Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc

Ngọc Lan

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Mặc dù kết quả thăm dò ý kiến Quốc hội trước ngày biểu quyết về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam cho thấy các đại biểu Quốc hội cơ bản thông qua chủ trương đầu tư dự án này nhưng phiên biểu quyết chính thức tại hội trường, Quốc hội đã chính thức nói không.

Dự thảo nghị quyết về dự án này được trình ra chiều ngày 19-6, trong phiên bế mạc kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khoá XII.

Theo dự thảo, cả hai phương án được trình ra đều được hiểu là biểu quyết tán thành hay không tán thành việc xây dựng đường sắt cao tốc. Phương án I (đã được xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước đó) viết rằng: “Trong thời gian tới, cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như từng vùng, góp phần đột phá trong phát triển”.

Phương án này chỉ nhận được 38,74% đồng tình, 42,38% đại biểu đã nhấn nút không đồng tình, 7,91% đại biểu khác không biểu quyết.

Theo phương án 2: “Tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM với tư tưởng chỉ đạo, nội dung và bước đi như nêu tại điều 2 của nghị quyết” (điều 2 nêu rõ lộ trình cụ thể của Chính phủ để thực hiện dự án).

42,19% đại biểu đã nhấn nút “không tán thành” chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc, 37,53% đại biểu tán thành và 16,83% đại biểu khác không biểu quyết.

Như vậy, với tỷ lệ thông qua cả hai phương án là thấp (chưa có phương án nào được 40% đại biểu tán thành) và tỷ lệ không thông qua lớn hơn tỷ lệ thông qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: “Do Quốc hội không thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp lần này nên giao Chính phủ chuẩn bị dự án kỹ hơn để trình ra kỳ họp Quốc hội lần sau”.

Đây được xem là kết quả biểu quyết khác hẳn với các kết quả thăm dò ý kiến (không nêu tên đại biểu) mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các đại biểu vài ngày trước. Tại lần thăm dò ý kiến hôm 16-6, có 57,17% đại biểu tán thành chủ trương đầu tư dự án. Với kết quả này, ngày 17-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi dự thảo nghị quyết về dự án để tiếp tục lấy ý kiến đại biểu. Đa số đại biểu tán thành với bản dự thảo này, chỉ có 28/456 văn bản gửi lại của đại biểu là không tán thành với dự án.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới