Quốc hội cần giải pháp hơn những con số
![]() |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết e ngại sẽ có những biểu quyết về chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đúng, nếu dự báo không chính xác và thẩm tra thiếu cơ sở khoa học. Ảnh: nguoidaibieu.com.vn |
(TBKTSG Online) – Tại cuộc thảo luận trên hội trường ngày 9-5, tất cả các đại biểu Quốc hội đăng đàn góp ý cho Chính phủ đều muốn Chính phủ chứng minh những giải pháp để đưa tăng trưởng GDP năm 2008 xuống 7%.
Các đại biểu cũng chất vấn rất cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc buông lỏng quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Bất bình với việc đầu tư ngoài ngành nghề chính
Câu chuyện đầu tư ra ngoài ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là nội dung “nóng” được các đại biểu nêu ra khi nói về giải pháp chống lạm phát của Chính phủ.
Ông Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đặt câu hỏi: “Lạm phát và bão giá vừa qua phải chăng có phần do các hoạt động đầu tư dàn trải, thiếu trách nhiệm với đồng vốn, tài sản của nhà nước ở các tập đoàn này?”.
Ông Đáng yêu cầu Chính phủ phải làm rõ đúng sai các hoạt động đầu tư, tránh để các tập đoàn bao biện. “Nguồn vốn nhà nước được rót vào các tập đoàn và họ mang đi đầu tư vào những lĩnh vực xa lạ với ngành kinh doanh chính của mình, nhiều tập đoàn còn thành lập cả ngân hàng riêng mà ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt liên quan đến huy động vốn xã hội”, bức xúc này được ông Đáng nêu ra với dẫn chứng về việc tập đoàn Điện lực (EVN) đầu tư 260 triệu đô la Mỹ vào khu resort. Ông nói: “Lẽ ra họ phải toàn tâm, toàn lực để phát triển nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng nhưng lại đem những đồng vốn đi làm những việc như vậy”.
Đại biểu Hà Sơn Nhin (Lào Cai) cũng tỏ ra rất đồng tình với chủ trương cắt giảm đầu tư công và thắt chặt quy định với các tập đoàn kinh tế. Theo ý ông Nhin, tổng công ty nhà nước phải dành ít nhất 80% vốn đầu tư cho ngành chính, đồng thời Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng để huy động vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản nhằm khép kín không kiểm soát được như hiện nay.
Vấn đề khống chế hoạt động đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ là ông Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, việc đưa ra tỷ lệ khống chế mức đầu tư tài chính của các tập đoàn ra ngoài ngành chính dưới 25% không phải là việc khó, nhưng phải có văn bản pháp lý đầy đủ. “Nếu không, đấy chính là lỗ hổng gây ra lạm phát”, ông Kiêm, một trong những thành viên Chính phủ tham gia cuộc chống lạm phát trong nước sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã nhận xét như vậy trước tình hình sử dụng đồng vốn rất tản mạn, không đúng chức năng của các tổng công ty nhà nước.
Do hầu hết các ý kiến tập trung như vậy nên ý kiến của đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Cạn) về việc Nhà nước vẫn nên độc quyền kinh doanh, chống lạm phát bằng cách điều tiết quản lý, kinh doanh qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như hiện tại đã bị nhiều đại biểu phản đối khi đăng đàn phát biểu trong phiên thảo luận buổi chiều cùng ngày. Quan điểm của các đại biểu là đã đến lúc hình thành khung pháp lý quản lý việc sử dụng đồng vốn nhà nước ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước chứ không phải những nơi này là địa chỉ “bất khả xâm phạm”.
“Cử tri cũng đòi hỏi Quốc hội, Ủy ban thẩm tra của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội phải tự nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của mình trước cử tri về việc tham gia biểu quyết những chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không sát với thực tế. Tôi nhớ vào kỳ họp thứ hai của Quốc hội cuối năm 2007, lúc đó kinh tế Mỹ đã suy thoái, lúc đó giá dầu trên thế giới đã lên đến 90 đô la Mỹ/thùng nhưng Chính phủ vẫn trình 61 đô la/thùng. Trong Quốc hội có nhiều đại biểu không đồng tình với giá 61 đô la/thùng, sau một hồi bàn cãi, cuối cùng đi đến kết luận 62 đô la/thùng, tăng lên 1 đô la so với tờ trình của Chính phủ. Có thể nói chỉ qua một ví dụ cụ thể như vậy, dự báo, cung cấp thông tin của phía cơ quan trình tức là Chính phủ đưa sang không sát, Ủy ban thẩm tra làm việc không đến nơi đến chốn, các đại biểu Quốc hội quá tin vào cơ quan trình, quá tin vào Ủy ban thẩm tra. Nếu tình hình này cứ diễn ra như vậy, Quốc hội tiếp tục có những biểu quyết không đúng. (Trích ý kiến của ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) |
Khó biểu quyết vì không có cơ sở!
Mổ xẻ chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng như đề nghị của Chính phủ là vấn đề khiến các đại biểu băn khoăn và suy nghĩ nhiều nhất trong suốt phiên thảo luận. Nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ trong việc để xảy ra lạm phát mà thiếu dự báo như thời gian qua.
Ông Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) chất vấn: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ thế nào mà để thị trường chứng khoán, tiền tệ Việt Nam khủng hoảng như thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát hay Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có lỗi không khi cơn sốt gạo làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân hồi trung tuần tháng 4 trong khi Việt Nam không thiếu gạo? “.
Xuất phát từ việc chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ nên nhiều đại biểu hoài nghi, thậm chí tỏ thái độ không biểu quyết mức hạ chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7% như đề xuất từ Chính phủ vì lý do họ không tìm được những chứng cứ thuyết phục.
Ông Đào còn có một cách không đồng tình khác qua phát biểu: “Cử tri hỏi tôi là đại biểu Đào có đồng ý với chỉ tiêu là 7% hay không? Tôi đề nghị 7% , 8% hay thậm chí 6% thì làm gì có thông tin mà chứng minh với họ là tôi biểu quyết đúng”.
Ông Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn: “Khó biểu quyết vì không có cơ sở”.
Đại biểu Trương Quang Hai (Bình Thuận) thì lo cho Chính phủ vì thời hạn để thực hiện những điều chỉnh này (nếu được thông qua) cũng rất ngắn và ông đề nghị Chính phủ nên cân nhắc hai phương án để Quốc hội cho ý kiến. Phương án thứ nhất là điều chỉnh mục tiêu, nhưng cần làm rõ cơ sở của mục tiêu 7% này là gì và bổ sung thêm một mục tiêu nữa là chỉ tiêu hạn chế tăng giá cụ thể để phấn đấu. Phương án thứ hai là giữ nguyên chỉ tiêu và cuối năm kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho những năm kế tiếp.
Nhìn lại trách nhiệm của Quốc hội
Ở một góc nhìn khách quan hơn, ông Thuyết cho rằng việc dự báo, thẩm tra các mục tiêu, các đề xuất của Chính phủ không chính xác là lỗi của Quốc hội. Đại biểu này đề nghị mỗi vị đại biểu nghiêm túc kiểm điểm thái độ của mình trước cử tri về việc tham gia biểu quyết những chỉ tiêu kinh tế – xã hội không sát với thực tế. Dẫn chứng được ông Thuyết đưa ra là tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội cuối năm 2007, khi đó giá dầu trên thế giới đã lên đến 90 đô la Mỹ/thùng nhưng Chính phủ vẫn trình 61 đô la. Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với mức giá đó nhưng vẫn thông qua, kéo theo hàng loạt cái sai khác.
Đại biểu Dương Trung Quốc bổ sung thêm những ý kiến của ông Thuyết: các đại biểu Quốc hội không chuyên trách chiếm 2/3 số đại biểu kỳ này nên những biểu quyết được thông qua do không có đầy đủ thông tin, chưa kể đến năng lực. Ông Quốc cũng băn khoăn rằng có nên biểu quyết tiếp theo cho một con số mới không khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học và những biểu quyết này đều mang tính giải quyết tình huống. Vị đại biểu này kết luận rằng nếu cứ xuất phát từ các đề nghị của Chính phủ, rồi thông qua các ủy ban của Quốc hội thẩm tra mà ông tin là những thẩm tra chưa đầy đủ, rồi Quốc hội tham gia biểu quyết thì chỉ làm giảm thêm tín nhiệm của Quốc hội trước cử tri.
NGỌC LAN