tương tự, với lao động trưởng thành (25 tuổi trở lên), tỉ lệ này ở hai giới lần lượt là 2,1% và 1,1%. Tình trạng này đã bắt đầu xuất hiện từ quí 3 trước đó.

Trong số này, phụ nữ trẻ và lớn tuổi là đối tượng mất việc nhiều nhất. Nếu như năm 2019, lao động nữ từ 15 đến 24 tuổi và trên 55 tuổi chiếm 28% lực lượng lao động thì con số này chỉ còn 24,7% vào quí 3-2020. Các phụ nữ trẻ ở khu vực thành thị dù đã tích cực tìm kiếm và sẵn sàng đi làm ngay nhưng không thể tìm được việc làm.

ILO Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 không chỉ làm gia tăng những bất bình đẳng vốn hiện hữu trong thị trường lao động Việt Nam mà còn tạo nên những bất bình đẳng mới.

Nhiều năm qua, lao động nữ tại Việt Nam tham gia lực lượng lao động rất lớn (với tỉ lệ 70% số người trong độ tuổi lao động), cao hơn rất nhiều so với cấp toàn cầu (47,2%) và khu vực châu Á – Thái Bình Dương (43,9%) nhưng lại làm nhiều trong khu vực việc làm dễ bị tổn thương. Thu nhập của lao động nữ cũng thấp hơn của nam giới (tiền lương tháng thấp hơn 13,7% trong năm 2019) dù thời giờ làm việc tương đương. Bên cạnh đó, tỉ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định chưa đến một phần tư trong khi chiếm gần một nửa lực lượng lao động.

Báo cáo ghi nhận, phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để làm việc nhà, chăm sóc gia đình và con cái trong khi nam giới chỉ là 10,7 giờ. Thậm chí, gần một phần năm nam giới còn không dành chút thời gian nào cho việc nhà.

“Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận, và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội”, Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới