Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội sẽ tranh luận về phát triển kinh tế và ngân sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội sẽ tranh luận về phát triển kinh tế và ngân sách

Kỳ họp Quốc hội cuối năm sẽ bàn sâu về vấn đề phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội, trong bối cảnh người nghèo bị ảnh hưởng lớn bởi lạm phát – Ảnh: LT.

(TBKTSG Online) – Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp cuối năm của Quốc hội, khai mạc ngày 16-10 tới sẽ là những vấn đề liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và sử dụng ngân sách.

Thông tin trên được Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đưa ra tại cuộc họp báo hôm 14-10 tại Hà Nội, hai ngày trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội khai mạc.

Theo ông Dũng, như thông lệ hàng năm, kỳ họp này luôn có vị trí quan trọng vì là thời điểm đánh giá lại việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2008 và xem xét, thông qua các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô cho năm 2009. “Nói riêng năm nay, chắc chắn phần tranh luận tại nghị trường sẽ là các vấn đề đang tác động đến sự phát triển của kinh tế vĩ mô trong cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra với tốc độ lan rộng nhanh trên toàn thế giới”, ông Dũng nói.

Ông cũng cho rằng Quốc hội sẽ xoáy sâu vào hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách như thế nào. Việc sử dụng đồng vốn và đầu tư nhà nước đã hợp lý hay chưa và tình trạng thất thoát, lãng phí ra sao thông qua việc xem xét các báo cáo chuyên đề mà một số đoàn giám sát Quốc hội trước đó đã thực hiện từ các địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn được hoàn thành nhưng nền kinh tế vẫn đang đối đầu với nhiều yếu kém, hạn chế. Mức tăng GDP năm nay dự kiến sẽ đạt từ 6,5% đến 7%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 24% (nội dung này Quốc hội trước đó không nêu con số cụ thể, chỉ đặt mục tiêu định tính).

Các chỉ số khác như kim ngạch xuất khẩu tăng 33,9%, nhập siêu ở mức tăng 29,2%. Cán cân thanh toán năm nay vẫn còn bị thâm hụt nhưng được bù đắp bởi thặng dư lớn trong cán cân vốn do các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA) tăng cao nên cán cân thanh toán tổng thể có thặng dư gần 2,7 tỉ đô la Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao cả vốn đăng ký và vốn thực hiện (dự kiến vốn đăng ký 60 tỉ đô la Mỹ và vốn thực hiện ước đạt 10-11 tỉ đô la Mỹ).

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận rằng tình hình lạm phát năm 2008 tăng cao khiến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp và người dân vùng sâu vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là sự gia tăng tình trạng tái nghèo. Việc kiểm soát giá cả thị trường chưa được chặt chẽ dẫn đến tình trạng các đợt tăng giá đột biến, gây hoang mang trong người dân.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới, Chính phủ đặt nhiệm vụ cho năm tới tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm chế lạm phát, ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô, trước hết là chính sách tài chính, tiền tệ và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã đặt ra ba kịch bản cho chỉ tiêu GDP năm 2009 và quyết định chọn chỉ tiêu tăng trưởng GDP  ở mức khá cao là 7% so với năm 2008.

Như vậy, chỉ tiêu GDP bình quân năm 2009 tính theo giá thực tế khoảng 1.820 ngàn tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 đô la Mỹ/năm. Bên cạnh đó, chỉ tiêu giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm ngư nghiệp khoảng 3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 8%, khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,8%. Chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 76,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 18% so với năm nay, nhập siêu ở mức 20,7 tỉ đô la (bằng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu) và khống chế tốc độ tăng CPI dưới 15%.

Ngoài ra, tại kỳ họp dự kiến kéo dài trong thời gian 26 ngày, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tám luật, trong đó có ba luật sửa đổi là Luật giao thông đường bộ, Luật quốc tịch Việt Nam và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Sáu luật khác sẽ được mang ra thảo luận lấy ý kiến đại biểu là Luật quy hoạch đô thị, Luật quản lý nợ khu vực công, Luật bồi thường nhà nước, Luật cơ quan đại diện tại nước ngoài, Luật lý lịch tư pháp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điểu của Bộ Luật hình sự.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới