Quốc hội muốn lập lại trật tự trong khai khoáng
Ngọc Lan
![]() |
Một địa điểm khai khoáng ở Thái Nguyên bị tàn phá mà không hoàn nguyên nên trơ lại đỉnh núi bị phá nát. Ảnh:KTL |
(TBKTSG Online) – Luật khoáng sản (sửa đổi) là một trong những luật được quan tâm nhất tại kỳ họp Quốc hội lần này vì sự cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế và để lập lại trật tự trong công tác khai khoáng hiện nay.
Một trong những địa bàn đang “nóng” về khai thác khoáng sản (vàng ) bừa bãi là Cao Bằng. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Cao Bằng, ông Triệu Sỹ Lầu, trong cuộc thảo luận tổ ngày 2-6 đã yêu cầu tổ chức và cá nhân khai thác buộc phải có trách nhiệm khôi phục cơ sở hạ tầng và phải có chế tài trong luật, chứ không thể để tình trạng Luật khoáng sản có yêu cầu về việc hoàn thổ, hoàn nguyên nhưng doanh nghiệp thực hiện không nghiêm và môi trường ở nơi khai khoáng bị tàn phá nặng nề.
“Buộc phải trả lại mặt bằng, môi trường như cũ” cũng là yêu cầu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong vai trò đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. Tổng bí thư nói rằng, Luật khoáng sản ban hành 13 năm nay và hiện có rất nhiều điểm không còn phù hợp, xa rời thực tế. Yêu cầu đặt ra hiện nay là qua luật, phải khắc phục cho được công tác quản lý từ quy hoạch, thăm dò khai thác đến chế biến vì hiện trạng để lại sau khai khoáng hiện nay là “môi trường tan hoang”, theo lời Tổng bí thư.
Hơn nữa, Tổng bí thư cũng nói rằng làm sao để ở nơi khai thác tài nguyên, dân phải có đời sống khá hơn. “Nếu chưa làm được thì phải làm”, ông nói, “Chứ không thể để các doanh nghiệp và cá nhân khai khoáng biến những vùng đất này thành những nơi nghèo khổ và mang tài nguyên đi chỗ khác”.
Ông Triệu Sỹ Lầu đề nghị một việc cụ thể là ngoài các địa điểm khai khoáng vốn bị cấm thì luật sửa đổi phải cấm luôn các địa điểm khai khoáng nơi đầu nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất để tránh ảnh hưởng và làm nghèo đi đời sống của người dân nơi đây.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở dĩ khai khoáng chứa đựng nhiều rủi ro nhưng sức hấp dẫn lớn vì lợi nhuận nên từ năm 2000 nước ta mới có 427 doanh nghiệp khai khoáng thì đến nay đã có 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và không phải doanh nghiệp nào thành lập cũng vì mục đích đầu tư sản xuất và chế biến sâu. Hiện đã có 4.000 giấy phép thăm dò, khai thác mỏ do trung ương và các địa phương cấp cho doanh nghiệp, không tính đến các mỏ bị lực lượng khai thác lậu tàn phá. |