Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội bàn phương án tổ chức họp trực tuyến, tùy tình hình dịch Covid-19

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ diễn ra vào 20-10 tới. Do tình hình dịch Covid-19 nên Quốc hội đã chuẩn bị cả phương án tổ chức họp trực tuyến hoàn toàn nếu đại dịch phức tạp.

Ngày 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình của phiên họp thứ tư, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết sau khi chương trình kỳ họp được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đa số nhất trí với dự kiến chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 13-10. Ảnh: Quốc hội

Dự kiến kỳ họp thứ hai sẽ bố trí thảo luận báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, cùng với phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, do hiện nay còn dư luận người dân một số nơi phản ánh chưa nhận được hỗ trợ. Bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai…

Các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đến nay đã bảo đảm về hồ sơ nên cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, vừa qua có ý kiến đề nghị nên chọn một tỉnh có tính đại diện khu vực Bắc Trung bộ để thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù; không nên thực hiện cùng một lúc đối với ba tỉnh trong cùng một khu vực, nhất là khi cả nước đang phải tập trung cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế đặc thù đối với các nhóm địa phương khác nhau sẽ là tiền để tổng kết đánh giá trong giai đoạn tới, làm căn cứ sửa đổi và cụ thể hóa các chính sách trong các luật chuyên ngành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, ông đề nghị giữ như dự kiến chương trình.

Cũng theo ông Cường, có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp bằng hoạt động “lắng nghe hiến kế của nhân dân” thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế – xã hội sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ông cho rằng việc phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, các đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của nhân dân và cử tri đến với Quốc hội. Trong khi đó, hoạt động chất vấn tại kỳ họp là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội…

Tại kỳ họp tới, Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Bên cạnh đó Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật gồm: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cơ bản nhất trí với các đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nên tách riêng nội dung thảo luận về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bởi đây là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm. Nếu thảo luận chung về nội dung này cùng với nội dung về kinh tế-xã hội, ông Thanh e ngại các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung vào nội dung về phòng chống dịch, gây ảnh hưởng đến việc tham gia đóng góp ý kiến về kinh tế-xã hội.

Dự kiến tổng thời gian làm việc tại kỳ họp tới của Quốc hội là 17 ngày: đợt một là 11 ngày, từ ngày 20-10 đến 1-11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 8 đến 13-11. Quốc hội cũng đã dự kiến chương trình kỳ họp dự phòng trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp. Lúc đó Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng chống dịch

Việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ. Riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) sẽ áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad. Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết. Đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad và sẽ tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm ba lần trước khi khai mạc kỳ họp. Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được một lần và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu để áp dụng tại kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội sẽ họp theo 2 đợt là trực tuyến và trực tiếp nhưng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể báo cáo Quốc hội cho họp trực tuyến hoàn toàn.

Đối với phương án biểu quyết trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện phương án bảo mật và bảo đảm vận hành thông suốt. Trong trường hợp dự phòng, Quốc hội sẽ biểu quyết theo hình thức lấy phiếu và không sử dụng hình thức giơ tay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới