Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội bàn chuyện bộ sách giáo khoa chuẩn và sinh viên sư phạm vay tín dụng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội bàn chuyện bộ sách giáo khoa chuẩn và sinh viên sư phạm vay tín dụng

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục diễn ra vào chiều ngày 11-6, các đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý nhiều nhất về vấn đề sách giáo khoa, chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm…

Quốc hội bàn chuyện bộ sách giáo khoa chuẩn và sinh viên sư phạm vay tín dụng
ĐBQH quan tâm về sách giáo khoa khi góp ý Luật Giáo dục. Ảnh: quochoi.vn

Theo Chính phủ, Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đến nay đã qua nhiều năm thực hiện và có hiệu lực thi hành đã bộc lộ những bất cập. Do đó phần lớn các ý kiến góp ý của các đại biểu đều tán thành cần phải sửa đổi, bổ sung Luật này cho phù hợp tình hình thực tế. Và các đại biểu Quốc hội đã góp ý về nhiều vấn đề khác nhau trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Nhiều bộ sách giáo khoa hay một bộ sách chuẩn?

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Hải, đoàn Bình Thuận, cho rằng tại Điều 29 khoản 2 quy định: "Mỗi học sinh có thể có nhiều sách giáo khoa, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa được sử dụng ổn định trong giảng dạy học tập". Tuy nhiên, cũng tại khoản 3 điều này lại quy định: "Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập".

Ông Hải cho rằng nội dung quy định như trên là mâu thuẫn khó áp dụng trong thực tế. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa lại cho phù hợp, đồng thời cần có quy định cụ thể trong luật thời gian ổn định của sách giáo khoa là bao lâu, tránh tình trạng thay sách giáo khoa liên tục.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương đoàn Cần Thơ cũng băn khoăn liệu quy định như trên có mâu thuẫn. Nếu xã hội hóa và giao quyền chọn lựa sách giáo khoa mà Hội đồng quốc gia phê duyệt thì xã hội hóa sẽ không khả thi hay ý của ban soạn thảo dự luật là sẽ phê duyệt một bộ sách chuẩn để giảng dạy, còn sách tham khảo giảng dạy thì được chọn, cần làm rõ ý này.

Còn ông Dương Minh Tuấn, đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu thì cho rằng, dự thảo quy định một môn học có thể có nhiều sách giáo khoa và cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng. Trong khi quy trình từ khi biên soạn đến đưa sách giáo khoa đến nhà trường là chặt chẽ nhiều giai đoạn, từ đề cương góp ý, biên soạn, thẩm định, trưng cầu, chỉnh sửa, phê duyệt và tập huấn. Khi có nhiều bộ sách giáo khoa thì ai được quyền chọn sách giáo khoa cho từng lớp, từng cấp học, từng môn, e rằng việc chọn nhiều sách dẫn đến không đảm bảo tính thống nhất và ăn khớp của toàn nền giáo dục.

“Nếu mỗi trường chọn một bộ sách giáo khoa thì ngành giáo dục có đảm đương nổi nhiều công việc, trong đó có việc tập huấn cho giáo viên của từng trường hay không? Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khảo sát và có sách giáo khoa chuẩn theo vùng, miền, khu vực”, ông Tuấn nói.

Phát biểu tại thảo luận, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội (Bình Dương) thì lo lắng việc các trường không sử dụng một bộ sách giáo khoa chung thì liệu mặt bằng kiến thức của học sinh có đảm bảo để sử dụng chuẩn liên thông cho các cấp trường. Ngoài ra, các trường có thể dựa vào đó mà cho rằng trường kia sử dụng sách không theo chuẩn và tiêu chí của trường mình thì mục tiêu liên thông như ý định của nhà làm luật bị phá sản là điều dễ hiểu.

Bàn chuyện sinh viên sư phạm vay tín dụng

Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương, đoàn Cà Mau phát biểu, Điều 89 về chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo lần này đã thay quy định hiện hành là miễn học phí thành quy định cho vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên để đóng học phí. Sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải hoàn trả khoản vay này. Quy định này nhằm mục đích tránh sử dụng lãng phí ngân sách nhà nước và điều tiết hiện trạng nhiều học sinh, sinh viên vào trường sư phạm dẫn đến tình trạng thừa cục bộ giáo viên.

Tuy nhiên, ông Chương cho rằng với quy định này cũng dẫn đến hệ lụy học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm thì xử lý như thế nào về việc đi trả khoản vay này và cơ quan tín dụng phải đi theo để thu hồi khoản vay này. Gia đình đã khó khăn rồi lại vay tiền để đi học, học xong không tìm được việc làm thì gánh nặng lại nặng thêm. Vì vậy, đề nghị xem xét, cân nhắc vấn đề này cẩn trọng.

Bà Hứa Thị Hà, đại biểu Quốc hội đoàn Tuyên Quang thì phân tích, theo như trong tờ trình của Chính phủ lý giải thì số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều. Có tình trạng đi làm trái ngành, trái nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực. Vì vậy, dự thảo không quy định việc miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng.

“Nhưng có một số lượng lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng không có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục chứ không phải họ không có nguyện vọng. Vì vậy, cần tổ chức công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục. Làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ chứ việc thay đổi chính sách như vậy chưa giải quyết được gốc của vấn đề”, bà Hà nói.

Thêm nữa bà Hà còn cho rằng việc thay đổi chính sách này có thể đẩy cao áp lực trong tuyển dụng vào ngành giáo dục và có thể làm nảy sinh tiêu cực vì việc tuyển sinh còn quyết định đến vấn đề phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm hay không. Hơn nữa, việc thay đổi này có thể làm giảm sức hấp dẫn, khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương, đoàn Cần Thơ thì đặt ra tình huống, sẽ có bất cập nếu người học sư phạm mà không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường làm cho ngành sư phạm thì sẽ thế nào.

Bà Nguyễn Kim Tuyến, đại biểu Quốc hội đoàn Tiền Giang thì băn khoăn về tính cân bằng của chính sách tín dụng này. Bà Tuyến đưa ra một ví dụ về việc có hai sinh viên cùng vay vốn để học ngành sư phạm và cùng mong muốn sau khi ra trường được làm việc cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, một em sau khi tốt nghiệp xin được việc làm trong ngành giáo dục, phục vụ cho ngành đủ thời gian theo quy định và không phải hoàn trả khoản vay này. Em còn lại không xin được việc làm trong ngành giáo dục, buộc lòng phải làm các việc khác, không theo nguyện vọng của mình. Nếu có may mắn hơn thì có thể xin được làm ở một nơi cũng trong ngành giáo dục nhưng vì lý do gì đó, một lý do không mong muốn, ví dụ bệnh tật hay hoàn cảnh riêng gì đó mà không thể phục vụ đủ thời gian trong ngành theo quy định thì cuộc sống lại khó khăn và phải chật vật mà phải cực khổ đi kiếm tiền để trả khoản vay tín dụng này. Vô hình chung việc trả khoản vay này như một chế tài đối với người không làm việc trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian.

“Cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc lại hình thức hỗ trợ bằng tín dụng sư phạm, nhất là khi hiện nay chúng ta cũng chưa có thể đảm bảo được tốt nhất việc làm cho sinh viên của sư phạm sau khi tốt nghiệp. Việc không thể làm trong ngành giáo dục cũng là vấn đề khách quan nằm ngoài mong muốn chủ quan của học sinh tốt nghiệp”, bà Tuyến nói.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam thì cho biết không đồng tình với chính sách này. Cần thay chính sách vay tín dụng bằng học bổng, thắt chặt chất lượng đầu ra của sinh viên, tạo việc làm cho sinh viên sư phạm.

Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội góp ý kiến, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã cho biết các ý kiến góp ý của đại biểu sẽ được tiếp thu để hoàn thiện dự án luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để chỉ đạo việc lấy ý kiến và tổ chức thảo luận thêm để tiếp thu chỉnh lý, hoàn chỉnh dự án luật và sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Mời xem thêm:

Tội phạm tham nhũng phải bồi thường xong mới được xét đặc xá?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới