Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội sẽ can thiệp hợp lý vào đề án quy hoạch thủ đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội sẽ can thiệp hợp lý vào đề án quy hoạch thủ đô

Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII khai mạc vào ngày 20-5 tới và kéo dài trong vòng 1 tháng, sẽ có thảo luận một số vấn đề mà cử tri cả nước đang quan tâm bên cạnh các nội dung thường kỳ khác. Đó là báo cáo và thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – TPHCM và Đề án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Người phát ngôn của Quốc hội, ông Trần Đình Đàn nói hôm 17-5 rằng dù Quốc hội chỉ tham gia ý kiến chứ không quyết định bản đề án này nhưng sẽ có những ý kiến và can thiệp hợp lý để tránh gây ra những đột biến bất hợp lý trên thị trường bất động sản ở thủ đô hiện nay.

Theo ông Trần Đình Đàn, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 15/2009, giao cho Chính phủ xây dựng Đề án quy hoạch thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng quy hoạch như thế nào, Chính phủ lấy ý kiến Quốc hội và vẫn đang lấy ý kiến nhân dân ở ba miền Bắc, Trung Nam chứ chưa có những quyết định cuối cùng.

Ông Đàn cho rằng, trong phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, các đại biểu đã tỏ rõ những băn khoăn về việc bản đề án này đã được lập trên cơ sở cân đối thực trạng quy hoạch thủ đô mới được Quốc hội thông qua năm 1998 ra sao và bản quy hoạch năm 1998 đã được tuân thủ đến mức độ nào. Mức độ phát triển và ảnh hưởng đến đời sống dân cư mà bản đề án quy hoạch đang lập đã tính toán hết hay chưa. Liên quan đến bề dày lịch sử, văn hóa thủ đô thì giải quyết thế nào. Việc dự phòng cho trung tâm hành chính mới, gắn với trung tâm chính trị Ba Đình. Rồi các vấn đề khác liên quan đến điều kiện, phương diện tài chính để thực hiện đề án…

“Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm thế nào để bản đề án quy hoạch đang còn chỉnh sửa không thể bị lợi dụng, gây đột biến thị trường bất động sản thủ đô và các vùng lân cận”, ông Đàn nói. Và ông cho biết thêm rằng, dự thảo Luật Thủ đô sẽ không thông qua tại kỳ họp lần này mà tiếp tục chỉnh sửa.

Liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM mà Chính phủ chọn phương án xây mới (tốc độ 300 km/giờ), các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đồng ý với Chính phủ về sự cần thiết đầu tư và phương án lựa chọn. Tuy nhiên, do cần có thêm thời gian để thảo luận, thẩm tra tất cả các nội dung có liên quan đến dự án, trong đó có các phương án tài chính, phương án xử lý tuyến đường sắt hiện có, đặt trong quy hoạch tổng thể có liên quan… nên cũng chưa quyết định thông qua dự án ngay tại kỳ họp này.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 17-5, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết sẽ có 10 dự án luật, dự thảo nghị quyết được xem xét thông qua tại kỳ họp. Trong đó có các dự thảo luật (sửa đổi) quan trọng như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế nhà đất. Luật Trọng tài thương mại… và 6 dự án luật khác trình Quốc hội cho ý kiến như Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản (sửa đổi)…và một số vấn đề quan trọng khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới