Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy định về thu hồi, định giá đất làm ‘nóng’ nghị trường Quốc hội

Y.Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội khi góp ý kiến trong phiên họp sáng ngày 14-11 cho rằng khi sửa Luật Đất đai cần quy định rõ trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh xảy ra khiếu kiện khi lợi ích không hài hòa giữa các bên. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên độc lập trong việc định giá đất.

Lần sửa Luật Đất đai này dự kiến kéo dài trong 3 kỳ họp, và kỳ họp vào tháng 11-2022 này là kỳ đầu tiên Quốc hội bàn thảo. Ảnh minh họa: H.P

Hài hòa lợi ích các bên trong thu hồi đất

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 14-11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và mọi người dân.

Báo cáo thường niên của Chính phủ cho thấy khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo.

“Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt, hay tạo kẽ hở trục lợi, lợi ích nhóm,” ông nêu ý kiến.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần làm rõ việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định; do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân.

Ông đề nghị tiếp cận theo hướng, những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế-xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi. Các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư sẽ thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) quan tâm tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất. Ông cho rằng đây là một trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.

Ông dẫn ra Điều 86 của dự thảo Luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ông đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.

“Nhà nước không nên thu hồi đất để xây dựng đô thị, khu dân cư. Thời gian qua các dự án này mang lại lợi ích cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Nhưng việc này lại phát sinh rất nhiều khiến kiện. Nguyên nhân là Điều 63 trong luật hiện hành quy định rất chung chung”, ông nói và đề nghị với các dự án thuần thương mại cần tiếp tục cơ chế thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, tách biệt hoàn toàn với trường hợp thu hồi vì an ninh – quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng thể chế, chính sách phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp hay góp vốn, định giá). Tuy nhiên, phải thống nhất một mức giá theo quy định của nhà nước, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch; đồng thời, cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này.

Đối với quy định về giá đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể.

Do đó, bà đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hằng năm.

Khi thu hồi đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị cần đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không thể để người dân bị thu hồi đất rơi vào thế bị động, thiệt thòi khi giá đền bù không bằng giá thị trường.

Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) nêu dẫn chứng dự án nào người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận được thì rất tốt, nhưng thực tế ở Hưng Yên thì nhiều nhà đầu tư thiệt hại và không thể triển khai dự án khi một số ít người dân không chấp nhận đàm phán.

“Nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền rất lớn, gấp nhiều lần thỏa thuận đền bù trước đó với các hộ dân khác. Thậm chí có những trường hợp giá nào cũng không nhận. Nếu chấp nhận thì gây mâu thuẫn chính trong cộng đồng người dân”, ông nói.

Ông cho rằng vẫn nên cân nhắc vấn đề Nhà nước thu hồi đất, sau đó lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu đấu giá. Làm được như vậy thì phải có mặt bằng sạch. Vấn đề là Nhà nước phải thu hồi cần hài hòa 3 bên là nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Định giá đất và cơ chế kiểm soát thỏa thuận

Vấn đề giá đất được định như thế nào cũng được các đại biểu bàn luận. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân cần xem xét thấu đáo vì vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.

“Cần nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận trong chuyển quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp hay thỏa thuận về giá đất”, ông đề nghị cơ quan soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổng kết từ thực tiễn, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng cùng một khu vực, nếu Nhà nước thu hồi đền bù theo giá Nhà nước. Nhưng cũng ở khu vực đó, điều kiện như nhau, doanh nghiệp thỏa thuận thì giá cao hơn. Do vậy phát sinh sự so bì và khiếu nại. Ông đề nghị xem xét việc định giá đất và có cơ chế kiểm soát thảo thuận.

Về việc áp giá đền bù, đại biểu đánh giá cao quan điểm của cơ quan soạn thảo khi đền bù theo đơn giá xây dựng mới, chứ không theo hiện trạng thu hồi đất.

“Đây là cách tiếp cận rất hay. Nếu đền bù giá theo khấu hao tài sản thì người dân không thể xây dựng nhà ở chỗ mới, điều này đảm bảo họ xây dựng được nơi ở mới”, ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng việc định giá đất thì cơ quan thẩm định giá theo cơ chế thị trường thì nên độc lập hoàn toàn với cơ quan UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, cần có sự tư vấn của đơn vị chuyên môn trong định giá, có ràng buộc trách nhiệm, quy định rõ năng lực và tiêu chuẩn.

Ông cũng nhấn mạnh việc định giá đất thì cần phải làm công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến các bên liên quan. Bởi thực tiễn cho thấy khiếu kiện đất đai do thiếu hài hòa lợi ích, câu chuyện được mất khác nhau.

“Khiếu kiện đất đai do thiếu hài hòa lợi ích, kể được người mất. Có doanh nghiệp thâu tóm đất với giá rẻ, mua đi bán lại, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, người dân thì bàn giao đất với giá rất thấp”, ông nêu thực tiễn.

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nhất trí với nội dung được trình bày tại Tờ trình của Chính phủ. Theo đại biểu, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin rất lớn vào Quốc hội; đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng, tiến độ sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết được các bức xúc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiến tạo phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển những năm tới.

Trước yêu cầu trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Quốc hội xem xét tổ chức một kỳ họp chuyên đề để thảo luận sâu về dự án luật có vai trò quan trọng này.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), sửa đổi luật phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Đất đai, phải rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất đai vẫn phải sửa đổi nhiều luật, hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác.

Đây cũng là luật tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến phải 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới