Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Quỹ đóng chưa hết thời, nhưng…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quỹ đóng chưa hết thời, nhưng…

Hải Lý thực hiện

Ông Dominic Scriven.

(TBKTSG) – Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital (DC), phủ nhận tin đồn các quỹ do DC quản lý sẽ rút 1 tỉ đô la Mỹ ra khỏi Việt Nam, đồng thời khẳng định các quỹ đóng vẫn giữ vai trò nhất định trong đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhưng phải cải thiện hiệu quả đầu tư nếu muốn tiếp tục tồn tại.

TBKTSG: Người ta thường nói “không có lửa sao có khói”. Thưa ông vì sao bỗng nhiên trên thị trường lại rộ lên tin đồn DC sẽ rút 1 tỉ đô la Mỹ ra khỏi Việt Nam?

– Ông Dominic Scriven: Chúng tôi vừa công bố thông tin có một người điều hành của DC từ chức. Có thể người ta đặt câu hỏi và suy diễn từ sự từ chức này. Trong 15 năm qua, DC luôn có dàn lãnh đạo 6 người, nay chỉ còn 5, trong đó có một tổng giám đốc (CEO). Cũng cần nói rõ là trước đây DC không có tổng giám đốc, nay mới có. Đây là việc làm mới mô hình quản trị của công ty theo hướng hiện đại hóa như đề nghị của hội đồng quản trị trong cuộc họp năm 2009.

Sự tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ nước ngoài năm ngoái nhìn chung không bằng sự tăng trưởng của VN-Index và chúng ta đã chứng kiến sự giải thể của một số quỹ như PXP, một quỹ của Indochina Capital… Một quỹ của DC cũng phải tái cơ cấu lại. Trong những khó khăn của năm vừa qua, các nhà đầu tư nhận ra quỹ đóng cũng phải là quỹ có thời hạn (thời gian đóng có giới hạn – NV).

TBKTSG: Như vậy năm nay DC sẽ không có bất cứ đợt rút vốn nào?

– Phần lớn các nhà đầu tư muốn tăng các khoản đầu tư chứ không muốn giảm. Tuy nhiên trong đại hội cổ đông 2008, họ tập trung yêu cầu hai vấn đề: thứ nhất, quy trình và chiến lược đầu tư phải mang lại hiệu quả tốt hơn. Thứ hai, nhìn vào giá chứng chỉ quỹ (các quỹ của DC niêm yết ở Anh) so với NAV, năm ngoái nó xuống nhiều, mức chiết khấu tới 25-30% là nhà đầu tư không chấp nhận.

TBKTSG: Giả sử năm nay, vì một lý do bất ngờ nào đó, có nhà đầu tư đòi rút vốn, DC sẽ xử lý như thế nào?

– Nhà đầu tư muốn rút vốn phải được đại hội cổ đông ra nghị quyết và phải đợi hai năm. Còn nếu họ có ý định rút, họ có thể bán chứng chỉ quỹ đang sở hữu ra thị trường.

TBKTSG: Bây giờ việc huy động và gọi thêm vốn của các quỹ nước ngoài khó hơn. Năm 2009 nhiều quỹ đã nỗ lực, nhưng kết quả là không có một đợt gọi vốn mới nào thành công. Điều gì đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc nhiều nhất khi quyết định bỏ tiền vào Việt Nam?

– Phải nói thật là năm ngoái việc huy động vốn mới của nhiều quỹ chưa thành công vì nhà đầu tư còn những băn khoăn về Việt Nam. Chúng tôi, những người nước ngoài sống ở đây lâu năm, quen rồi, thì hiểu được phần nào thị trường Việt Nam. Nhưng nhà đầu tư ở nước ngoài, họ nhìn cả một giai đoạn dài.

Chẳng hạn họ thấy thị trường từ năm 2007 đến nay, đặc biệt là năm 2008, biến động mạnh quá. Họ chờ thêm một thời gian để thị trường ổn định lại. Cái gốc là sau nhiều năm định hình với một mô hình phát triển nhất định, sau 2-3 năm tăng trưởng nhanh kèm theo một năm khó khăn, chúng ta phải nhìn vào cốt lõi bên trong của thị trường tài chính Việt Nam để khám phá ra những cái được cũng như cái chưa được và chấp nhận nó để làm lại.

TBKTSG: Ý ông là vẫn còn nhiều những ưu tư khi nhà đầu tư quyết định mở hầu bao phải không?

– Chúng ta cần nhìn trở lại thời gian trước một chút. Việt Nam đã khá thành công trong phát triển kinh tế những năm đầu thập niên vừa qua. Năm 2009 Chính phủ đã có những nỗ lực lớn. Song, nhà đầu tư vẫn còn lo về kinh tế vĩ mô như lạm phát, tín dụng, tỷ giá, tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu.

Bên cạnh đó là quy mô của thị trường chứng khoán chưa lớn nhanh như mong đợi. Năm 2009 không có doanh nghiệp lớn nào cổ phần hóa dù đã lên kế hoạch. Cơ hội để đầu tư vào những doanh nghiệp lớn không nhiều. Một điểm khác nữa là người nước ngoài xin mã số đầu tư (trading code)  rất phức tạp.

TBKTSG: Phải chăng các quỹ đầu tư nước ngoài đang thận trọng, đòi hỏi và bảo thủ hơn trong tìm kiếm lợi nhuận? Hay mô hình của các quỹ đóng đã trở nên lỗi thời ở Việt Nam?

– Các quỹ đóng vẫn còn vai trò ở Việt Nam. Vì sao ư? Vì quỹ đóng đến trước (từ những năm 1993 -1994), có nguồn vốn dài hạn, có nhân lực tại chỗ theo dõi đầu tư và bảo vệ một phần các tài khoản vốn cho nhà đầu tư. Dần dần nó có thể được thay thế bởi quỹ mở và nhà đầu tư đầu tư trực tiếp qua các công ty chứng khoán. Quỹ mở hiện chưa thể thay thế quỹ đóng vì Việt Nam chưa cho phép thành lập quỹ mở. Lập quỹ mở ở nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam không được khuyến khích. Tham gia đầu tư trực tiếp vẫn còn trắc trở.

Thí dụ muốn mua một khối lượng lớn cổ phiếu phải rải ra nhiều ngày. Như vậy tiền để mua phải chuyển vào từ trước và ai sẽ quản lý khoản tiền đó, có đáng tin cậy không. Đó là chưa kể một số nhân viên môi giới sử dụng thông tin mua bán số lượng lớn của nhà đầu tư nước ngoài để trục lợi, mua bán trước cho mình, hoặc cho những nhà đầu tư cá nhân họ có quan hệ mật thiết. Trong hoàn cảnh đó, quỹ đóng vẫn có vai trò của nó, nhưng nó phải khắc phục điểm yếu về hiệu quả đầu tư và làm sao giảm được mức chiết khấu của giá chứng chỉ quỹ so với NAV.

TBKTSG: Để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, theo ông, chứng khoán Việt Nam phải tháo gỡ những vấn đề nào trước tiên?

– Ở tầm vĩ mô, nhà đầu tư muốn có thông tin nhiều hơn để định lượng, đánh giá chính xác các vấn đề gai góc như lạm phát, tỷ giá… Ở tầm vi mô, khảo sát của DC cho thấy bức tranh như thế này: tăng trưởng doanh thu của 50 công ty lớn nhất trên cả hai sàn năm 2007 là 41,6%, năm 2008 30,8%, năm 2009 là 21%. Về lợi nhuận sau thuế, năm 2007 tăng 92,4%, năm 2008 âm 7,7%; năm 2009 tăng 69,4%.

Về EPS, năm 2007 tăng 60,4%, năm 2008 âm 35,9%, năm 2009 tăng 63,6%. Doanh thu nhìn chung là được nhưng lợi nhuận biến động cực kỳ lớn do những hoạt động ngoài ngành nghề chính (core business) khiến nhà đầu tư khó phân tích và dự báo. Ở góc độ EPS càng phức tạp hơn nữa. Nhìn vào đây, nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam cũng không đánh giá được, thì người nước ngoài làm sao hiểu nổi. Và vì không hiểu nên họ ngại.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới