Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội TQ bàn kế sách giải quyết các khó khăn kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội TQ bàn kế sách giải quyết các khó khăn kinh tế

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Ngày mai 5-3, kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khoá 12 sẽ khai mạc tại Bắc Kinh nhằm vạch ra các kế hoạch ứng phó với các khó khăn của nền kinh tế.

Quốc hội TQ bàn kế sách giải quyết các khó khăn kinh tế
Khói tỏa ra từ Nhà máy sắt thép Tonghua ở tỉnh Cát Lâm. Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tình trạng công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp sản xuất thép và xi măng. Ảnh: Bloomberg

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm ngoái chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua và thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh 45% kể từ mức đỉnh vào mùa hè năm ngoái.

Theo Tân hoa xã, kỳ họp lần này kéo dài khoảng 12 ngày, sẽ xem xét và thảo luận báo cáo dự thảo đề cương quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 13 và dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2016: 6,5-7%

Các dự thảo sẽ bao gồm các mục tiêu về tăng trưởng GDP, lạm phát, thương mại và ngân sách. Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% trong năm nay, theo nhận định của Reuters.

Đài truyền hình BBC cho rằng các con số cụ thể của mục tiêu tăng trưởng kinh tế tổng thể không quan trọng phương hướng tăng trưởng của Trung Quốc. Thông tin cần chú ý là tỷ trọng của các ngành đóng góp cho GDP và liệu ngành dịch vụ có phải đang tăng nhanh vai trò quan trọng của nó đối với nền kinh tế hay không?

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 13% trong năm 2016, một tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Trong khi đó, chỉ tiêu lạm phát sẽ là 3%, cao hơn gấp đôi mức lạm phát năm 2015.

Ngân hàng J.P. Morgan dự đoán Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ thông báo mục tiêu thâm hụt tài chính khoảng 3% GDP, tăng so với mức 2,4% vào năm ngoái .

Đài truyền hình BBC nhận định nổi bật của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 sẽ là cắt giảm công suất công nghiệp dư thừa và giảm nợ. Về cơ bản, kế hoạch 5 năm lần này sẽ đặt ra tầm nhìn của Trung Quốc về tiến trình chuyển tiếp từ một nền kinh tế tăng trưởng nhờ đầu tư sang nền kinh tế đặt trọng tâm vào dịch vụ và tiêu thụ.

Dẹp bỏ các nhà máy “xác sống”

Theo The Wall Street Journal, để giải quyết tình trạng dư thừa công suất, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách các ngành công nghiệp nhà nước bằng cách giải thể các nhà máy đang tồn tại lay lắt như các xác sống (zombie).

Trước đây, nhằm bảo đảm việc làm và duy trì ổn định xã hội, chính phủ Trung Quốc cùng ngân hàng nhà nước đã nối "ống trợ sinh" cho các doanh nghiệp thua lỗ bằng cách tái cấu trúc các khoản nợ, cung cấp các khoản tín dụng mới.  Hậu quả của những nỗ lực này là làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế, như công suất, sản lượng dư thừa và nợ tăng cao.

Giờ đây, Trung Quốc phải giải quyết hậu quả bằng cách dẹp bỏ các nhà máy zombie. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng tốc độ cải cách của Trung Quốc vẫn còn chậm.

Chẳng hạn, Bắc Kinh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cắt giảm sản lượng 150 triệu tấn thép nhưng thực tế, theo Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, dư thừa sản lượng thép hàng năm lên đến 400 triệu tấn.

Các chuyên gia kinh tế ở hai ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group và Nomura Holdings cho biết công suất ở một số ngành công nghiệp của Trung Quốc dư thừa đến 35%.

5-6 triệu lao động bị cắt giảm

Bao trùm lên không khí kỳ họp là các lo ngại về tác động xã hội nảy sinh từ các cải cách cấu trúc sâu rộng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong tuần trước khi kỳ họp diễn ra, chính phủ Trung Quốc đã liên tục bắn tín hiệu sẽ cắt giảm lực lượng lao động ở hai ngành công nghiệp chủ lực khai thác than và sản xuất thép như là một phần của nỗ lực loại bỏ tính thiếu hiệu quả và dư thừa công suất tại các công ty nhà nước.

Nhà kinh tế trưởng Wen Bin ở Ngân hàng Dân Sinh có trụ sở Bắc Kinh cho biết: “Cắt giảm công suất trong một số ngành truyền thống có thể gây áp lực cho việc làm nhưng các vấn đề này có thể quản lý được khi ngành dịch vụ vẫn tăng trưởng ở tốc độ nhanh”.

Reuters dẫn lời hai nguồn tin đáng tin cậy cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu cắt giảm 5-6 triệu lao động trong các công ty nhà nước trong 2 đến 3 năm tới.

Để bảo đảm ổn định xã hội, Trung Quốc sẽ chi gần 150 tỉ nhân dân tệ (23 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ việc làm cho những lao động bị sa thải trong ngành than và thép.

Ông Wen Bin nói: “Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là thị trường bất động sản”. Ông cho rằng chính phủ cần  phát triển một chính sách riêng biệt để hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản ở các thành phố nhỏ trong lúc đó cần phải giảm nhiệt ở những nơi bất động sản đang lên cơn sốt quá mức như Thượng Hải và Thâm Quyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới