Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, để làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, để làm gì?

Vân Oanh

Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, để làm gì?
Bộ trưởng Nguyễn Quân

(TBKTSG Online) – Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia với khoản ngân sách hàng nghìn tỉ đồng vừa được thành lập. Nhưng vì sao quỹ này ra đời khi đã có Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân xung quanh vấn đề này.

– Xin Bộ trưởng cho biết vì sao đã có Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia, giờ lại có thêm Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia?

Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia đã hoạt động được 5 năm qua và đã có tác động rất mạnh cho nền khoa học công nghệ Việt Nam. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam thông qua các đề tài do quỹ tài trợ tăng lên với tốc độ trên 20%/năm. Nếu như trước đây mỗi năm có mấy trăm bài báo quốc tế thì trong năm 2014 Việt Nam đã vượt qua 2.200 bài báo quốc tế trên các tạp chí của thế giới. Điều đó cho thấy cơ chế quỹ có tác dụng thúc đẩy hoạt động sáng tạo rất lớn.

Nhưng Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia mới chỉ đảm đương được một nhiệm vụ là tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, một số nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong nền kinh tế.

Cơ chế quỹ phải được áp dụng rộng rãi hơn nữa cho tất cả các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng. Do đó Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia ra đời nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Quỹ sẽ giúp cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học; kể cả công nghệ nhập khẩu và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ của DN. Quỹ vừa được ra mắt đi vào hoạt động với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.

– DN có thể trông đợi gì từ quỹ này thưa bộ trưởng?

Tại Việt Nam, hầu hết các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với doanh thu và lợi nhuận còn rất khiêm tốn. Họ không có đủ năng lực để tự đầu tư và đổi mới công nghệ. Trong khi đó nước ta đang bước vào nền kinh tế thị trường, mở cửa, dỡ bỏ hàng rào thuế quan, dỡ bỏ các rào cản thương mại… Nếu DN không đổi mới công nghệ, không có sản phẩm mới, các sản phẩm không có sức cạnh tranh thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Chính vì thế Chính phủ phải hỗ trợ cho DN khẩn trương đổi mới công nghệ.

Với những DN nhỏ và siêu nhỏ, với sự hỗ trợ của Chính phủ, có khi chỉ 1 vài tỉ đồng đã có thể giúp họ thay đổi công nghệ, tạo được sản phẩm mới. Chưa kể tác dụng gián tiếp của các đề tài nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, các trường đại học đã được nhà nước đầu tư trong rất nhiều năm qua với nguồn đầu tư tương đối lớn, bây giờ thương mại hóa chỉ cần nguồn vốn nhỏ của nhà nước hỗ trợ thì DN có thể hoàn thiện sản phẩm, thương mại hóa và đưa ra thị trường. 

– Vậy những DN nào sẽ được hỗ trợ từ quỹ này, thưa ông?

Quỹ này trước hết là nhằm vào các DN khoa học công nghệ, DN khởi nghiệp, DN được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường đại học và những doanh nhân có tinh thần khoa học, có bằng sáng chế, có kết quả nghiên cứu, có giải pháp hữu ích… và bây giờ họ đưa vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước hỗ trợ họ bằng việc đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, hỗ trợ họ tiếp thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Lĩnh vực công nghệ được ưu tiên là công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí tự động hóa. Mức cao nhất mà quỹ hỗ trợ DN tối đa là 30% tổng kinh phí dự án do DN xây dựng, DN phải tự bỏ ra phần còn lại. Tỉ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc nội dung của dự án. Nếu dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao thì mới được hưởng tài trợ tối đa.

Với số vốn 1.000 tỉ của quỹ, các DN công nghệ hoàn toàn có thể có được nguồn vốn đủ lớn để đổi mới công nghệ. Do đó các DN khoa học công nghệ hãy quan tâm đến sử dụng nguồn vốn của quỹ, kể cả nguồn vốn tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng đến nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Thậm chí với những dự án lớn sẽ được quỹ bảo lãnh vốn vay để có thể sử dụng vốn từ các ngân hàng thương mại trong quá trình đổi mới công nghệ và đầu tư cho sản phẩm mới.

Quỹ sẽ thường xuyên có 1.000 tỉ đồng tiền ngân sách, hết lại được nhà nước cấp. Tất nhiên nhà nước sẽ kiểm soát hiệu quả sử dụng mới đầu tư thêm. Do đó trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này phải đặt lên hàng đầu.

– Vậy bộ trưởng cho biết bộ sẽ làm sao để tránh cơ chế xin – cho trong việc nhận vốn từ quỹ?

Bộ sẽ không để cho cơ chế xin cho chi phối hoạt động của quỹ. Vì quy trình thủ tục là các DN khi có nhu cầu đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới phải xây dựng dự án và phải được thông qua bởi một cấp quản lý lĩnh vực ấy. Ở địa phương thì dự án đó phải phù hợp với xu hướng, định hướng phát triển của địa phương. Nếu ở bộ ngành phải phù hợp với chiến lược phát triển của bộ ngành đó. Sau đó, Bộ sẽ thành lập hội đồng tư vấn gồn các nhà khoa học, quản lý đầu ngành để tư vấn cho Bộ và ban điều hành của quỹ. Bộ cũng tiến hành thẩm định tài chính để hỗ trợ của nhà nước phải đúng. Quỹ không tài trợ cho việc mua sắm trang thiết bị hay nguyên vật liệu của DN và phải chọn đúng doanh nghiệp có tinh thần đổi mới.

Chủ DN được chọn nhận hỗ trợ từ quỹ phải có trình độ nhất định, có tâm huyết để không có động cơ sử dụng sai mục đích nguồn kinh phí. Sau khi Bộ phê duyệt cho DN được nhận vốn từ quỹ, các đơn vị chức năng của bộ cùng với ban điều hành quỹ sẽ giám sát toàn bộ quá trình sử dụng kinh phí cho dự án của DN. Bộ có đánh giá định kì, đánh giá giữa kì và có thể kiểm tra đột xuất để đảm bảo DN phải thực hiện đúng cam kết. Cuối cùng là bộ sẽ đánh giá nghiệm thu sản phẩm của dự án, những cái nhà nước đã tài trợ thì sản phẩm phải tương ứng, đảm bảo tiêu chí mà hội đồng tư vấn đặt ra cũng như bộ đã yêu cầu.

Hy vọng sự tham gia sử dụng nguồn vốn này có tính cạnh tranh, công khai minh bạch. Bộ sẽ cố gắng đảm bảo hiệu quả vì biết rằng nếu không sử dụng hiệu quả nguồn vốn của quỹ thì Chính phủ sẽ không tiếp tục hỗ trợ vốn như mong muốn.

Quỹ hoàn toàn cởi mở và minh bạch, các DN có thể tham khảo hướng dẫn quy trình thủ tục và hồ sơ trên website của quỹ và của Bộ. Chỉ có điều quỹ dù lớn đến đâu thì cũng hữu hạn. So với 500.000 DN Việt Nam thì nguồn vốn của quỹ không thể đáp ứng được cho 1/100 số DN. Vì mỗi một dự án hỗ trợ một vài tỉ thì quỹ chỉ hỗ trợ được vài trăm dự án. Như vậy thì tính cạnh tranh rất cao nên sẽ có DN không thể đạt được nguyện vọng của mình. Vì thế các DN nên cân nhắc kĩ, dự án có đổi mới công nghệ, có hiệu quả thì hãy nộp hồ sơ để tránh mất thời gian xem xét, xét duyệt, thẩm định, đấu thầu tuyển chọn.

– Vậy nếu DN không có sản phẩm như cam kết thì bộ và quỹ sẽ xử lý ra sao, thưa bộ trưởng?

Nếu DN không có sản phẩm như cam kết sẽ có chế tài để xử lý. Nếu do nguyên nhân khách quan thì DN sẽ phải hoàn lại cho ngân sách nhà nước một khoản tối thiểu và sẽ xem xét những năm tiếp theo DN đó sẽ không được tham gia vào chương trình khoa học công nghệ của nhà nước. Còn nếu do nguyên nhân chủ quan thì chế tài nặng hơn – có thể hoàn trả toàn bộ kinh phí nhà nước đã hỗ trợ, thậm chí còn bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc còn xử lý hình sự nếu như có dấu hiệu tham nhũng hoặc lợi dụng cơ chế chính sách.

– Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu đặt ra của quỹ là gì?

Trước đây tốc độ đổi mới công nghệ của ta chậm chạm, đa phần các DN Việt đang sử dụng công nghệ của thập kỉ 80, 90 của thế kỉ 20. Chưa đến 5% DN sử dụng công nghệ mới hiện đại. Quỹ đặt ra mục tiêu phải giúp cho nền kinh tế đổi mới công nghệ để cạnh tranh khi mở cửa hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Dự kiến tốc độ đổi mới công nghệ của chúng ta khoảng 20% mỗi năm, cứ 5 năm thì toàn bộ DN Việt phải nâng tầm công nghệ lên một trình độ mới.

Xem thêm:

>>> Doanh nghiệp khoa học-công nghệ dài cổ chờ ưu đãi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới