Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội chấp thuận giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội chấp thuận giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Sáng 12-11, với 434 phiếu tán thành, tương đương 89,48%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Quốc hội giữ mức trần đầu tư công là 2 triệu tỉ đồng.

Quốc hội chấp thuận giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng
Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020- Ảnh: TD

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng.

Con số này không bao gồm nguồn tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương và thay đổi cơ chế đối với nguồn vốn để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội được đưa vào cân đối trong ngân sách nhà nước từ năm 2019.

Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, Nghị quyết cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, cho biết trong bối cảnh nguồn vốn dành cho đầu tư công còn hạn hẹp, thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư thực tế, việc sử dụng nguồn dự phòng chung trong phạm vi mức tối đa là 2 triệu tỉ đồng đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 2016-2020 là “cần thiết”.

Khoản vốn đầu tư này sẽ góp phần kịp thời bổ sung nguồn vốn để khắc phục tình trạng nhiều dự án có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn dở dang, chậm tiến độ do thiếu vốn, sớm đưa các dự án, công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; đồng thời, bổ sung nguồn vốn giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, để bảo đảm cân đối ngân sách, an toàn tài chính quốc gia, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, việc sử dụng dự phòng chung phải bảo đảm trong phạm vi mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm; quy định nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn vốn dự phòng chung theo hướng tập trung cho các dự án đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang thực hiện dở dang, thiếu vốn nhằm đáp ứng tiến độ đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, dàn trải trong đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung như quy định tại dự thảo Nghị quyết để bổ sung kịp thời nguồn lực cho đầu tư trên cơ sở bảo đảm cân đối ngân sách, giữ mức chỉ tiêu bội chi và chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Quốc hội cũng đã chấp thuận bổ sung danh mục dự án và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sử dụng 10.000 tỉ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay; bổ sung danh mục dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để kịp thời triển khai thực hiện theo cam kết với nhà tài trợ.

Quốc hội cho phép điều chỉnh hình thức đầu tư đối với một số dự án thuộc quy hoạch tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm phát huy hiệu quả, cân đối được các nguồn lực, có cam kết sử dụng chủ yếu ngân sách địa phương, kết hợp với các hình thức đầu tư khác, phân kỳ đầu tư, kết hợp hài hòa giữa giải quyết những dự án cấp thiết và tính tổng thể, hợp lý, công bằng đối với các địa phương ven biển.

Mời đọc thêm:

Đầu tư công: quan trọng là phải chi đúng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới