Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy định mới cho ngành ô tô: Phía sau hàng rào kỹ thuật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy định mới cho ngành ô tô: Phía sau hàng rào kỹ thuật

Ngọc Lan

Quy định mới cho ngành ô tô: Phía sau hàng rào kỹ thuật
Tại thị trường trong nước, các nhà nhập khẩu ô tô lớn đồng thời cũng là các nhà sản xuất, lắp ráp. Ảnh: Quốc Hùng.

(TBKTSG Online) – Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ đứng trước bước ngoặt lớn kể từ ngày 1-1-2018 tới do Quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định 116/2017 sẽ chính thức có hiệu lực, siết rất chặt ô tô nhập khẩu. Đồng thời Bộ Tài chính dự kiến sẽ đề xuất giảm mạnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô theo chương trình ưu đãi thuế (2018-2022).

Từ "hàng rào kỹ thuật" bậc cao

Báo cáo của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình thu ngân sách 9 tháng được Thời báo Tài chính (16-10-2017) dẫn lại cho thấy số thu thuế 9 tháng đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do đã giảm một nửa… Lý do là 85% số thu nội địa của tỉnh này đến từ Công ty Honda Việt Nam và Công ty Toyota Việt Nam nay đã chuyển chiến lược kinh doanh, sang nhập khẩu 2 dòng xe nguyên chiếc là Civic và Fortune, thay vì sản xuất trong nước.

Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc Hoàng Văn Nội giải thích là từ đầu năm 2017, Toyota đã chuyển từ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu dòng xe Fortune. Nếu như năm 2016, sản lượng và mức tiêu thụ của doanh nghiệp này là 12.312 xe với số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp là 3.572 tỉ đồng thì năm 2017 do chuyển sang nhập khẩu 11.194 xe, Toyota chỉ phải nộp bổ sung 203 tỉ đồng thuế TTĐB. Dự tính hết cả năm 2017, nếu nhập khoảng 18.500 xe, số thuế TTĐB phải nộp là hơn 232 tỉ đồng. Con số này được coi là chênh lệch hụt thu rất lớn cho ngân sách tỉnh.

Mới chỉ tính riêng một dòng xe nhập khẩu (chưa phải là dẫn đầu về lượng tiêu thụ như Fortune), của một doanh nghiệp như Toyota khi thay đổi chiến lược kinh doanh từ sản xuất, lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc đã thấy có sự tác động lớn đến thu ngân sách, lên đến cả ngàn tỉ đồng. Nếu thống kê đầy đủ tình hình chuyển hướng từ sản xuất, lắp ráp sang nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI và nội địa của Việt Nam, chắc chắn con số này còn lớn hơn nhiều .

Việc Toyota, Honda, Ford hay Trường Hải, Thành Công quyết định hướng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp. Song mỗi một quyết định kinh doanh đưa ra đều trên cơ sở tính toán các chính sách, quy định đang và sẽ áp dụng của Nhà nước đối với ngành đó. Ở đây, việc chuyển hướng sang nhập khẩu mạnh trong khoảng thời gian qua của Toyota và Honda là do “sức mạnh” của Thông tư 20 áp dụng từ năm 2011 (yêu cầu các nhà nhập khẩu phải có ủy quyền của chính hãng) nên chỉ các doanh nghiệp lớn như Toyota hay Honda và sau đó là Trường Hải, Thành Công mới thực hiện được.

Nay, Nghị định 116/2017 ra đời càng củng cố thêm vị thế thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lắp ráp kiêm các nhà nhập khẩu lớn nói trên do từ 1-1-2018, theo quy định các nhà nhập khẩu phải sở hữu hoặc thuê cơ sở bảo dưỡng ô tô. Nhất là phải có văn bản xác nhận của nhà sản xuất cho phép nhà nhập khẩu tại Việt Nam có quyền triệu hồi xe. Mà quyền này không khác gì yêu cầu các nhà nhập khẩu phải có ủy quyền chính hãng mới được quyền triệu hồi. Nói khác đi, thị trường xe nhập khẩu kể từ năm 2018 sẽ càng được thâu tóm vào tay những nhà nhập khẩu lớn nhờ quy định của chính sách và loại các nhà nhập khẩu nhỏ ra khỏi thị trường.

Do đó, việc tăng nhập khẩu của Toyota, Honda… sẽ không còn là chuyện lạ. Nó còn cho thấy xu hướng thu hẹp sản xuất, lắp ráp và thậm chí có thể ngừng lắp ráp nhiều dòng xe khi mà việc nhập khẩu, nhờ mức thuế theo Hiệp định ATIGA mà Việt Nam cam kết, từ năm 2018 sẽ chỉ còn ở mức 0%.

Đến việc cắt giảm mạnh dòng thuế linh kiện

Nhưng còn một nghịch lý nữa là việc nhập khẩu ồ ạt này đến trong bối cảnh Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo xin ý kiến Chính phủ sửa đổi chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô và thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng (bổ sung vào Tờ trình về dự thảo Nghị định 122/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi). Nếu được Chính phủ chấp thuận, bộ sẽ có hai phương án giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô trong 5 năm  (2018-2020). Theo đó, xe dưới 9 chỗ ngồi, có dung tích xi lanh dưới 2.000cc, tiêu hao nhiên liệu ít, tiêu chuẩn khí thải Euro 4, xe tải dưới 5 tấn… sẽ được giảm thuế nhập khẩu 163 dòng thuế linh kiện về lắp ráp về mức 0%. Ngoài ra, giảm thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện về 7% (nay ở mức 14-16% cho xe dưới 9 chỗ) và còn 1% với xe tải dưới 5 tấn.

Phương án khác là giảm thuế suất thuế nhập khẩu các linh kiện động cơ, hộp số… về các mức thấp và tiến dần đến 0%, 42 dòng thuế linh kiện khác về mức 10% đến 15%…

Các mức giảm này được xem là rất mạnh so với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO nhằm gia tăng tỷ lệ sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp trong nước, đón đầu dòng vốn nội đang đẩy mạnh vào công nghiệp sản xuất ô tô.

Tuy nhiên với xu hướng thâu tóm thị trường nhập khẩu xe vào một số doanh nghiệp lớn, đồng thời phần lớn số doanh nghiệp này cũng chính là các nhà sản xuất, lắp ráp thì không rõ “chính sách bảo hộ” cho các doanh nghiệp ô tô bằng các cách khác nhau, từ nhập khẩu đến sản xuất sẽ đưa bức tranh thị trường ô tô trong nước sau năm 2018 đi theo hướng nào có lợi thật sự cho người tiêu dùng?

Mời xem thêm:

Hết đường cho nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới