Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy định về kinh doanh homestay: Cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy định về kinh doanh homestay: Cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng

Luật sư Kiều Anh Vũ (*)

Quy định về kinh doanh homestay: Cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng
Du khách nước ngoài tại Hội An, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG) – Quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình homestay (dịch vụ lưu trú tại nhà dân địa phương) do UBND thành phố Hội An và UBND tỉnh Quảng Nam ban hành có dấu hiệu trái với các quy định của Luật Đầu tư và Luật Du lịch về điều kiện kinh doanh; đi ngược lại với các quy định về quyền tự do kinh doanh, không bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh và không phân biệt đối xử.

Quy định của Hội An và Quảng Nam

Mới đây, UBND thành phố Hội An ban hành Kế hoạch số 4044/KH -UBND ngày 31-10-2017 về phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch thành phố Hội An giai đoạn 2017-2020. Theo đó, chủ kinh doanh homestay phải là người dân Hội An (không có vợ hoặc chồng là người nước ngoài), có hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà xin đầu tư, đảm bảo ít nhất hai thế hệ đang sinh sống tại ngôi nhà xin kinh doanh và hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tại thời điểm xin chủ trương đầu tư. Quy định này được đưa ra nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu truyền thống, văn hóa, lịch sử, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương đến với khách du lịch.

Không riêng gì thành phố Hội An, đối với hoạt động kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh này đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 3890/QĐ-UBND ngày 2-11-2017. Theo đó, điều kiện chung để kinh doanh homestay là chủ kinh doanh homestay có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp về đất và nhà ở; chủ kinh doanh homestay phải có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và hiện đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh; hộ gia đình phải đảm bảo các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khuyến khích hộ gia đình có từ hai thế hệ cùng sinh sống; thực hiện đăng ký kinh doanh và tổ chức kinh doanh theo đúng ngành nghề đăng ký…

Như vậy, chưa kể đến các quy định của pháp luật hiện hành thì có thể thấy ngay quy định về điều kiện kinh doanh homestay theo hai văn bản trên của UBND thành phố Hội An và UBND tỉnh Quảng Nam cũng có sự khác biệt nhất định và bất nhất. Quy định của UBND thành phố Hội An theo hướng khó khăn hơn (không có vợ hoặc chồng là người nước ngoài; phải đảm bảo có từ hai thế hệ cùng sinh sống chứ không phải là khuyến khích điều này như quy định của UBND tỉnh Quảng Nam…) và rõ ràng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh giữa các địa bàn trong cùng phạm vi tỉnh Quảng Nam.

Điều kiện về chủ thể kinh doanh thì chỉ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, không thể bắt nhà đầu tư phải là người địa phương, có hộ khẩu địa phương, hay hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ vì kết hôn với người nước ngoài!

Quy định của pháp luật

Homestay thực chất là một loại hình lưu trú du lịch, là hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch theo loại hình “nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê” được quy định theo Luật Du lịch và các quy định liên quan.

Theo phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014, kinh doanh dịch vụ lưu trú là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo điều 64 Luật Du lịch hiện hành (Luật Du lịch 2005), điều kiện để kinh doanh lưu trú du lịch, kể cả homestay, là: có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch; có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch; đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), cơ sở lưu trú du lịch khác thì phải bảo đảm trang thiết bị tối thiểu đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Luật Du lịch 2017 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) cũng quy định tương tự tại khoản 1 điều 49.

Như vậy, theo quy định của luật chuyên ngành về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ lưu trú du lịch, kể cả homestay, không có bất kỳ điều kiện nào quy định về chủ thể kinh doanh homestay phải là người địa phương, phải có hộ khẩu địa phương, hay điều kiện về hôn nhân (không có chồng hoặc vợ là người nước ngoài).

Đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp cũng đã được quy định rõ tại khoản 2, điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, không hạn chế đối tượng thành lập và quản lý doanh nghiệp theo các điều kiện về cư trú (thường trú, hộ khẩu) hay hôn nhân.

Có thể thấy, những quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình homestay theo quy định của UBND thành phố Hội An và Quảng Nam là không phù hợp với pháp luật hiện hành. Các địa phương này đang đặt ra những điều kiện kinh doanh không được luật cho phép, đang đặt ra các rào cản cản trở quyền tự do kinh doanh và không đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Việc UBND thành phố Hội An ban hành điều kiện kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài là có dấu hiệu đi ngược lại với chính sách hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; điều kiện kinh doanh liên quan đến dân địa phương, hộ khẩu cũng là điều kiện kinh doanh đi ngược lại chính sách cải cách của Chính phủ hiện nay.

Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Khoản 1, điều 7 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp “được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Khoản 1, điều 5 của Luật Đầu tư quy định: “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm”. Điều 6 Luật Cạnh tranh cũng quy định, cơ quan nhà nước không được phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, khoản 3 điều 7 của Luật Đầu tư năm 2014 quy định rõ điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chỉ được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh”.

Các lý do được đưa ra trong việc ban hành các điều kiện kinh doanh tại Hội An, Quảng Nam là vì bảo vệ văn hóa, truyền thống địa phương. Điều này là rất quan trọng và cần thiết nhưng phải được thực hiện bằng những biện pháp phù hợp, đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật chứ không thể ban hành các điều kiện kinh doanh trái luật, bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Điều kiện kinh doanh chỉ căn cứ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hướng dẫn các luật này, địa phương không thể ban hành các quy định riêng về điều kiện kinh doanh.

Muốn quản lý hoạt động kinh doanh homestay, vừa đảm bảo được yếu tố văn hóa địa phương, vừa không trái luật, thì việc quản lý cần phải phân biệt chủ thể kinh doanh dịch vụ này với người dân có nhà và phòng cho thuê chứ không nên đánh đồng cả hai chủ thể này và buộc chủ thể kinh doanh phải chính là chủ căn nhà. Có thể điều kiện để nhà ở có phòng cho thuê đưa vào kinh doanh homestay thì phải là nhà ở tại địa phương, có người dân địa phương cư trú và quy định về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện đối với chủ sở hữu, sử dụng căn nhà (tham chiếu tiêu chuẩn Việt Nam về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (TCVN 7800:2009) cũng như tiêu chuẩn của ASEAN về homestay – Tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê của ASEAN); còn điều kiện về chủ thể kinh doanh thì chỉ căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, không thể bắt nhà đầu tư phải là người địa phương, có hộ khẩu địa phương, hay hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ vì kết hôn với người nước ngoài!

(*) KAV Lawyers

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới