Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy định mới về điểm bán lẻ sẽ can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp?

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các quy định về phân loại cửa hàng, siêu thị… trong dự thảo mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến được các chuyên gia cho là không cần thiết, mang tính kỹ thuật và can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Thậm chí doanh nghiệp còn cho rằng một số tiêu chí mới đặt ra của dự thảo này là bước lùi với tính thị trường hiện nay, thiếu cạnh tranh và không khả thi…

Các chuyên gia cho rằng quy định mới về điểm bán lẻ can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TL

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư phân loại, quản lý loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có mô hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, cửa hàng tiện lợi…

Nội dung của dự thảo Thông tư này là yêu cầu thương nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại tự tiến hành phân loại, phân hạng loại hình hạ tầng thương mại kinh doanh dựa trên các tiêu chí quy định tại Thông tư này, và sẽ bị xử phạt nếu phân loại không chính xác.

Cụ thể với cửa hàng tiện lợi, dự thảo đưa ra một số tiêu chí mới như chủ yếu phục vụ khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m; đặt tại khu dân cư, nơi tập trung đông người, giới hạn diện tích kinh doanh 30-200 m2; bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tại quầy thu ngân; có khoảng 3.000 mặt hàng trong mỗi cửa hàng…

Chỉ riêng quy định mô hình cửa hàng tiện lợi, tiêu chí trong dự thảo này theo một nhà bán lẻ là thấy một số điểm bất hợp lý và thiếu tính khả thi.

Bởi quy định bán cho khách hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m, nhà bán lẻ này đặt câu hỏi tại sao lại đưa ra tiêu chí hạn chế lượng khách hàng đến cửa hàng tiện lợi? Nhà bán lẻ cho rằng tiêu chí này thực tế khó kiểm soát và không nhất thiết phải đưa vào quy định vì chẳng ai kiểm soát khách hàng đến cửa hàng mình từ đâu, có ngoài bán kính cửa hàng theo quy định… Và nếu cửa hàng phục vụ khách mua ngoài 500 m có bị vi phạm pháp luật và bị xử phạt?

Đã hoạt động tronh lĩnh vực bán lẻ khoảng 40 năm nay, ông Vũ Vinh Phú cho biết, dự thảo tiêu chí này quá bất hợp lý. Theo ông, siêu thị, cửa hàng tiện lợi sinh ra là để phục vụ mọi đối tượng người dùng, mọi khách hàng.

Theo đó, việc phân chia như dự thảo là quá cứng nhắc, không thực tế và có chiều hướng thụt lùi. “Tiêu chỉ này chẳng những ảnh hưởng đến nhà kinh doanh tại cửa hàng vì hạn chế lượng khách mà còn vi phạm quyền lời của người tiêu dùng”, ông Phú nói, và đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ những khách hàng ở vị trí không thuộc phạm vi 500 m của cửa hàng là không được mua sản phẩm tại cửa hàng này?”.

Một chuyên gia trong ngành bán lẻ lớn ở TPHCM không tiện nêu tên cho rằng có người tiêu dùng không thích đến cửa hàng ngay bên cạnh nhà mình nhưng lại sẵn sàng đến cửa hàng cách xa hàng chục cây số để chỉ mua sắm vài sản phẩm đơn giản vì yêu thích thương hiệu, giá hàng hóa rẻ, nhân viên phục vụ tốt của cửa hàng này,…

Theo ông Phú, điều quan trọng là chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thưc phẩm, thái độ phục vụ văn minh… Những điều này trong dự thảo chưa thấy được nêu. “Quan tâm đến cái ruột của cửa hàng là quan trọng nhất, dựng một cửa hàng đã khó, giữ cửa hàng còn khó hơn trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay”, ông Phú lưu ý.

Góp ý với Bộ Công Thương về quy định của dự thảo này, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan này bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi chủ yếu bán cho khách trong phạm vi 500 m vì không khả thi.

Chỉ riêng quy định mô hình cửa hàng tiện lợi, tiêu chí trong dự thảo của Bộ Công Thương theo một nhà bán lẻ là thấy bất hợp lý và thiếu tính khả thi. Ảnh minh họa: TL

Ngoài ra, theo VCCI, dự thảo có nhiều quy định bất hợp lý can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Cụ thể, dự thảo yêu cầu tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh.

Theo VCCI, các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách.

Tương tự, quy định về chủng loại, ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh và số lượng hàng hóa bán trong cửa hàng hay ở siêu thị… theo các doanh nghiệp và giới phân tích là không cần thiết.

Cơ quan quản lý chỉ nên cấm các chủ cửa hàng, siêu thị… bán những mặt hàng mà nhà nước cấm, còn lại để thị trường tự điều tiết, không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Ngoài ra, dự thảo yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng.

Các quy định này theo VCCI cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Theo VCCI, việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.

Hay quy định siêu thị hạng I và II phải có nơi bảo quản hành lý cá nhân, phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho ngân hàng… VCCI cũng cho là không cần thiết, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Liên đoàn này, việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp. VCCI đề nghị Bộ Công Thương bỏ tất cả các quy định trên.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư này cũng đề xuất nhiều quy định như siêu thị, trung tâm thương mại phải có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hoá; công trình kiến trúc vững chắc, thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại; cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng…

VCCI cho rằng, các quy định như trên có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt doanh nghiệp, nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức.

Trước đó, các chuyên gia cũng nhận xét tiêu chí đưa ra với phát triển hạ tầng thương mại tại dự thảo này không hợp lý. Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra nhưng không phù hợp với thực tế.

Theo chuyên gia bán lẻ và thương mại Vũ Vinh Phú: “Cơ quan quản lý cần hướng tới quy định để nâng tính cạnh tranh, quản trị của các loại hình hạ tầng thương mại, trong đó có cửa hàng tiện lợi”.

Theo Bộ Công thương, thông tư này sẽ thay thế Quyết định 1371 ngày 24-9-2004 của Bộ trưởng Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới