Quốc hội đánh giá cao việc kiểm soát dịch Covid-19
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Sáng nay 20-5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 và là kì họp Quốc hội trực tuyến đầu tiên đã khai mạc.
Quốc hội đánh giá cao thắng lợi bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh Covid-1 của Chính phủ. Quốc hội cho rằng điều này thể hiện sự quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị. Thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ, tinh thần tương thân tương ái dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và nhà nước.
![]() |
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa . Ảnh VGP |
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra, để tổ chức được cuộc họp Quốc hội hôm nay thể hiện sự đồng lòng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan. Việc đổi mới cách thức tổ chức kì họp cho thấy Quốc hội luôn thay đổi, nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn vì nhân dân và đất nước.
Theo bà Ngân, bước vào năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành đại dịch tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội toàn cầu và Việt Nam, sản xuất kinh doanh đình trệ, giao thương gián đoạn… Cùng lúc đó nước ta còn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra cực đoan, bất thường tại nhiều khu vực trên cả nước như hạn hán xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá…
“Đến nay bước đầu chúng ta đã kiểm soát được Covid-19, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tính mạng của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch,” bà Ngân nói.
Vẫn theo bà Ngân, giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quí 1 nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%, an sinh xã hội, đời sống người dân vẫn được bảo đảm… Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần không quản ngại khó khăn gian khổ hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế, của chiến sỹ quân đội, công an nhân dân các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch, sự ủng hộ chấp hành và chia sẻ của nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
“Thắng lợi bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thể hiện sự quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị. Thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ, tinh thần tương thân tương ái dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và nhà nước,” chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau khi chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài 19 ngày (không kể ngày nghỉ) được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành từ ngày 20 đến 29-5. Đợt 2 họp tập trung tại nhà Quốc hội, từ ngày 8 đến 18-6. Quốc hội Việt Nam cũng là một trong những Nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức họp này.
Tại kì họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét và thông qua các dự án Luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).
Quốc hội cũng xem xét các dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức…
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.