Thứ Tư, 31/05/2023, 07:45
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Quốc hội cần dừng để… nghiên cứu thêm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội cần dừng để… nghiên cứu thêm

Trương Trọng Hiểu (*)

(TBKTSG) – Truyền thông đã từng nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về dịch vụ đòi nợ vào cuối năm 2019, khi Ban soạn thảo Luật Đầu tư sửa đổi quyết định đưa dịch vụ này vào danh mục cấm đầu tư, kinh doanh. Nay, khi Quốc hội thảo luận về dự luật này, dịch vụ đòi nợ lại được mổ xẻ với nhiều ý kiến đa dạng, trái chiều. Có lẽ lựa chọn tối ưu của Quốc hội hiện nay là thông qua Luật Đầu tư sửa đổi mà không có quy định này.

Dịch vụ đòi nợ thuê làm 'nóng' phiên thảo luận nghị trường

Quốc hội cần dừng để... nghiên cứu thêm
Quốc hội cần các báo cáo, số liệu, đánh giá tác động đầy đủ cho từng phương án cho hay cấm thay vì tiếp tục thảo luận “chay”.

Chưa đủ thuyết phục để cấm

Hẳn nhiên, ban soạn thảo có lý do để đưa dịch vụ này vào danh mục cấm. Theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì dự án luật, thực tế hoạt động của dịch vụ này phát sinh một số trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật. Điển hình, bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Nhưng thay vì bị thuyết phục trước vài trường hợp được trình bày hết sức cô đọng, nhiều ý kiến đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý: tại sao hiện tượng đó lại xảy ra trong khi tất cả đều đã được pháp luật kiểm soát, kể cả pháp luật hình sự?

Thực ra, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý hoạt động này hơn 15 năm qua đã lên tiếng. Và ban soạn thảo cũng đã đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm theo đề nghị của cơ quan này. Tương tự, ngoài ý kiến chỉ đạo nghiên cứu của Chính phủ và lưu ý của Bộ Tư pháp, cơ quan này căn cứ vào kết quả rà soát và kiến nghị của UBND TPHCM năm 2017. Thiếu sâu sát vì không theo dõi, quản lý, Bộ Công an khó có thể đưa ra ý kiến chính thức cho hoạt động này ở thời điểm hiện tại.

Điều này phần nào phản ánh yếu điểm của việc lựa chọn mô hình quản lý đối với dịch vụ đòi nợ ở thời điểm hiện tại. Và sâu xa hơn, nó phản ánh cục diện xây dựng pháp luật và phân công quản lý nhà nước còn nhiều điểm thiếu logic đang tồn tại ở nước ta suốt thời gian qua.

Quốc hội cần các báo cáo, số liệu, đánh giá tác động đầy đủ cho từng phương án cho hay cấm thay vì tiếp tục thảo luận “chay”.

Quay lại thời điểm 2007, Bộ Tài chính là cơ quan đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định 104/2007. Và lần này, việc đề nghị… cấm của Bộ Tài chính đã cho thấy sự đuối sức của cơ quan này trước một hoạt động rất dễ tạo ra những biến tướng, thậm chí còn ảnh hưởng nhiều đến an ninh trật tự chứ không chỉ trong phạm vi nợ – tiền đơn giản. Và khó để phủ nhận rằng, việc đưa dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm là vì cơ quan quản lý nhà nước “không quản nổi”.

Thực ra, chọn “cấm” sẽ là lựa chọn tối ưu khi hoạt động quản lý không đảm bảo, hao tổn chi phí và mang lại gánh nặng cho xã hội. Lấy ví dụ, việc cấm hoạt động mại dâm ở thời điểm hiện tại vẫn được xem là lựa chọn an toàn hơn so với giải pháp hợp pháp hóa. Và đương nhiên, không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước cũng lựa chọn “cấm” khi sức quản lý của nhà nước đối với một hoạt động kinh doanh không đảm bảo. Chỉ có điều, những thiệt-hơn đó cần phải được làm rõ, và thuyết phục.

Dừng thông qua để mở ra hướng tiếp cận mới

Cho nên, Quốc hội có thể gác lại việc thông qua quy định này nhằm để cơ quan chủ trì, cơ quan quản lý và các đơn vị có liên quan khác làm công việc này. Về mặt kỹ thuật, Quốc hội có thể dành một khoảng thời gian ngắn để thảo luận và thông qua một dự luật bổ sung với nội dung chứa đựng vỏn vẹn quy định cấm hay không cấm dịch vụ này trong kỳ họp tới, khi các minh chứng đã chuẩn bị đầy đủ.

Rõ ràng, việc cấm hay không cấm một hoạt động đầu tư, kinh doanh không thể diễn tiến theo mô thức giản đơn thử đặt vào rồi thử lấy ra. Ngược lại, Quốc hội cần các báo cáo, số liệu, đánh giá tác động đầy đủ cho từng phương án cho hay cấm thay vì tiếp tục thảo luận “chay”.

Dành ra 3-6 tháng để các đơn vị có liên quan chuẩn bị lại bản báo cáo chuyên đề cho quyết định của Quốc hội là cần thiết. Theo đó, ngay sau khi kết thúc kỳ họp, các hoạt động sau có thể cần phải được triển khai:

Một, Bộ Tài chính báo cáo kết quả 15 năm quản lý hoạt động của dịch vụ đòi nợ thuê. Đặc biệt, nội dung báo cáo cần xác định nhu cầu đòi nợ trong xã hội. Việc khoanh vùng những biểu hiện được cho là “biến tướng”, ngoài tầm kiểm soát của cơ quan tài chính cũng hết sức cần thiết.

Hai, Bộ Công an phối hợp với các địa phương có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổng kết tình hình, rà soát các biểu hiện sai phạm đã và có nguy cơ xảy ra. Đánh giá kết quả xử lý, nguyên nhân tác động đến kết quả đó. Đặc biệt, cần rà soát lại các quy định của Bộ luật Hình sự và quy định xử phạt có liên quan. Thậm chí, ý  kiến về việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đòi nợ thuê có cần áp dụng khung tăng nặng, hay quy định tội danh mới hay không là rất quan trọng.

Ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với địa phương rà soát danh mục các công ty cung ứng dịch vụ. Trên cơ sở báo cáo và ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan khác, đưa ra đánh giá chi tiết những được – mất trong việc tiếp tục cho phép hay cấm dịch vụ này.

Đương nhiên, ý nghĩa kinh tế của mỗi giải pháp không đơn thuần là doanh thu và thuế. Đơn cử, việc cho phép dịch vụ tồn tại, gánh nặng xã hội lên các thiết chế khác trong việc thu hồi nợ sẽ giảm. Ngược lại, việc cấm dịch vụ này có thể sẽ giải phóng chi phí xã hội cho việc phải xử lý các sai phạm kèm theo, đặc biệt là nếu nhu cầu… đòi nợ trong xã hội là không lớn.

Nếu cấm, cần xác định phương án giải quyết hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu cho phép, thì điều kiện hoạt động của dịch vụ này cần được điều chỉnh là gì.

Đặc biệt, trên cơ sở báo cáo tổng kết cuối cùng, đơn vị chủ trì cần đưa ra đề xuất hợp lý cho mô hình quản lý, nhất là cơ quan quản lý chuyên ngành phụ trách chung cho hoạt động này.

(*) Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới