Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội bật đèn xanh để “đa dạng hóa” kỳ hạn TPCP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội bật đèn xanh để “đa dạng hóa” kỳ hạn TPCP

Tư Giang

Quốc hội bật đèn xanh để “đa dạng hóa” kỳ hạn TPCP
TPCP với kỳ hạn ấn định 5 năm trở lên đang rất khó phát hành – Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã bật đèn xanh để Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) ra thị trường vốn quốc tế, và “đa dạng hóa” kỳ hạn TPCP mà kỳ họp thứ 8 cuối năm ngoái “ấn định” phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Phát hành trái phiếu quốc tế

Chủ tịch Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển khi đọc báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 chiều 20-10 cho biết, Chính phủ có Tờ trình số 475/TTr-CP ngày 7/10/2015 kiến nghị việc đa dạng hóa kỳ hạn TPCP và tái cơ cấu nợ Chính phủ.

Có hai điểm đáng chú ý, theo tờ trình này, là Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn; và phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ trị giá 3 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu lại khoản nợ TPCP trong nước trong giai đoạn 2015-2016, và từ năm 2017 phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tờ trình 475 cho biết thêm, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được qua TPCP khoảng 160.000 tỉ đồng, hụt 90.000 tỉ đồng so với kế hoạch. Trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP không đủ để thanh toán trả nợ khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn (thiếu hụt 33.211 tỉ đồng).

Ông Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy tình hình phát hành TPCP trong nước gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

“Do vậy, (Ủy ban TCNS) cơ bản tán thành với các nội dung Chính phủ trình,” Chủ tịch Ủy ban nhận xét. Tuy nhiên, ông đề nghị việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ chính phủ và cân nhắc sửa đổi có giới hạn với việc phát hành TPCP trong nước, theo đó, đề nghị chỉ cho phép phát hành TPCP từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016.

Nếu đề xuất của Chủ tịch Ủy ban TCNS được Quốc hội ủng hộ, thì Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội sẽ được chỉnh sửa do đã quy định: “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.

Ngân sách 2016 rất căng thẳng

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 dự kiến là 1.014,5 nghìn tỉ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 1.273,2 nghìn tỉ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 255,75 nghìn tỉ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến 4,95% GDP (254.000 tỉ đồng, tăng 28.000 tỉ đồng so với năm 2015).

Báo cáo của Ủy ban cho biết, năm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn: tốc độ tăng thu NSNN ở mức 9,4%, tốc độ tăng chi 11%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8%.

“[Điều này] cho thấy việc cân đối NSNN đã rất căng thẳng,” ông Hiển cảnh báo, và bổ sung thêm, NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: Nợ xây dựng cơ bản còn lớn; nợ hai ngân hàng chính sách; nợ các chính sách đã ban hành…

Ông Hiển cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trước thực trạng nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ, đầu tư của nhà nước còn đóng vai trò quan trọng thì việc cắt giảm mạnh chi tiêu công sẽ dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội. Vì vậy, Ủy ban đồng ý với việc tiếp tục giữ bội chi NSNN theo cách tính cũ ở mức cao (4,95% GDP).

Tuy nhiên, trước tình hình nợ công đã tiến dần đến giới hạn cho phép (65% GDP), áp lực trả nợ tăng, khả năng cân đối ngân sách để trả nợ ngày một khó khăn, cùng với việc phát hành TPCP có xu thế giảm, thời hạn đáo nợ và lãi suất, phí phát hành gia tăng, sẽ làm dư nợ công, dư nợ Chính phủ tiếp tục tăng cao, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trong dài hạn, cần cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào NSNN từ GDP trên 20%; chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; đồng thời, kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới