Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quy định về vốn góp nhiều kẽ hở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quy định về vốn góp nhiều kẽ hở

Minh Tâm

Quy định về vốn góp nhiều kẽ hở
Các chuyên gia kiến nghị cần có những quy định cụ thể hơn nữa về việc cam kết góp vốn và thực góp. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Quy định chưa chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật về vốn điều lệ, về việc góp vốn thành lập doanh nghiệp đã tạo ra những kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, lừa đảo đối tác, tạo ra vốn “ảo”. Khi xảy ra sự cố, việc khởi kiện để đòi quyền lợi trong nhiều trường hợp lại không có tác dụng khi bản án do toà phản quyết không thể thi hành.

Đây là thực tế được nhiều luật sư phản ánh tại hội thảo: “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại” diễn ra ngày 24-8 tại TPHCM. Hội thảo là một hoạt động nằm trong Dự án rà soát 16 Luật liên quan đến doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong năm 2011.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thương mại Độc Lập dẫn chứng, điều 30 của Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Thành viên phải góp đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết. Trường hợp chưa góp đủ thì số vốn chưa góp được xem là nợ đối với công ty”.

Trên thực tế, theo ông Nghĩa, rất nhiều cổ động sáng lập và là thành viên công ty TNHH không góp đủ vốn và doanh nghiệp hạch toán ghi nợ cho cổ đông. Điều này đã dẫn đến tình trạng bán cố phẩn khi chưa góp vốn thực sự, nhiều người thành lập công ty nhưng thiếu khả năng tài chính, có thể đi lừa đảo người khác…

Cũng theo ông Nghĩa, việc cho phép ghi nợ vốn góp rất khó giải quyết khi có sự cố xảy ra. Ông Nghĩa cho biết, từng có khách hàng đến tư vấn trường hợp như sau: người cha góp vốn thành lập công ty nhưng số thực góp chưa đủ với cam kết và được ghi nợ. Tuy nhiên, khi người cha này chết, cô con gái với tư cách là người hưởng thừa kế lại phải đóng một khoản tiền rất lớn là thuế thu nhập cá nhân (10% trên tổng số tiền góp vốn trên giấy tờ) trong khi thực tế số tiền thực góp còn thấp hơn số tiền thuế phải đóng. "Việc xác định giá trị tài sản thừa kế là phần vốn góp trong doanh nghiệp với kiểu ghi nợ này rất phức tạp", ông Nghĩa nói.

Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn doanh nghiệp K và các cộng sự – một thành viên trong nhóm rà soát Luật Doanh nghiệp – nêu ý kiến cần làm rõ vốn góp và vốn điều lệ. Theo quy định tại điều 4.6 Luật Doanh nghiệp 2005, vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Trong khi đó, Nghị định 102/2010 quy định về vốn điều lệ cho công ty TNHH là tổng giá trị số vốn đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn cụ thể. Những quy định như trên đã tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng việc được phép cam kết góp vốn (chứ không phải thực góp) để lừa bên thứ ba khi tạo ra một nguồn vốn rất lớn nhưng thực chất là ảo.

Ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng văn phòng luật sư VNC cũng đồng tình, quy định về vốn góp và vốn thực góp không rõ ràng đã làm cho tình trạng "vốn ảo" quá nhiều. Theo ông Sơn, có khách hàng của ông đăng ký vốn 10 tỉ đồng do nhiều cá nhân và doanh nghiệp góp nhưng trên thực tế không được bao nhiêu, việc đăng ký vốn cao chỉ là lấy danh và làm cho vui.

Ông Sơn cho rằng, hậu quả của thực tế trên rất đáng lo ngại khi nhiều hợp đồng, giao dịch vẫn được ký kết giữa những doanh nghiệp "vốn ảo" này với đối tác. Khi có vấn đề xảy ra, những người bị lừa không thể được bồi hoàn dù đã khởi kiện ra tòa. Ông Sơn cho biết, thời gian vừa qua, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp khan vốn như hiện nay, văn phòng luật VNC nhận các yêu cầu khởi kiện của khách hàng để đòi nợ đối tác tăng hẳn. Và hơn một nửa trong số các vụ kiện này, sau khi có phán quyết của tòa án cũng không thi hành được vì tài sản của bị đơn bằng 0.

“Tuy nhiên, nếu tính cả số lượng những khách hàng đã từ bỏ ý định khởi kiện sau khi chúng tôi đề nghị nên xác minh về tài sản thực của bị đơn, về khả năng thi hành án thì con số này còn cao hơn nữa. Nguyên nhân là nhiều người sau khi xác minh thấy con nợ không có tiền đã từ bỏ ý định khởi kiện để đỡ tốn thời gian”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân của thực trạng trên nằm chỗ công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng về việc đăng ký vốn của doanh nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến những hậu quả không nhỏ.

Theo luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, bản thân các văn bản quy phạm pháp luật hiện có về vấn đề góp vốn cũng không có những cơ chế vận hành để cơ quan tố tụng có thể áp dụng khi giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện dạng này.

Ông Anh dẫn chứng, theo Nghị định 102/2010, cơ quan chức năng có nhiệm vụ hậu kiểm về đăng ký vốn, góp vốn của doanh nghiệp. Trong trường hợp thực hiện kiểm tra, nếu số vốn không đúng như đăng ký sẽ thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh và cấp lại giấy khác với số tiền thực tế. Vậy, vấn đề đặt ra là khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến doanh nghiệp bị kiểm tra này (chẳng hạn như doanh nghiệp trên trước thời điểm kiểm tra có ký hợp đồng giao dịch với khách hàng) thì ai sẽ chịu trách nhiệm tài chính, con số để tính thiệt hại là con số trước hay sau kiểm tra? “Hiện không có quy định, văn bản nào nói về trường hợp này”, ông Anh nói.

Các chuyên gia kiến nghị, Luật Doanh nghiệp cần phải được điều chỉnh, sửa đối các điều luật liên quan đến vốn góp, vốn thực góp cũng như những vấn đề liên quan để chặn các kẽ hở hiện có, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người kinh doanh.

Ông Sơn của VNC đề xuất, nên có một bộ phận chuyên trách ở các sở kế hoạch và đầu tư làm nhiệm vụ kiểm tra, xác minh về vốn của doanh nghiệp chứ không để tình trạng không thực hiện nổi như hiện nay. Kiểm tra tốt sẽ giúp các doanh nghiệp khi làm ăn, hợp tác kinh doanh sẽ có những thông tin chính xác trước khi quyết định.

Ông Nghĩa của Công ty Độc Lập cho rằng, vốn chủ sở hữu chỉ ghi nhận trên số vốn thực góp và không chấp nhận ghi nợ vốn góp của các thành viên. Luật gia Cao Bá Khoát kiến nghị nên quy định rõ là vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông đóng góp hoặc cam kết góp đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại” trước khi được tổ chức tại TPHCM cũng đã diễn ra tại Hà Nội vào tuần trước để lấy ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia luât. Các ý kiến đóng góp sẽ được tập hợp để trình lên các bộ ngành liên quan, Chính phủ và Ủy ban Quốc hội để có những điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

Kiến nghị bỏ Luật Đầu tư

Tại hội thảo hôm 24-8, khá nhiều đại diện doanh nghiệp và các luật sư đã nêu ý kiến nên bỏ Luật Đầu tư vì có quá nhiều điều chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác, cũng như bất hợp lý, khó thực thi. Phương án được đưa ra là chỉ giữ lại các quy định mà Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Doanh nghiệp chưa đề cập và tạo thành một chương ghép chung vào Luật Doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhóm rà soát về Luật Thương mại 2005 đã chỉ ra gần 60 quy định trong luật này chưa hợp lý, chưa rõ ràng, chưa minh bạch, thiếu tính khả thi.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới