Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội phê phán khu vực DNNN không hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội phê phán khu vực DNNN không hiệu quả

Tư Hoàng

Quốc hội phê phán khu vực DNNN không hiệu quả
Kinh tế phát triển chậm lại trong nửa đầu năm nay. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thiếu hiệu quả sẽ là một trong những quan ngại chính trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016 tại Quốc hội ngày mai (29-7).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trong bản báo cáo thẩm tra của Quốc hội, cho biết thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ khu vực DNNN trong nửa đầu năm nay chỉ bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2015 là chưa hợp lý.

Tỷ lệ thu từ khu vực DNNN sụt giảm như trên là đáng ngại trong bối cảnh thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015 và thu từ khu vực công thương nghiệp – ngoài quốc doanh tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Hải cho biết, số thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đạt 36,4% dự toán, giảm 60% (giảm khoảng 9.300 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2015; thu từ Tổng công ty Khí chỉ đạt 19,1% dự toán, giảm 75% (giảm 1.400 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2015; thu từ Cụm khí – điện – đạm Cà Mau chỉ đạt 30% dự toán, giảm khoảng 280 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 26,9% dự toán, bằng 81,4% so với cùng kỳ năm 2015. Các doanh nghiệp thủy điện bị ảnh hưởng của tình hình thời tiết bất thường, hạn hán nghiêm trọng; các doanh nghiệp than, khoáng sản bị ảnh hưởng do giá bán giảm, chi phí sản xuất tăng cao.

Tuy nhiên, thực tế trên đã không được đưa vào trong báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Tài chính Ngân sách tỏ ý không hài lòng: “Ngoài nguyên nhân khách quan…, còn có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý nguồn thu dẫn đến số thu từ khu vực DNNN đạt thấp nhưng chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ”.

Ông Hải cho biết, một số ý kiến trong Ủy ban nhận xét, trong thời gian vừa qua, đầu tư ra nước ngoài của một số doanh nghiệp với số vốn gia tăng, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều dự án đầu tư không hoặc khó thu hồi vốn.

“Đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là của các DNNN và tác động của hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài đến tăng trưởng GDP trong nước và số thu NSNN”, báo cáo yêu cầu.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chuẩn bị thừa nhận, thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước trong tất cả các nguồn thu, đáng lưu ý là tiến độ thu ngân sách trung ương đạt rất thấp, chỉ khoảng 42% dự toán, thấp hơn nhiều so với mức đạt 46,3% cùng kỳ năm trước.

“Điều này sẽ gây khó khăn, bị động cho việc cân đối ngân sách trung ương”, ông Dũng khẳng định.

Báo cáo khẳng định, nền kinh tế nước ta vẫn đang trong đà phục hồi, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% là nhờ những nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút do các nguyên nhân bất khả kháng trong hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp.

Về những khó khăn kinh tế, báo cáo của Chính phủ thừa nhận, tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch; sản xuất nông nghiệp giảm sút mạnh; tiến độ thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; xuất khẩu không đạt kế hoạch và tốc độ tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm trước; nhập khẩu thiết bị máy móc có xu hướng giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đặc biệt, Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng xuất khẩu khi đã hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, lợi thế khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Nhiều yếu tố cả trên thế giới và trong nước đang làm tăng chi phí đầu vào và gây áp lực mặt bằng giá, lạm phát sẽ tác động đến lãi suất, tỷ giá và việc ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém; tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp (hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long),… đã gây ra những hậu quả rất lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Sự cố môi trường biển miền Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, phải mất thời gian dài mới tái tạo được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới