Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội: Hợp nhất luật an ninh mạng và an toàn thông tin là không khả thi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội: Hợp nhất luật an ninh mạng và an toàn thông tin là không khả thi

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Trước đây, nhiều chuyên gia và tổ chức cho rằng Luật An ninh mạng đang được trình lên Quốc hội xem xét phê duyệt có nhiều nội dung trùng với Luật An toàn thông tin mạng đã được thông qua trước đây và đang được áp dụng. Song, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc hợp nhất hai luật này không khả thi trong tình hình hiện nay.

Quốc hội: Hợp nhất luật an ninh mạng và an toàn thông tin là không khả thi
Quốc hội: hợp nhất Luật An ninh mạng và Luật ATTTM là không khả thi. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 29-5, ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chấp bút và đang được trình lên Quốc hội.

Việc hợp nhất hai luật là không khả thi

Về dự án Luật An ninh mạng, ông Việt cho biết, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành luật; nhiều ý kiến đề nghị làm rõ tính hợp hiến, tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; đề nghị rà soát để bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến không tán thành ban hành luật và đề nghị sửa đổi Luật An ninh Quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này; ý kiến khác đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật An toàn thông tin mạng.

Về các ý kiến trên, ông Việt thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo như sau: không gian mạng là môi trường đặc thù, có những yêu cầu, nội dung riêng về phòng ngừa, đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trât tự an toàn xã hội, nên việc sửa đổi, bổ sung Luật An ninh Quốc gia không thể quy định chi tiết, cụ thể đối với hoạt động này trên không gian mạng.

Ông Việt nói: “Còn đối với Luật An toàn thông tin mạng tuy có một số quy định liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhưng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ thuộc hai mảng này. Hoạt động bảo vệ an ninh mạng có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, nên việc ban hành văn bản dưới luật để điều chỉnh là không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Còn ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng là không khả thi trong tình hình hiện nay.”

Vẫn theo ông Việt, có ý kiến để nghị bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát thi hành luật; quản lý các chương trình quảng cáo, phim ảnh có tính chất bạo lực. Song UBTVQH cho rằng, hoạt động giám sát thi hành luật đã được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật. Còn việc quản lý các chương trình quảng cáo, phim ảnh không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và trong trường hợp có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì đã bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo luật đã chỉnh lý. Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung những nội dung này trong dự thảo luật.

Một số ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này với phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng. Ông Việt cho hay, tuy đã có một số luật điều chỉnh về lĩnh vực an ninh quốc gia và môi trường mạng. Nhưng do không gian mạng là môi trường đặc thù và pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, nên luật này điều chỉnh về các hoạt động trên là phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Còn Luật An toàn thông tin mạng điều chỉnh về các hoạt động nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin trên mạng, nhưng lại có một số quy định liên quan đến an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý phạm vi điều chỉnh, khái niệm an ninh mạng và các nội dung trong dự thảo luật này cho rõ hơn.

Một số ý kiến đề nghị quy định khái quát mà không nên liệt kê cụ thể dễ để lọt hành vi bị nghiêm cấm. Có ý kiến đề nghị không nhắc lại một số hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự và các luật khác. Ông Việt cho rằng, nếu quy định theo hướng khái quát mà không liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện và xử lý hành vi vi phạm điều cấm. Hiện nay, một số luật đã quy định về một số hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và đây cũng là những hành vi xâm phạm an ninh mạng mà luật này cần phải cấm. Nếu không quy định trong Luật này sẽ không bảo đảm tính bao quát, đầy đủ.

Về hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 11, Điều 12, Điều 13 dự thảo Luật do Chính phủ trình). Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định đầy đủ về nội dung, đối tượng, quy trình, thẩm quyền thực hiện các biện pháp này và bảo mật thông tin khách hàng; đề nghị quy định bảo đảm phù hợp với năng lực của Bộ Công an.

Vẫn theo ông Việt, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý cụ thể như đã thể hiện tại các điều 10, 12 và 13 theo hướng: hoạt động thẩm định an ninh mạng (Điều 10) do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trước khi xây dựng; hoạt động kiểm tra an ninh mạng (Điều 12) do chủ quản hệ thống thông tin thực hiện định kỳ và khi có thay đổi hiện trạng hệ thống, còn lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng kiểm tra trong trường hợp đột xuất; hoạt động giám sát an ninh mạng (Điều 13) sẽ do chủ quản hệ thống thông tin chủ trì, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trong suốt quá trình hoạt động. Đồng thời, có bổ sung, chỉnh lý các quy định cụ thể về trường hợp, nội dung, thẩm quyền, thủ tục thẩm định, kiểm tra, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

“Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các chủ quản hệ thống thông tin trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước có liên quan đến thẩm quyền nhiều bộ khác nhau, UBTVQH đã cho bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ trong việc thực hiện các nội dung này đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia như được thể hiện tại khoản 4 Điều 9 dự thảo luật,” ông Việt nói.

Một số ý kiến đề nghị không quy định về tác chiến trên không gian mạng và lược bỏ quy định về phòng, chống chiến tranh mạng, vì cho rằng thuộc lĩnh vực quốc phòng, là nhiệm vụ của quân đội. Về các ý kiến này, UBTVQH cho rằng chiến tranh mạng là tình huống đặc biệt xảy ra trên không gian mạng, không những xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, mà còn gây ra những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này. Do vậy, đề nghị cho giữ lại quy định về chiến tranh mạng và cho chỉnh lý như Điều 20 dự thảo luật đã chỉnh lý.

Thêm nữa, tác chiến trên không gian mạng là hoạt động chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, được giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, nên không quy định trong luật này. Tuy nhiên, để tạo lập cơ sở pháp lý cho Công an nhân dân trong đấu tranh bảo vệ an ninh mạng, đồng thời phân biệt với hoạt động chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của Quân đội nhân dân, UBTVQH đã cho bổ sung Điều 22 như dự thảo luật đã chỉnh lý.

Đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam

Thêm nữa ông Việt cho biết có nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại khoản 4 Điều 34 dự thảo luật do Chính phủ trình là bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam. Một số ý kiến không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên… nên đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam và một số tổ chức có ý kiến góp ý. Trong thời gian qua, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, cơ quan này chỉnh lý như sau:

Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước để chỉnh lý thành khoản 2 Điều 26 dự thảo luật đã chỉnh lý. Việc quy định như vậy sẽ có những thuận lợi như sau:

Một là, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.

Hai là, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

Ba là, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế.

Bốn là, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề nghị rà soát, tránh chồng chéo về nhiệm vụ giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông. Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định trách nhiệm của các bộ được giao nhiệm vụ chính, còn trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành khác do Chính phủ phân công.

Tiếp thu ý kiến trên, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong Chương VI và trong các điều luật có liên quan ở các chương khác để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ được giao nhiệm vụ chính.

Ngoài phần báo cáo của mình, ông Việt cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội khi có ý kiến góp ý về dự thảo luật này quan tâm thảo luận, cho ý kiến tập trung vào một số vấn đề sau: về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Mời xem thêm:

Dự thảo Luật An ninh mạng: Không thể bỗng dưng chặn dịch vụ Internet

Nhiều vụ lộ thông tin bí mật nhà nước và người dùng qua mạng

An ninh mạng và nỗi lo riêng, chung

Sự bất lực của mạng xã hội

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới