Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quỹ đầu cơ vẫn thu hút sinh viên tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quỹ đầu cơ vẫn thu hút sinh viên tài chính

Tấn Lộc

Trường London Business School vẫn luôn thu hút sinh viên muốn làm việc cho các quỹ đầu cơ.

(TBKTSG Online) – Khi vào học ở London Business School, nơi đào tạo bằng MBA tài chính tốt nhất tương đương với Wharton, theo xếp hạng của Financial Times, Vik Kumar, 28 tuổi, chỉ có một ý nghĩ trong đầu: “Gia nhập một êkíp quỹ đầu cơ (hedge fund) cỡ lớn ở London”.

Cho dù thị trường chứng khoán London có bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão tài chính, cho dù chuyện đầu cơ và các hedge fund đang bị lên án nhiều nhất, kế hoạch của Vik Kumar vẫn không thay đổi. “Cuộc khủng hoảng này sẽ chẳng làm thay đổi cơ bản diện mạo tài chính. Con người ta vốn tham lam nên chừng nào các hedge fund còn giúp họ kiếm tiền thì họ sẽ đầu tư vào quỹ này”, anh khẳng định.

Tất nhiên mọi chuyện ngày nay có phần khó khăn hơn. Hơn một phần ba các hedge fund đã biến mất và các chuyên gia dự đoán rằng một phần ba khác sẽ đóng cửa. “Nhưng như vậy càng kích thích hơn. Cần phải thực sự can đảm mới thành công”, Kumar nói.

Cũng như khoảng 300 sinh viên khác ở London Business School, Kumar tin rằng ngành tài chính ở London sẽ tìm lại vinh quang quá khứ. Dù là cựu phụ trách tiếp thị, bác sĩ hoặc thậm chí nghệ sĩ đang tìm cách chuyển nghề, đa số đều đến trường này để làm việc tại một quỹ đầu tư hoặc một ngân hàng ở London. Họ sẽ tốt nghiệp vào năm 2010 và từ nay đến đó, ai cũng nghĩ rằng khủng hoảng sẽ đi qua và ngành tài chính sẽ lại trở thành trung tâm của nền kinh tế ở London. Và tất nhiên họ sẽ kiếm được nhiều tiền.

“Khi có khủng hoảng, tôi nghĩ rằng giờ dạy liên quan đến các quỹ đầu cơ sẽ vắng người học. Nhưng lớp học không còn chỗ trống”, giáo sư Drago Indjic nói. Lý do: dù các hedge fund ở châu Âu lục địa bị lên án như là biểu tượng của đầu cơ vô độ, ở London người ta lại nghĩ khác. “Tại đây, người ta biết rằng đất nước cần ngành tài chính và sẽ làm mọi cách để hồi phục nó”, ông nhận định.

Còn về thái độ thù ghét của công chúng đối với các các nhà tài chính tham lam và nhà đầu cơ xuất hiện tại London lúc khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính, “dường như người dân Anh bị sốc bởi vụ xì căng đan các phiếu thanh toán chi phí của Nghị viện nhiều hơn”, theo giáo sư Indjic. Đối với ông, kỹ nghệ hedge fund chính là “cuộc đua thể thức 1 của lĩnh vực tài chính, tất cả các sinh viên muốn tham gia đều sẽ kiếm được việc làm”.

Bản thân ông Indjic rất tự tin vì mọi chuyện dường như đã chuyển biến tốt hơn. Một số quỹ đạt hiệu quả đầu cơ từ 30 đến 60%. “Cuối tuần rồi, tôi dự hội thảo với 18 nhà quản lý hedge fund lớn nhất. Tất cả đều rất tự tin”, Sasheen Zaman, một học viên ở London Business School từng làm việc 5 năm tại một hedge fund ở Ấn Độ nhận xét. “2008 là năm rất xấu, nhưng chúng tôi cảm thấy đang có một cơ may thứ hai”, ông Henry Kenner, giám đốc quỹ đầu cơ Arrow Grass khẳng định.

Thay vì nói với khách hàng “hãy đưa chúng tôi tiền và đừng hỏi gì cả”, ngày nay các quỹ đầu cơ tỏ thái độ hợp tác hơn.

Liệu khủng hoảng có thay đổi được gì ở ngành này? “Cứ mỗi lần khủng hoảng, người ta lại nói về cải cách, nhưng thật ra chỉ có 20% những gì tuyên bố được thực hiện”, một nhà quản lý hedge fund nói thẳng thừng. “Hiện nay, các quỹ làm việc gần như trước kia, với một điều như thế này: khi có ai đề nghị giải thích, các quỹ không còn bảo rằng “hãy đưa chúng tôi tiền và đừng hỏi gì cả” như trước kia, mà họ tỏ thái độ hợp tác hơn”, Chris Manser, người đầu tư vào các hedge fund cho tập đoàn Axa IM nói.

Đối với các hedge fund, họ chỉ có một nỗi lo: “trục Pháp-Đức”. Pháp và Đức đấu tranh đòi cải cách việc điều tiết các hedge fund ở châu Âu. Hai chính phủ này có thể đã dựa trên một dự thảo nghị định sẽ áp đặt các quy định nghiệm ngặt đối với các quỹ đầu cơ nhằm lập ra một dạng “chứng nhận” chỉ cấp cho các quỹ đầu cơ đăng ký hoạt động ở châu Âu. Tại cuộc họp ngày 15-6 của Tổ chức lao động quốc tế (OIT) ở Geneva (Thụy Sĩ) có sự tham dự của khoảng một chục nguyên thủ quốc gia, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi nhóm G20 cần phải xây dựng lại một hệ thống tài chính hướng đến tài trợ cho các doanh nghiệp nhiều hơn là các nhà đầu cơ.

“Đây là sự điều tiết mang tính bảo hộ”, chủ tịch Antonio Borges của Hedge Fund Standar Boards, một tổ chức vận động hành lang vì lợi ích của các quỹ đầu cơ nói. Ông lo rằng các hedge fund giỏi nhất sẽ rời châu Âu. Trong khi đó, Vik Kumar và Sasheen Zaman, hai học viên của London Business School cho biết sẵn sàng đến làm việc tại Thụy Sĩ hoặc Singapore.

(tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới